Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giao dịch từ 400 triệu đồng phải báo cáo: Có dễ lách luật?

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Từ 1/12, các giao dịch của mọi cá nhân, tổ chức có giá trị từ 400 triệu đồng trở lên phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Đây hoàn toàn không phải quy định mới mà việc báo cáo này nhằm phòng, chống rửa tiền.

Không cản trở giao dịch tiền mặt

Quy định này được nêu ra trong quyết định 11/2023/NQ-CP của Thủ tướng Chính phủ. Đối tượng áp dụng được quy định theo Luật Phòng, chống rửa tiền 2022, bao gồm các tổ chức tài chính như: ngân hàng; trung gian thanh toán ((như ví điện tử), công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, kinh doanh bảo hiểm nhân thọ…

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Ngoài ra, quy định còn áp dụng với các tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành, nghề phi tài chính thực hiện một số hoạt động như: kinh doanh trò chơi có thưởng; trò chơi trên mạng viễn thông, mạng Internet; casino; xổ số; đặt cược; kinh doanh bất động sản.

Nội dung thông tin báo cáo giao dịch chuyển tiền điện tử được NHNN hướng dẫn khá chi tiết tại Thông tư 09/2023/TT-NHNN. Cụ thể, về thông tin của tổ chức tài chính khởi tạo và thụ hưởng, thông tin báo cáo gồm tên giao dịch của tổ chức hoặc chi nhánh giao dịch; địa chỉ trụ sở chính (hoặc mã ngân hàng đối với giao dịch chuyển tiền điện tử trong nước, mã SWIFT đối với chuyển tiền điện tử quốc tế); quốc gia nhận và chuyển tiền.

Thông tin về khách hàng là cá nhân tham gia giao dịch chuyển tiền điện tử gồm họ và tên, ngày, tháng, năm sinh; số chứng minh nhân dân hoặc số căn cước công dân hoặc số định danh cá nhân hoặc số hộ chiếu; số thị thực nhập cảnh (nếu có); địa chỉ đăng ký thường trú hoặc nơi ở hiện tại khác (nếu có); quốc tịch (theo chứng từ giao dịch).

Thông tin về khách hàng là tổ chức tham gia giao dịch chuyển tiền điện tử gồm tên giao dịch đầy đủ và viết tắt (nếu có); địa chỉ trụ sở chính; số giấy phép thành lập hoặc mã số doanh nghiệp hoặc mã số thuế; quốc gia nơi đặt trụ sở chính.

Thông tin về giao dịch gồm số tài khoản (nếu có); số tiền; loại tiền; số tiền được quy đổi sang đồng Việt Nam (nếu loại tiền giao dịch là ngoại tệ); lý do, mục đích giao dịch; mã giao dịch; ngày giao dịch;…

Đây không phải quy định mới. Từ năm 2005, theo Nghị định của Chính phủ về phòng, chống rửa tiền, mức áp dụng 200 triệu đồng trở lên, đến năm 2013, nâng lên từ 300 triệu đồng và duy trì cho đến 1/12 tới đây nâng lên 400 triệu đồng. Quyết định 11/2023 thay thế cho quyết định 20/2013 đã áp dụng hơn 10 năm qua. Ngưỡng phải báo cáo cũng tăng từ 300 triệu đồng của quy định hiện hành lên mức 400 triệu đồng.

Trước những băn khoăn, quy định mới dù đã nâng hạn mức so với mức cũ nhưng thực hiện rất khó bởi quá nhiều giao dịch trên 400 triệu đồng thuộc diện phải báo cáo với NHNN, Phó Cục trưởng Cục Phòng, Chống rửa tiền Nguyễn Thị Minh Thơ khẳng định, quy định này hoàn toàn khả thi.

Các chuyên gia cho rằng, Nhà nước sẽ theo dõi cụ thể từng giao dịch để từng bước hiểu rõ nguồn gốc tiền tệ, xu hướng di chuyển dòng tiền, giảm thiểu các tiêu cực, nhất là tội phạm rửa tiền, các khoản tiền ko rõ nguồn gốc, giao dịch bất hợp pháp... “Các khoản có thể phát sinh rủi ro trong chuyện rửa tiền thì phải báo cáo. Còn báo cáo thì NHNN sẽ sử dụng trí tuệ nhân tạo, thống kê đánh giá rủi ro”- Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu đánh giá.

“Các báo cáo chỉ là bước ghi nhận ban đầu, khi có những giao dịch đáng ngờ được phát hiện, lúc này cơ quan chức năng có thể lọc ra được thông tin từ dữ liệu”- PGS. TS Đinh Trọng Thịnh nói.

Bên cạnh quy định các ngân hàng phải báo cáo khi khách hàng thực hiện giao dịch bằng tiền mặt hoặc ngoại tệ tiền mặt có tổng trị giá từ 400 triệu đồng trở lên, các chuyên gia cũng đề xuất cần sớm có quy định bắt buộc tất cả giao dịch tài sản có trị giá lớn như nhà đất, du thuyền, máy bay, ô tô... phải qua ngân hàng.

Siết giao dịch đáng ngờ: Tăng cường giám sát

Thời gian qua, các chuyên gia, tổ chức đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo về tình trạng tội phạm rửa tiền lợi dụng thói quen giao dịch bằng tiền mặt để mua tài sản có giá trị cao như bất động sản, nhà cửa, ô tô, vàng bạc, đá quý... sau đó nhờ người khác đứng tên, cất giấu nhằm hợp thức nguồn tiền thu được từ các hoạt động tội phạm.

Ở các nước phát triển, quy định này đã được áp dụng từ lâu, trong khi Việt Nam dù đã đề xuất từ nhiều năm qua nhưng chưa quy định chính thức, dù có nhiều tác động tích cực như bảo đảm tính minh bạch, bảo vệ quyền lợi của người bán, người mua và giúp cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát dòng tiền, sớm phát hiện dòng tiền "bẩn" được hợp thức hóa.

Trên thực tế, dù đã có nhiều quy định về hạn chế giao dịch tiền mặt của các tổ chức kinh doanh, đặc biệt lĩnh vực ngân hàng có rất nhiều quy định liên quan trong hoạt động cho vay, giải ngân, thế nhưng vẫn có những cá nhân, tổ chức rút được hàng trăm tỷ đồng tiền mặt để giao dịch bên ngoài. “Các giao dịch giá trị lớn khi thực hiện chuyển khoản qua ngân hàng thì dễ giám sát. Riêng đối với giao dịch tiền mặt thì Việt Nam chưa có quy định nên đây chính là kẽ hở”- LS Trần Xoa nói.

Theo PGS, TS Đinh Trọng Thịnh, trước hết để phòng chống rửa tiền, việc đầu tiên là phát triển hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế quốc dân để kiểm tra giám sát tốt nhất các giao dịch trong nền kinh tế. Từ đó giúp cho việc công khai minh bạch các khoản thu nhập dễ dàng hơn. Việc thay đổi luật pháp phù hợp với sự phát triển công nghệ số hiện nay cũng rất quan trọng".

"Ở các nước phát triển, giao dịch tiền mặt cũng diễn ra nhưng tỷ lệ ít với giá trị nhỏ. Bởi chính phủ các nước đã có những quy định liên quan như người dân phải chứng minh tài chính khi muốn sở hữu bất động sản hay đầu tư. Vì vậy hầu hết số tiền họ có đều phải để ở ngân hàng và giao dịch gì cũng thông qua ngân hàng" - TS Đinh Thế Hiển nói.

Trước nhiều ý kiến lo ngại sẽ có việc “lách luật”, mà cụ thể là chia nhỏ giao dịch, Luật sư Phạm Thành Tài nhận định: "Việc “lách luật” thực hiện chia nhỏ và chuyển các khoản tiền nhằm tránh sự chú ý của cơ quan chức năng về giao dịch có giá trị lớn vốn là một trong những phương thức chủ yếu của các đối tượng rửa tiền. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, không vì thế mà chúng ta không nghiên cứu đưa ra những quy định mới có ý nghĩa lớn đối với việc phát triển KTXH".

TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng quan trọng nhất là bộ phận kiểm soát rủi ro, các ngân hang có thực hiện báo cáo với những giao dịch lớn như quy định hay không? Sau đó, việc xử lý thông tin lên đến cao hơn là NHNN có được thực hiện kịp thời và rút ra được những kết quả gì hay không?

"Giải pháp để phòng chống rửa tiền là từ các ngân hàng báo cáo không chỉ giao dịch với số tiền lớn mà còn là giao dịch đáng ngờ dù số tiền chỉ 100 - 200 triệu đồng. Chẳng hạn ngân hang phát hiện đó là số tiền từ nguồn thu của các dịch vụ bị cấm… Việc ngân hang thực hiện báo cáo nghiêm túc sẽ là chốt chặn đầu tiên. Từ đó, NHNN mới có thông tin để theo dõi và xử lý các hành vi trên. Bởi nguy cơ rửa tiền vẫn luôn rất lớn, nhất là khi có nhiều công nghệ mới, kinh tế số phát triển" - TS Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ.