Gian hàng Việt trực tuyến: Mở ra cánh cửa tiêu thụ sản phẩm Made in Việt Nam

Thu Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dịch Covid-19 bùng phát mạnh khiến việc vận chuyển, tiêu thụ, xuất khẩu hàng hóa gặp nhiều khó khăn. Do đó, việc tham gia giao dịch trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) thông qua “Gian hàng Việt trực tuyến” được xem là giải pháp giúp DN phục hồi sản xuất, tiếp cận thị trường qua phương thức phân phối hiện đại.

Cơ hội quảng bá tiêu thụ sản phẩm
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) thông tin: Năm 2020, dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng doanh số TMĐT Việt Nam vẫn tăng 18%, đạt 11,8 tỷ USD, chiếm 5,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. TMĐT đã trở thành một phương thức bán hàng hữu hiệu để DN Việt Nam mở lối vào chuỗi cung ứng toàn cầu, giảm thiểu rủi ro khi chuỗi cung ứng truyền thống bị đứt gãy.
Mới đây, tại hội nghị “Gian hàng Việt trực tuyến hỗ trợ DN phân phối sản phẩm trên sàn TMĐT” do Trung tâm Xúc tiến - Đầu tư - Thương mại - Du lịch (HPA) và Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số tổ chức, Giám đốc Công ty CP Quốc tế VAG Hoàng Xuân Hải chia sẻ: "Sản phẩm khăn Poêmy của DN trước đây đã được phân phối tại hệ thống siêu thị Big C, Aeon... nhưng do dịch Covid-19, số khách mua sắm trực tiếp giảm. Do đó, DN đã thử nghiệm bán hàng trên sàn TMĐT thông qua “Gian hàng Việt trực tuyến” và nhận được nhiều đơn đặt hàng, giúp đơn vị tiêu thụ sản phẩm".
 DN kết nối sàn TMĐT tiêu thụ sản phẩm thông qua ''Gian hàng Việt trực tuyến''. Ảnh chụp trước thời điểm 27/4/2021

Nói về lợi ích mà “Gian hàng Việt trực tuyến” mang lại, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Đặng Hoàng Hải nêu rõ, chương trình được thiết kế theo mô hình phân phối trực tiếp từ nhà sản xuất tới người tiêu dùng, thông qua các sàn thương mại điện tử Sendo, Voso, Tiki. Hoạt động này mở ra một kênh phân phối hàng hóa mới, hiện đại, được quản lý chặt chẽ cho các nhà sản xuất, định vị đúng giá trị thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm, hình ảnh DN Việt. “Gian hàng Việt trực tuyến" sẽ là cầu nối giúp DN sản xuất kết nối thị trường trong nước, phục vụ nhu cầu tiêu dùng đa dạng của người dân và đẩy tiêu dùng nội địa”- ông Đặng Hoàng Hải chia sẻ.
Đồng tình với ý kiến này, Phó Giám đốc HPA Nguyễn Thị Mai Anh cho biết, “Gian hàng Việt trực tuyến” không chỉ tạo điều kiện cho DN tiêu thụ hàng hóa mà còn giúp quảng bá sản phẩm từ đó tiếp cận người tiêu dùng trong nước và quốc tế. DN có được lợi ích này là bởi đây là hình thức bán hàng khá dễ dàng thực hiện, chi phí thấp hơn kinh doanh truyền thống.
Còn đó những khó khăn
Việc đưa sản phẩm lên tiêu thụ trên sàn TMĐT đã không còn là câu chuyện mới, tuy nhiên lại không hề đơn giản. Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ Công bằng Eatu (Buôn Ma Thuột) Trần Đình Trọng chia sẻ, chất lượng cà phê mà đơn vị sản xuất rất tốt nhưng để đưa sản phẩm lên sàn TMĐT không hề dễ. Nguyên nhân là do đơn vị thiếu trang thiết bị, nhân lực chưa đủ kiến thức, kỹ năng quản lý, vận hành, ứng dụng TMĐT. “Đây là điểm hạn chế lớn mà hầu hết các hợp tác xã đang gặp phải trong quá trình chuyển đổi phương thức kinh doanh từ truyền thống sang kinh doanh số” - ông Trần Đình Trọng nói.
Phân tích nguyên nhân khiến DN gặp nhiều khó khăn, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Lại Việt Anh nêu rõ, hiện nhận thức của DN về phương thức kinh doanh qua TMĐT còn hạn chế; thiếu cán bộ hiểu biết về công nghệ thông tin, quy trình bán hàng, marketing...
“Để sản phẩm đến tay người tiêu dùng đòi hỏi DN cần được đào tạo bài bản về cách thức quảng bá trực tuyến, xây dựng hình ảnh sản phẩm và hình ảnh doanh nghiệp. Bên cạnh đó là cách thức chăm sóc khách hàng, những dịch vụ sau bán hàng, các hình thức cam kết, quản lý chất lượng sản phẩm”- ông Lại Việt Ạnh nói.
Để khắc phục khó khăn, các DN kiến nghị Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ giúp họ tiếp cận nguồn vốn vay giá rẻ, hoặc nới lỏng điều kiện lên sàn TMĐT qua đó tận dụng nguồn vốn đại chúng; đẩy nhanh quá trình huy động vốn phát triển TMĐT.
Để từng bước tháo gỡ khó khăn cho DN, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Đặng Hoàng Hải thông tin, thời gian tới những DN tham gia “Gian hàng Việt trực tuyến” sẽ được hỗ trợ đào tạo xây dựng chiến lược, giải pháp ứng dụng chuyển đổi số; Tham gia các chương trình kết nối cung - cầu trực tuyến, hỗ trợ chính sách tài chính, tiếp cận vốn vay ưu đãi…
Có thể nói, để “Gian hàng Việt trực tuyến” ngày càng phát triển rất cần sự tham gia của cơ quan quản lý, sàn TMĐT, ngân hàng và công ty cung cấp giải pháp quản lý chất lượng… qua đó giúp DN sản xuất có thêm kênh tiêu thụ hàng Việt trong thời gian giãn cách xã hội, phục hồi sản xuất hậu Covid-19.

“Gian hàng Việt trực tuyến” được thiết kế theo mô hình phân phối trực tiếp từ nhà sản xuất tới người tiêu dùng, thông qua các sàn TMĐT Sendo, Voso, Tiki giúp DN đưa hàng trực tiếp tới người tiêu dùng, định vị đúng giá trị thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm, hình ảnh Việt Nam. Có thể nói mô hình kinh doanh này sẽ là nơi chắp cánh cho DN Việt đa dạng hóa kênh phân phối, tiêu thụ hàng hóa.

Phó Giám đốc HPA Nguyễn Thị Mai Anh

Bán hàng qua các sàn TMĐT là một trong những cách nhanh nhất để các DN có thể xây dựng thương hiệu riêng, từ đó đưa hàng hóa xuất khẩu ra toàn cầu, nhất là các DN nhỏ và vừa. Trong thời gian tới, Sở Công Thương Hà Nội sẽ cùng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số tổ chức đào tạo chuyên sâu cho các DN; Đẩy mạnh phát triển hạ tầng logistics phục vụ xuất khẩu hàng hóa qua TMĐT; Tổ chức hội nghị kết nối, cập nhật kiến thức số, tăng hiệu quả kinh doanh trên môi trường trực tuyến cho các DN.

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần