Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà: Hà Nội xác định sống chung với dịch Covid-19 - Ảnh 1
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà: Hà Nội xác định sống chung với dịch Covid-19 - Ảnh 2

Hà Nội đã có thiệt hại về người, nhiều khu phố, tòa nhà bị phong tỏa, hàng nghìn người dân được đưa đi cách ly tập trung. Thế nhưng chưa bao giờ, khó khăn đó có thể đánh gục được niềm tin và tinh thần đoàn kết của Nhân dân Thủ đô. Cho đến nay, dịch cơ bản đã được kiểm soát, thành quả ấy có sự đóng góp không nhỏ của toàn ngành Y tế.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà: Hà Nội xác định sống chung với dịch Covid-19 - Ảnh 3

Tôi gặp bà khi bà vừa rời cuộc họp ở UBND TP về công tác phòng chống dịch. Bà mở bản dự thảo hướng dẫn "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" của Bộ Y tế ra và cho biết, Hà Nội đã góp ý rất cụ thể, chi tiết, phù hợp với tình hình thực tiễn của Thủ đô.

“Đã qua những ngày gian khó nhất, giờ là lúc Hà Nội cùng cả nước nỗ lực, quyết tâm “bình thường mới”. Chúng ta xác định không thể có “zero Covid”. Phải sống chung thôi, nhưng sống chung an toàn”...

Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, liên tục bị cắt ngang là những công việc của bà phải điều hành giải quyết gấp, rồi điện thoại của đơn vị nọ, bệnh viện kia, thậm chí có những cuộc điện thoại lạ từ tâm dịch TP Hồ Chí Minh…

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà: Hà Nội xác định sống chung với dịch Covid-19 - Ảnh 4

Ổ dịch Covid-19 tại BV Việt Đức tưởng chừng rất phức tạp, nhưng xem chừng đến nay đã ổn, thưa bà?

- Ổn rồi, hi vọng đây là ổ dịch phức tạp cuối cùng của Thủ đô. Tuy nhiên, thời gian tới có thể tiếp tục lại xuất hiện thêm những ca bệnh trong cộng đồng. Đó là điều khó tránh khỏi, vì bây giờ là dịch nội sinh.

Xem ra cuộc chiến chống dịch Covid-19 là thử thách mới, là áp lực với tân Giám đốc Sở Y tế?

- Áp lực thì nhiều lắm, chẳng riêng gì ngành y chúng tôi, mà cả chính quyền và Nhân dân Thủ đô. Khi cuối tháng 4 năm nay, các tỉnh tiếp giáp đều có dịch, Hà Nội đã lên phương án, kịch bản, quyết tâm bảo vệ Thủ đô an toàn, không để dịch lây lan mất kiểm soát. Đến tháng 8, tháng 9, các tỉnh, thành phía Nam, số ca mắc tăng lên “chóng mặt”, cùng với đó là hàng trăm ca tử vong mỗi ngày. Chúng tôi hiểu, nếu Hà Nội không bình tĩnh, quyết liệt ứng phó, số ca mắc cao, thương vong nhiều là điều khó tránh khỏi.

Khi TP yêu cầu thực hiện chiến dịch thần tốc xét nghiệm và tiêm vaccine phủ mũi 1 cho toàn bộ người dân trong độ tuổi trên địa bàn, phải nói là chưa bao giờ ngành y chúng tôi trải qua khối lượng công việc lớn đến vậy. Vừa xét nghiệm, vừa tiêm vaccine cho hàng triệu người dân, vừa khoanh vùng, điều tra dịch tễ và dập bằng được các ổ dịch phát sinh trong cộng đồng. Khi chưa có vaccine thì trăn trở làm sao để người dân được tiêm, nhưng khi về 3 triệu liều, phải tiêm xong trong 1 tuần, phải nói tôi lo lắm.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà: Hà Nội xác định sống chung với dịch Covid-19 - Ảnh 5

Trong những ngày đó, các điểm tiêm chủng đều mở tối đa công suất, hơn 3.000 dây chuyền và hơn 18.000 cán bộ y tế tham gia, tiêm ngày, tiêm đêm, có những dây chuyền hoạt động đến 2-3h sáng mới kết thúc, có ngày tiêm gần 800.000 liều vaccine, đây là con số tiêm chủng kỷ lục tại Thủ đô. Ngành y tế luôn nhận thức tiêm nhanh nhất, xét nghiệm trên diện rộng nhưng tất cả phải đảm bảo an toàn, hiệu quả, tiết kiệm, không để sót, bóc tách được F0. Đây là những áp lực rất lớn đặt lên vai ngành Y tế. Nhưng chúng tôi hiểu rằng, càng áp lực bao nhiêu thì càng phải cố gắng, nỗ lực bấy nhiêu, chỉ cần người dân tin tưởng. 

Rất may mắn chúng tôi được sự hỗ trợ của Bộ Y tế, các bệnh viện tuyến trung ương, các bệnh viện ngành công an, quân đội, các cơ sở y tế tư nhân và y tế các địa phương. Và quan trọng hơn đó là những sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo TP cùng sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị và người dân, giúp công tác phòng chống dịch của Hà Nội đạt được những kết quả nhất định, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát.

Thưa bà, với tư cách người đứng đầu ngành Y tế Hà Nội, bà đánh giá thế nào về tầm mức và tác động của đợt dịch lần thứ 4 đối với Thủ đô Hà Nội?

- Đợt bùng phát dịch lần thứ 4 tại Việt Nam rất khốc liệt với biến chủng Delta cực kỳ nguy hiểm - biến chủng đã làm đảo ngược các thành quả phòng chống dịch trên thế giới và làm thay đổi mọi thứ trong công tác phòng chống dịch ở Việt Nam, trong đó có Hà Nội.

Đã hơn 5 tháng, kể từ khi làn sóng dịch lần thứ 4 lan rộng, chính quyền và người dân Hà Nội đã căng sức trải qua "chiến dịch" ứng phó với đại dịch Covid-19. Có thể nói, đợt dịch này đã ảnh hưởng lớn, hết sức tiêu cực đến mọi mặt của đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội; đến đời sống vật chất cũng như tinh thần của Nhân dân và tâm lý, tâm trạng xã hội. Với 60 ngày giãn cách xã hội, là khoảng thời gian khó khăn nhất và cũng gây thiệt hại lớn nhất cho kinh tế Thủ đô. Nhưng đổi lại, Hà Nội đã tận dụng có hiệu quả “thời gian vàng” này để khống chế, kiểm soát dịch bệnh, đặc biệt với chiến dịch thần tốc xét nghiệm diện rộng trên toàn TP, tiêm phủ mũi 1 vaccine cho người dân từ 18 tuổi trở lên.

Với khối lượng công việc đồ sộ, ngổn ngang, phải giải quyết ngay cùng một lúc, chưa có trong tiền lệ. Nhưng vượt lên tất cả, ở những lúc khó khăn nhất, với tinh thần đoàn kết, đồng lòng của Nhân dân, Hà Nội chiến đấu, đến nay cơ bản khống chế được dịch, thực hiện “mục tiêu kép”, phấn đấu sớm đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới.

Trong chiến dịch thần tốc ấy, là sự vào cuộc của cả hệ thống hệ thống chính trị, trong đó có lực lượng y tế với 26.000 cán bộ, nhân viên - lăn xả ngày đêm, tham gia ở mọi trận tuyến, mang lại những thành quả nhất định.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà: Hà Nội xác định sống chung với dịch Covid-19 - Ảnh 6

Trong những ngày tháng gian truân chống dịch ấy, câu chuyện nào khiến bà trăn trở, day dứt nhất?

- Đó là những chuyện của những người dân bị ảnh hưởng bởi dịch, đời sống kinh tế vô cùng khó khăn, dù chính quyền địa phương, TP đã hỗ trợ kịp thời, nhưng thiệt hại đối với họ là quá lớn, đã có những đau thương, mất mát. Có những bệnh nhân phải ra đi, dù nỗ lực hết sức nhưng không thể cứu.

Đó là chuyện những em bé phải theo cả gia đình vào khu cách ly, có những em còn bé lắm, thương lắm. Đó là chuyện của những chiến sĩ tuyến đầu chống dịch, bố ốm, mẹ đau, con nhỏ còn khát sữa nhưng nhiều tháng nay chưa được về nhà. Cán bộ y tế của chúng tôi đấy, xót xa lắm, đau thương lắm, nhưng tất cả đều hi sinh vì sự bình yên của Thủ đô.

Rồi những y bác sĩ ở tâm dịch miền Nam, có những người mất đi người thân, có nỗi đau nào bằng việc mất đi người mẹ thân yêu, mất đi người bố của mình nhưng lại không thể về nhìn mặt người thân lần cuối? Tất cả họ đang phải chịu đựng, hi sinh, thầm lặng góp công sức cho cuộc chiến chống dịch Covid-19.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà: Hà Nội xác định sống chung với dịch Covid-19 - Ảnh 7

Và còn có những cuộc điện thoại khó quên, đó là những cuộc gọi từ số lạ lúc lúc 2-3 giờ sáng, tôi vừa chợp mắt phải tỉnh dậy nghe máy, trong lúc có chút bần thần đó, chợt nghĩ, ai đó phải cần mình lắm họ mới gọi vào giờ này.

Quả thật, có những người từ TP Hồ Chí Minh gọi ra nhờ tư vấn gấp, vì người nhà đang rất nguy kịch… Ai nỡ không nghe máy, ai nỡ thờ ơ? Dịch Covid-19 thật khốc liệt, đau thương, mất mát quá nhiều rồi. Nhưng không được phép cam chịu và gục ngã. Chúng tôi mong muốn người dân hãy cùng chúng tôi chung tay chống dịch, có được sự đồng hành, ý thức trách nhiệm của mỗi công dân, mới mong đẩy lùi được dịch bệnh. Để những đồng nghiệp của chúng tôi sớm được trở về nhà, để những em bé không phải rời xa bố mẹ, để bớt đi những đứa trẻ mồ côi vì bố mẹ nhiễm Covid-19 tử vong, để cuộc sống Thủ đô và cả nước sớm được bình yên…

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà: Hà Nội xác định sống chung với dịch Covid-19 - Ảnh 8
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà: Hà Nội xác định sống chung với dịch Covid-19 - Ảnh 9

Nếu đề xuất chính sách y tế hậu Covid-19, thì bà ưu tiên đề xuất nội dung gì?

- Dịch Covid-19 là thước đo về năng lực của hệ thống y tế cả nước cũng như Thủ đô Hà Nội. Thêm một lần nữa, chúng ta phải khẳng định vai trò của y tế dự phòng vô cùng to lớn trong công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân.

Trong chăm sóc sức khỏe nói chung và phòng chống dịch bệnh nói riêng, mặt trận dự phòng mới chính là “tuyến đầu”! Để “thủng” mặt trận dự phòng, ở bất kỳ thời điểm nào, đều để lại hậu quả nặng nề cả trước mắt và lâu dài cho toàn xã hội, mà trong đó có gánh nặng đè lên vai các bác sĩ tuyến cuối.

Điều tôi luôn trăn trở là làm sao nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống y tế dự phòng, đặc biệt là tuyến cơ sở, để thu hút người dân đến khám, chữa bệnh ban đầu. Chúng ta rất cần điều chỉnh về cơ chế, chính sách nhằm phát triển y tế dự phòng với một mạng lưới bám sát cơ sở, phủ đều rộng khắp.

Để giải quyết thách thức trong ứng phó dịch bệnh, không cách nào khác là phải tăng cường đầu tư vào hệ thống y tế để chuẩn bị tốt hơn trong dự báo, phát hiện và ứng phó kịp thời dịch bệnh. Tuy nhiên, nhìn tổng thể, đầu tư cho y tế dự phòng của chúng ta vẫn còn những bất cập, chính sách chưa phù hợp, chưa tương xứng.

Chúng ta đã trải qua nhiều loại hình dịch bệnh mới nổi, và hiện đang phải chịu tác động, hệ lụy cực lớn từ dịch Covid-19, đây là một thách thức không nhỏ đối với hệ thống y tế. Nhưng để nâng cao chất lượng y tế dự phòng, đầu tư cho hệ thống y tế cơ sở là cả một câu chuyện dài…

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà: Hà Nội xác định sống chung với dịch Covid-19 - Ảnh 10

Đợt dịch Covid-19 vừa qua, hệ thống y tế Hà Nội chưa rơi vào quá tải, nhưng nếu dịch lan rộng, với kịch bản hàng nghìn ca mắc mỗi ngày, rõ ràng khó có tuyến điều trị nào đáp ứng nổi, vậy trong thời gian tới, y tế cơ sở của Hà Nội sẽ phải thay đổi ra sao, thưa bà?

- Có thể khẳng định, trong thời gian qua, ngành y tế Hà Nội luôn củng cố, hoàn thiện và phát triển hệ thống y tế cơ sở, qua đó góp phần quan trọng vào thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân. Năng lực dự phòng của tuyến y tế cơ sở được nâng cao, cơ sở vật chất khang trang, trang thiết bị hiện đại. Tuy nhiên, dù cơ sở vật chất, trang thiết bị có khang trang, hiện đại đến đâu nhưng thiếu nhân lực thì cũng không có ý nghĩa. Cái khó của Hà Nội hiện nay nói riêng cũng như cả nước nói chung, là thiếu nhân lực y tế chất lượng cao ở tuyến cơ sở. Mà muốn thu hút nhân lực thì phải có chính sách, riêng ngành y tế không giải quyết được.

Trong năng lực có thể, chúng tôi sẽ chú trọng đầu tư nguồn nhân lực bằng cách đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng cho cán bộ y tế cơ sở. Bên cạnh đó, đổi mới hoạt động tại trạm y tế trong chăm sóc sức khỏe ban đầu; phòng, chống dịch bệnh, quản lý bệnh không lây nhiễm, như tim mạch, ung thư, đái tháo đường… theo nguyên lý y học gia đình. Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cường luân phiên bác sĩ về tuyến dưới, mặc khác, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động chuyên môn và thanh toán BHYT cho người dân. Nhưng muốn y tế gần dân, phải tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, khi đó mới giảm tải được cho tuyến trên. Điều rất cần hiện nay là phải có cơ chế, chính sách phù hợp trong việc chi trả cho hoạt động khám chữa bệnh BHYT tại trạm y tế, mở rộng danh mục thuốc để người dân được hưởng lợi từ việc khám và điều trị tại tuyến xã, phường.

Đợt dịch Covid-19 cho thấy, đa số các ca tử vong đều là bệnh nhân có bệnh lý nền, bởi vậy, chăm sóc y tế ban đầu có ý nghĩa vô cùng quan trọng, làm giảm gánh nặng bệnh tật, giảm tỷ lệ tử vong.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà: Hà Nội xác định sống chung với dịch Covid-19 - Ảnh 11
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà: Hà Nội xác định sống chung với dịch Covid-19 - Ảnh 12

Thưa bà, Hà Nội cùng với cả nước đã trải qua cuộc chiến chống dịch khốc liệt nhất, cho đến nay, Thủ đô cơ bản đã được khống chế được dịch. Nhưng chúng ta xác định không thể có “zero Covid”, vậy Hà Nội có thể học hỏi gì từ kinh nghiệm quốc tế để thích ứng an toàn với dịch bệnh?

- Sau gần 2 năm xuất hiện và diễn biến phức tạp, khó lường trên phạm vi toàn cầu, đại dịch Covid-19 đến nay vẫn liên tục xuất hiện những biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Trước tình trạng này, Tổ chức Y tế thế giới thay đổi quan điểm ứng phó dịch bệnh từ “zero Covid-19” sang “sống chung an toàn với Covid-19”. Nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã xác định sống chung an toàn với dịch, kể cả khi các nước đạt tỷ lệ tiêm chủng cao. Hiện các nhà khoa học vẫn chưa thể đánh giá được mất bao lâu để Covid-19 trở thành căn bệnh thông thường, nhưng chiến dịch tiêm vaccine sẽ giúp các quốc gia không rơi vào thảm cảnh chết chóc.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà: Hà Nội xác định sống chung với dịch Covid-19 - Ảnh 13

Hiện nay, Việt Nam cũng đang có lộ trình nới lỏng giãn cách xã hội trên phạm vi cả nước. Bộ Y tế đang xây dựng hướng dẫn "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19". Chúng ta xác định chung sống thích ứng với Covid-19 nhưng phải đảm bảo an toàn, duy trì các biện pháp phòng bệnh chứ không buông lỏng.

Chúng ta không theo đuổi không có ca mắc Covid-19 mà chấp nhận có số ca mắc nhất định trong cộng đồng để tiếp tục các hoạt động phát triển kinh tế xã hội, hoạt động sinh hoạt của người dân. Tuy nhiên, cần duy trì và tăng cường triển khai các biện pháp dự phòng để kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và điều chỉnh linh hoạt với thực tiễn.

Để đánh giá việc kiểm soát tình hình dịch, chúng ta có thể tính toán số ca mắc Covid-19 trên 100.000 dân/tuần dựa trên thực tế ở từng địa phương. Tại Hà Nội, chúng tôi cũng đang có những góp ý cụ thể cho dự thảo của Bộ Y tế phù hợp với tình hình thực tiễn của Thủ đô.

Tôi cho rằng, để sống chung an toàn với dịch, cần phải phối hợp các giải pháp về vaccine, tăng cường hệ thống y tế, linh hoạt các biện pháp ứng phó dịch tễ tùy theo mức độ lây lan.

Xin cảm ơn bà!

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà: Hà Nội xác định sống chung với dịch Covid-19 - Ảnh 14

00:00 20/12/2021