Hàng Việt “phủ sóng” siêu thị nước ngoài
Tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời Nguyễn Duy Thuận cho biết, doanh nghiệp đã đưa được 1.000 tấn gạo thương hiệu riêng “Cơm – Rice Viet Nam” vào đại siêu thị Carrefour Part Dieu (Pháp). “Điều này đã khẳng định được gạo Việt Nam nói riêng và hàng hóa Việt Nam nói chung, hoàn toàn có thể xuất khẩu vào thị trường khó tính bằng chính thương hiệu của mình”- ông Thuận nói.
Đầu năm 2023, Thương vụ Việt Nam tại Pháp phối hợp với Tập đoàn bán lẻ Carrefour tổ chức Tuần hàng Tết Việt Namtại đại siêu thị Carrefour Part Dieu (Pháp). Hệ thống siêu thị này đang bán 200 loại sản phẩm của Việt Nam và nằm trong top 20 loại nông sản, thực phẩm bán chạy nhất trong khu sản phẩm thế giới của siêu thị Carrefour.
Thực tế cho thấy, hàng năm, hàng loạt hàng hóa của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng đã được Tập đoàn bán lẻ Aeon (Nhật Bản) giới thiệu tới người tiêu dùng Nhật Bản thông qua chương trình “Tuần hàng Việt Nam”, qua đó hướng tới đưa kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vào hệ thống Aeon đạt 1 tỷ USD vào năm 2025.
Theo Tổng Giám đốc Công ty TNHH Aeon Topvalu Việt Nam (thuộc Tập đoàn Aeon) Shiotani Yuichiro, hiện sản phẩm may mặc chiếm 60%, sản phẩm gia dụng chiếm 30% tổng sản phẩm Aeon Topvalu Việt Nam đã xuất khẩu ra thế giới.
Không chỉ Aeon mà cả Central Group (Thái Lan), NTUC FairPrice (Singapore)... cũng hỗ trợ để hàng Việt bán vào các siêu thị Thái Lan, Hàn Quốc, Singapore... Giám đốc Truyền thông Tập đoàn Central Retail Việt Nam Nguyễn Thị Bích Vân chia sẻ, liên tục trong những năm qua, tại Trung tâm thương mại Central tỉnh Udon Thani (Thái Lan), Tập đoàn Central Group đã tổ chức Tuần hàng Việt Nam. Qua đó đưa hàng Việt thâm nhập thị trường này, đồng thời tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt tiếp cận thị trường châu Âu thông qua hệ thống bán lẻ Central Group ở Italia.
Thông tin của Công ty TNHH MM Mega Market Việt Nam (Thái Lan), ngoài các mặt hàng rau, củ, quả được xuất khẩu sang Thái Lan và Singapore, nhà phân phối này đã đưa sản phẩm thủy, hải sản Việt Nam có mặt tại thị trường Hồng Kông, Đài Loan (Trung Quốc).
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, từ năm 2015, Bộ đã triển khai Đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu trực tiếp vào mạng phân phối nước ngoài”. Đến nay, nông sản, thực phẩm, đồ gia dụng, dệt may, da giày, nội thất..., đã tới tay người tiêu dùng thế giới thông qua hệ thống phân phối như Walmart, Amazon (Mỹ), Carrefour (Pháp), Aeon (Nhật Bản), Central Retail, Mega Market (Thái Lan).
Thiếu kiên nhẫn, khó đưa hàng Việt lên kệ quốc tế
Hàng Việt mặc dù đã có mặt tại nhiều thị trường khó tính, nhưng thị phần còn khá khiêm tốn, một trong những nguyên nhân là doanh nghiệp chưa đủ kiên nhẫn theo đuổi mục tiêu khó khăn này.
Tham tán Thương mại Việt Nam tại Canada Trần Thu Quỳnh phản ánh, một nhà phân phối lớn ở Canada muốn mua hoa quả tươi Việt Nam và doanh nghiệp Việt Nam đã đồng ý cung ứng. Nhưng sau đó doanh nghiệp Việt Nam tự ti không đủ sức cung ứng sản phẩm, đồng thời lo ngại khi hàng bán tiêu thụ tốt sẽ thua lỗ nên từ bỏ hợp tác với nhà bán lẻ Canada.
Việc thực hiện đề án sẽ tăng cường khả năng cạnh tranh lâu dài của doanh nghiệp. Đồng thời thu hút nguồn đầu tư trong và ngoài nước vào sản xuất xanh, sạch, bền vững, chế biến hàng xuất khẩu có chất lượng cao, mang lại giá trị gia tăng cao cho hàng hóa xuất khẩu Hà Nội.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền
Còn theo Trưởng phòng Xuất khẩu Tập đoàn Mega Market Trần Chí Cường, quá trình kết nối tiêu thụ sản phẩm Việt thông qua hệ thống siêu thị Mega Market cho thấy, một số doanh nghiệp chưa thẳng thắn nhìn nhận sản phẩm mình chưa tốt, cương quyết không thay đổi phương thức sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng, giá bán. “Một số doanh nghiệp sản xuất nội thất mong muốn trở thành nhà cung ứng hàng hóa, nhưng sản lượng không nhiều, tính chuyên nghiệp hóa không cao nên không thể là nhà cung ứng hàng hóa cho siêu thị”- ông Cường nêu rõ.
Phân tích nguyên nhân khiến hàng Việt khó lên kệ siêu thị nước ngoài, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến, Đầu tư, Thương mại Hà Nội (HPA) Nguyễn Thị Mai Anh chia sẻ, phần lớn doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, thường thiếu, yếu về chuyên môn, kỹ năng, cũng như khả năng tài chính, cho nên không đáp ứng được yêu cầu từ các nhà phân phối. Nhiều doanh nghiệp vẫn lúng túng trong khâu giới thiệu và quảng bá hàng hóa dẫn tới giao thương chưa đạt hiệu quả cao.
Để hàng Việt hiện diện tại hệ thống bán lẻ quốc tế, Nguyên trưởng phòng nghiên cứu kinh tế(Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội) TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, doanh nghiệp phải thực hiện đồng bộ giải pháp từ sản xuất đến phân phối, tiêu thụ theo hướng đáp ứng các quy định về chất lượng, quy trình sản xuất… nước sở tại.
“Tuy nhiên bên cạnh sự nỗ lực của doanh nghiệp Việt Nam, đòi hỏi hệ thống siêu thị quốc tế hỗ trợ thiết kế, chọn lựa sản phẩm phù hợp xuất khẩu trực tiếp vào hệ thống bán lẻ”- ông Phong kiến nghị.
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đưa hàng Việt thâm nhập hệ thống bán lẻ quốc tế, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 107/KH-UBND ngày 24/3/2023 về triển khai Đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2030”. Thông qua việc thực hiện, TP Hà Nội khuyến khích doanh nghiệp Hà Nội tham gia mạnh mẽ vào chuỗi sản xuất, cung ứng, phân phối hàng hóa toàn cầu, xuất khẩu trực tiếp vào các mạng phân phối nước ngoài trên cơ sở phát huy thế mạnh và khai thác tối đa lợi thế cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu của Hà Nội.