Giảm thuế, tăng sức cho doanh nghiệp

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ Tài chính vừa trình Dự thảo giảm 2% mức thuế giá trị gia tăng (GTGT) với tất cả các hàng hóa, dịch vụ.

Nếu đề xuất này được thông qua, nguồn thu ngân sách sẽ có những ảnh hưởng nhất định. Tuy nhiên, việc giảm thuế cũng tăng sức cho DN, người dân, từ đó góp phần tăng thu ngân sách.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa đồng ý về nguyên tắc Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho phép xây dựng, ban hành Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế GTGT theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Cụ thể, Dự thảo của Bộ Tài chính đề xuất, năm 2023, giảm 2% mức thuế GTGT với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 10% (còn 8%); giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế GTGT đối với cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) khi thực hiện xuất hóa đơn đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT 10%. Bộ Tài chính đề xuất giảm mức thu khoảng 35 khoản phí, lệ phí. Thời gian áp dụng từ ngày 1/7 đến hết ngày 31/13/2023.

Theo Bộ Tài chính, thực hiện theo phương án này nhằm đảm bảo đúng mục tiêu kích cầu tiêu dùng, phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay. Qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh sớm phục hồi và phát triển để đóng góp trở lại cho ngân sách cũng như nền kinh tế. Trước đó, năm 2022, kết quả thực hiện đã cho thấy tổng gói hỗ trợ giảm thuế GTGT đạt khoảng 44.000 tỷ đồng.

Đón nhận thông tin này, các DN và người dân rất quan tâm và có những phản hồi tích cực. Giảm thuế GTGT sẽ góp phần giảm giá thành sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng, kích cầu nền kinh tế. Các kế toán DN sẽ không phải mất thêm thời gian cũng như có những nhầm lẫn trong rà soát các danh mục hàng hóa trong danh mục.

Một trong những lo ngại lớn của giảm thuế là giảm thu ngân sách. Đánh giá tác động, Bộ Tài chính dự kiến số giảm thu ngân sách Nhà nước (NSNN) khoảng 5.800 tỷ đồng/tháng, nếu áp dụng trong 6 tháng cuối năm 2023 thì tương đương khoảng 35.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi giảm thuế, tiêu thụ hàng hóa được kích cầu, DN, người dân được tháo gỡ một phần khó khăn sẽ quay lại đóng góp tích cực cho ngân sách.

Để khắc phục và bù đắp các tác động đến thu NSNN trong ngắn hạn cũng như đảm bảo sự chủ động trong điều hành dự toán NSNN, Bộ Tài chính cũng sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan và địa phương chú trọng chỉ đạo thực hiện, triển khai hiệu quả các Luật thuế. Đồng thời quyết liệt thực hiện công tác quản lý thu NSNN, tập trung triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhóm giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế.