Giành lại vỉa hè được không?

Minh Tường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ban Chỉ đạo 197 TP Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch tổng kiểm tra, xử lý vi phạm về trật tự, ATGT, văn minh đô thị trên địa bàn TP năm 2023 với phương châm “giành lại vỉa hè phong quang, sạch đẹp cho người đi bộ”.

Liệu đợt ra quân này có đem lại hiệu quả lâu dài, thiết thực hay sẽ lại thêm một lần “ném đá ao bèo”?

Hàng chục năm qua, người dân Hà Nội đã quen thuộc với những đợt ra quân rầm rộ giành lại vỉa hè của lực lượng chức năng, đồng thời cũng quen với khái niệm “ném đá ao bèo”, hết cao điểm đâu lại vào đó. Nhưng nhìn vào những chuyển biến thực sự trên nhiều lĩnh vực trong năm 2022 vừa qua, người dân hoàn toàn có thể đặt niềm tin, kỳ vọng rằng đây là chiến dịch hiệu quả nhất từ trước tới nay, lực lượng chức năng TP sẽ giành lại được vỉa hè, triệt xoá được hết vi phạm.

Vỉa hè phố Hàng Bạc dành phía trong cho người đi bộ nhưng do quá hẹp nên vẫn có người đi trên vỉa hè và còn rất nhiều người đi dưới lòng đường.  Ảnh: Vũ Cúc
Vỉa hè phố Hàng Bạc dành phía trong cho người đi bộ nhưng do quá hẹp nên vẫn có người đi trên vỉa hè và còn rất nhiều người đi dưới lòng đường.  Ảnh: Vũ Cúc

Người dân mong mỏi việc xử lý vi phạm lấn chiếm hè đường sẽ được làm quyết liệt như xử lý vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông, không có ngoại lệ, không có vùng cấm. Hay như việc triệt tiêu loại hình xe quá khổ, quá tải đã cho thấy hiệu quả rất rõ ràng, đường phố đã sạch bóng những xe “hổ vồ”, xe “hung thần”…

Điểm chung giữa những chiến dịch này là lực lượng nòng cốt đảm nhiệm vai trò quan trọng nhất - công an các địa phương. Thực tế cho thấy, khi được lãnh đạo Bộ Công an và các địa phương hậu thuẫn, đồng thời chỉ đạo, giám sát chặt chẽ, công tác xử lý vô cùng hiệu quả. Việc giành lại vỉa hè, không gian công cộng cho người dân cần trông mong rất nhiều vào nắm đấm thép là lực lượng hành pháp này.

Mặt khác, chỉ xử lý nhất thời rồi để tái diễn vi phạm không thể coi là kết quả giành lại được trật tự, ATGT, văn minh đô thị. Sau xử lý, lực lượng chức năng còn cần phải duy trì tốt trật tự, nghiêm khắc, quyết liệt với những trường hợp “nhờn luật”, nay đi mai quay lại.

Quá trình phát triển đô thị “nóng” trong những năm qua đã để lại rất nhiều bất cập. Trong đó có tình trạng một bộ phận dân cư đô thị chưa hình thành ý thức văn minh hoặc do nghề nghiệp không ổn định, buộc phải bám đường bám hè để mưu sinh. Đây là vấn đề rất nan giải với TP. Muốn bộ phận người dân không còn lấn chiếm hè đường nữa, ngoài xử phạt, tuyên truyền còn cần phải mở ra cho họ một con đường sống, một cơ hội đổi đời.

Có ý kiến cho rằng, thay vì cấm hẳn, Hà Nội cũng như nhiều đô thị khác có thể cân nhắc việc cho thuê vỉa hè để kinh doanh, khoán quản cho từng phường, quận. Như vậy sẽ tạo nên một nề nếp cố định, dễ quản lý và ngăn ngừa vi phạm hơn rất nhiều, bởi chính những người được cho thuê vỉa hè sẽ trở thành nhân tố tiên phong, tích cực nhất giữ gìn trật tự.

Phải chăng đây cũng là một lời giải cho bài toán trật tự, văn minh đô thị, hơn nữa còn là một cơ hội đối với tầng lớp thị dân còn nghèo hoặc chưa có nghề nghiệp ổn định(?). Mệnh đề đó còn cần rất lâu nữa mới được chứng minh. Trước mắt, người dân Hà Nội đang tiếp tục kỳ vọng, năm 2023 sẽ là năm dấu ấn, công tác giữ gìn trật tự, văn minh đô thị, ATGT sẽ đạt được hiệu quả cao như nhiều chiến dịch nổi bật được lực lượng chức năng thực thi trong năm 2022.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần