Gian nan cuộc chiến chống sách lậu

Nhật Tâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vấn nạn in ấn và tiêu thụ xuất bản phẩm (XBP) lậu đang ngày càng trở nên nhức nhối khiến nhiều nhà xuất bản (NXB) điêu đứng. Lực lượng chức năng đã xử phạt nhiều vụ nhưng dường như chế tài xử lý chưa đủ mạnh để răn đe.

 Cơ quan chức năng đã xử lý nhiều vụ liên quan tới sách lậu.

Ngang nhiên và lộng hành

Việc in ấn và tiêu thụ XBP lậu là vấn đề nhức nhối, tồn tại trong thời gian dài nhưng vẫn chưa được ngăn chặn và xử lý hiệu quả. Giám đốc First News - Trí Việt Nguyễn Văn Phước cho biết, trong thời gian qua, First News đã phối hợp với lực lượng chức năng tìm hiểu và xử lý nhiều vụ, đặc biệt là vụ đơn vị phối hợp với Phòng An ninh chính trị nội bộ - PA83 (Công an TP Hà Nội) triệt phá xưởng gia công sách lậu công khai của Công ty TNHH In Dương Khánh tại Trương Định (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Đến thời điểm hiện tại, Giám đốc nhà in Nguyễn Văn Dũng đã trực tiếp gia công làm hơn 7.000 bản sách Đắc Nhân Tâm của First News nhưng vẫn chưa bị xử lý, truy tố và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Trong nhiều năm qua, dù First News đã tích cực chống nạn sách giả nhưng tệ nạn in và sản xuất lậu vẫn ngang nhiên lộng hành, đặc biệt tại các TP lớn như Hà Nội.
Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam Gareth Ward cho biết, các NXB quốc tế, Việt Nam và Vương quốc Anh đang phải đối mặt với vấn đề XBP in lậu khi hoạt động tại thị trường Việt Nam. Cần tiếp tục nâng cao nhận thức về vấn đề phòng chống in lậu XBP và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực xuất bản cho tất cả người dân Việt Nam nhằm cải thiện môi trường kinh doanh khi Việt Nam tiếp tục hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu.

Theo Phó Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXB GDVN) Lê Thành Anh, XBP giáo dục của đơn vị bị in và tiêu thụ lậu đứng đầu về số lượng, địa bàn và mức độ công khai. Theo thống kê, từ năm 2010 đến nay, NXB đã phát hiện hơn 500.000 bản sách, hơn 100.000 đĩa CD và gần 8 tấn bản thành phẩm sách giáo dục bị in lậu, tàng trữ. Những XBP này phần lớn là sách tiếng Anh, sách bổ trợ, Át lát địa lý... Ngoài ra, các bản sách điện tử của sách giáo khoa, sách tiếng Anh cũng bị phát tán trên mạng internet tràn lan với nguồn gốc khác nhau. XBP giáo dục giả, lậu được bán công khai tại nhiều cửa hàng, nhà sách lớn nhỏ ở khắp các tỉnh, TP, thậm chí còn được bán trong các cơ sở giáo dục – đào tạo, bán vào các nhà trường.

Ông Lê Thành Anh cho biết, năm 2019, Đội Quản lý thị trường số 23 Hà Nội phát hiện một kho sách lậu, đĩa lậu lớn của ông Phí Công Được tại xã Dương Liễu, Hoài Đức, Hà Nội; đặc biệt, Cục An ninh chính trị nội bộ phát hiện kho sách dạy tiếng Nhật tại đường Trần Bình, Hà Nội với vỏ bên ngoài là quán cà phê. Trước tình trạng sách lậu tràn lan, ông Lê Thành Anh chỉ ra nhiều nguyên nhân. Trước tiên, lợi ích kinh tế từ việc in và tiêu thụ XBP lậu mang lại rất lớn; do hệ thống văn bản, chế tài xử lý của pháp luật dù đã được cập nhật, bổ sung nhưng vẫn chưa đầy đủ. Hơn nữa, khung hình phạt đối với hành vi này hiện rất thấp, chưa đủ nghiêm. Như NXB Thái Hà books bị làm lậu khoảng 150 đầu sách, nổi bật là: 13 nguyên tắc nghĩ giàu làm giàu, Người nam châm, Chiến thắng con quỷ trong bạn, Đọc vị bất kỳ ai.

Tình trạng sách lậu, sách giả được các trùm in lậu tiêu thụ công khai và trực tiếp trên các trang mạng với số lượng lớn, thông qua các sàn thương mại điện tử; những cuốn sách giả in ấn kém chất lượng, sai sót được giới thiệu bằng hình ảnh các sách thật trên sàn khiến bạn đọc không nhận biết được.

Cần thuốc “đặc trị”

Bộ TT&TT đã xây dựng và triển khai nhiều giải pháp nhằm thực hiện tốt công tác phòng, chống in lậu, tuy nhiên các cơ quan chức năng từ T.Ư đến địa phương vẫn gặp không ít khó khăn.

Phó Cục trưởng Cục Xuất bản - In và Phát hành Nguyễn Ngọc Bảo cho biết, hệ quả của in lậu là gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của tác giả, gây thiệt hại lớn về kinh tế, làm thất thu ngân sách Nhà nước, ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế khi tham gia Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học, nghệ thuật. Tình trạng sách lậu tràn lan thị trường kèm với việc sách không có bản quyền vẫn ngang nhiên được cấp phép xuất bản. Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, dù không có giấy phép in xuất bản phẩm, nhưng nhiều công ty, nhà in, cơ sở in vẫn tham gia in nhiều đầu sách theo sự móc ngoặc với đối tượng in lậu.

Trước tình trạng này, ông Thành Anh đã đề xuất các cơ quan chức năng tổ chức rà soát, bổ sung các quy định, chế tài xử lý hành vi in lậu, in trái phép, tàng trữ, tiêu thụ XBP in giả với chế tài xử phạt nghiêm khắc, đủ tính răn đe. Đưa hành vi sản xuất, in, tàng trữ, tiêu thụ XBP giả là sản xuất, tàng trữ, buôn bán hàng giả để có mức xử phạt nghiêm khắc. Chỉ khi triệt phá tận gốc rễ nạn in lậu, sách giả thì những tác giả, những đơn vị làm sách, NXB chân chính mới có "đất sống".

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần