Khi hàng Việt xuất ngoại
Năm 2021, dù dịch Covid-19 bùng phát nhưng Tập đoàn Aeon (Nhật Bản) đã phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức “Tuần hàng Việt Nam” siêu thị Aeon ở tỉnh Saitama (Nhật Bản). Tổng giám đốc Công ty AEON Việt Nam Furusawa Yasuyuki thông tin, từ năm 2016 đến nay “Tuần hàng Việt Nam” tại Nhật Bản đã trở thành sự kiện thường niên của Tập đoàn Aeon, hướng tới mục tiêu đưa kim ngạch xuất khẩu hàng Việt Nam vào hệ thống Aeon đạt 1 tỷ USD vào năm 2025.
“Việc hàng hóa Việt Nam được bày bán rộng rãi tại chuỗi siêu thị Aeon và các chuỗi siêu thị lớn khác của Nhật Bản như Donkihote, Itoyokado… sẽ mở ra cơ hội mới cho hàng hoá, nông sản Việt Nam tiếp cận thị trường Nhật Bản”- ông Furusawa Yasuyuki chia sẻ.
Thực tế cho thấy, không chỉ Aeon mà cả Central Group, Lotte Mart và NTUC FairPrice... cũng hỗ trợ để hàng Việt bán vào các siêu thị Thái Lan, Hàn Quốc, Singapore...
Giám đốc Truyền thông Tập đoàn Central Retail Việt Nam Nguyễn Thị Bích Vân chia sẻ, vừa qua tại Trung tâm thương mại Central tỉnh Udon Thani (Thái Lan), Tập đoàn Central Group đã tổ chức Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan (Vietnamese Goods Week in Thailand). Đây là lần thứ 5 chương trình Tuần hàng Việt Nam được Central Group tổ chức tại Thái Lan.
Thông tin của Công ty TNHH MM Mega Market Việt Nam (Tập đoàn TCC - Thái Lan), ngoài các mặt hàng rau, củ, quả được xuất khẩu ổn định sang Thái Lan và Singapore, nhà phân phối này đã đưa sản phẩm thủy, hải sản Việt Nam xuất khẩu đến thị trường Hồng Kông, Đài Loan (Trung Quốc).
Tương tự, hệ thống siêu thị Lotte Mart đã hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất hơn 1.500 sản phẩm hàng hóa mang thương hiệu Choice L tiêu thụ tại thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc, Myanmar.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đánh giá, bên cạnh việc phát triển hệ thống phân phối hiện đại tại Việt Nam, các tập đoàn phân phối bán buôn bán lẻ còn là kênh xuất khẩu trực tiếp hữu hiệu, bền vững, đưa sản phẩm chất lượng cao của Việt Nam tới tay người tiêu dùng thông qua hệ thống phân phối trên toàn thế giới.
Gian nan vượt “cửa ải”
Thực tế cho thấy, mặc dù hệ thống siêu thị quốc tế là cánh cửa cho hàng Việt thâm nhập thị trường nước sở tại, nhưng để làm được điều này không hề dễ bởi doanh nghiệp phải đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của đơn vị bán lẻ.
Đại diện AEON cho biết, từ năm 2018 tập đoàn đã hướng dẫn cho hàng trăm nhà cung ứng, song ngay từ giai đoạn này nhiều doanh nghiệp không thể đi tiếp vì năng lực, khả năng sản xuất thiếu ổn định, đặc biệt có sự chênh lệch lớn trong suy nghĩ về quản lý chất lượng với doanh nghiệp bán lẻ.
''Với mặt hàng dệt may, AEON đã hướng dẫn kỹ thuật cho các nhà máy dệt may Việt Nam về chất lượng, giảm thiểu tỷ lệ hao hụt. Nhưng một số công ty không chấp nhận việc phải đáp ứng yêu cầu của thị trường nước ngoài nên họ không hợp tác thực hiện''- đại diện AEON than phiền.
Tương tự, Tham tán thương mại Việt Nam tại Canada Đỗ Thị Thu Hương phản ánh, một nhà phân phối lớn ở Canada muốn mua hoa quả tươi Việt Nam và doanh nghiệp Việt Nam đã đồng ý cung ứng. Nhưng sau đó doanh nghiệp Việt Nam tự ti không đủ sức cung ứng sản phẩm, đồng thời lo ngại khi hàng bán tiêu thụ tốt sẽ thua lỗ nên không hợp tác với nhà bán lẻ Canada.
Còn theo Trưởng phòng Xuất khẩu của Tập đoàn Mega Market Trần Chí Cường, quá trình kết nối tiêu thụ sản phẩm Việt thông qua hệ thống siêu thị Mega Market cho thấy, một số doanh nghiệp chưa thẳng thắn nhìn nhận sản phẩm mình chưa tốt, nên cương quyết không thay đổi phương thức sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng, giá bán.
“Một số doanh nghiệp sản xuất nội thất mong muốn trở thành nhà cung ứng hàng hóa, nhưng sản lượng không nhiều, tính chuyên nghiệp hóa không cao nên đơn vị này không thể là nhà cung ứng hàng hóa cho siêu thị”- ông Trần Chí Cường nêu rõ.
Trong những năm tới, Bộ Công Thương tiếp tục đẩy mạnh kết nối giữa doanh nghiệp Việt Nam với các các tập đoàn bán lẻ đa quốc gia, qua đó tăng số lượng doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp qua hệ thống phân phối nước ngoài. Để làm được điều này thời gian tới Bộ Công Thương sẽ tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, xuất khẩu, giúp doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng, xử lý sự cố xảy ra, qua đó góp phần mở rộng kênh xuất khẩu, đưa hàng Việt Nam ra thế giới.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải
Để đưa hàng Việt Nam tới các siêu thị quốc tế, doanh nghiệp phải thực hiện đồng bộ giải pháp từ sản xuất đến phân phối, tiêu thụ theo hướng đáp ứng các quy định về chất lượng, quy trình sản xuất… Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) Trương Văn Cẩm chia sẻ, để tiếp cận các nhà phân phối lớn, đưa sản phẩm xuất khẩu ra nước ngoài, nhiều doanh nghiệp dệt may đã chú trọng đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, đảm bảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm. “Tuy nhiên bên cạnh sự nỗ lực của doanh nghiệp Việt Nam, đòi hỏi hệ thống siêu thị quốc tế hỗ trợ thiết kế, chọn lựa sản phẩm phù hợp xuất khẩu trực tiếp vào hệ thống phân phối”- ông Trương Văn Cẩm kiến nghị.
Như vậy, để trở thành nhà cung ứng trong các kênh phân phối đa quốc gia, doanh nghiệp phải đáp ứng, duy trì các tiêu chuẩn đã cam kết từ đầu trong suốt quá trình cung ứng. Đồng thời phải xác định chính xác phân khúc thị trường, thị hiếu khách hàng để có sản phẩm phù hợp.