Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giáo dục Hà Nội chủ động, sáng tạo hợp tác quốc tế

Oanh Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cùng với việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, ngành GD & ĐT Hà Nội luôn coi trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống cho học sinh và đặc biệt là tiếp tục chủ động triển khai có hiệu quả công tác hội nhập quốc tế.

Học sinh Thủ đô giành nhiều giải thưởng quốc tế
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, 2019 là năm ngành GD&ĐT Thủ đô tiếp tục gặt hái được nhiều kết quả tiêu biểu. Chất lượng giáo dục toàn diện được giữ vững, chất lượng giáo dục mũi nhọn tiếp tục phát triển. Công tác phổ cập giáo dục và xóa mù chữ được nâng cao về chất lượng, đáp ứng tốt nhu cầu học tập của người dân trên địa bàn. Hà Nội đã được Bộ GD&ĐT công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục THCS mức độ 2 và đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2...
Năm vừa qua, GD&ĐT Hà Nội tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước về thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế với 134 giải, trong đó có 11 giải Nhất ở kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia; 21 đề tài đạt giải tại cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm 2019, trong đó có 3 đề tài đạt giải Nhất.
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng trao Cúp vô địch cho các thí sinh tham gia Kỳ thi IMSO 2019.

Ảnh: Thủy Trúc

Đặc biệt, trong kỳ thi Olympic quốc tế Toán học (IMO), Vật lý (IphO), Hóa học (IchO), Hà Nội có 3 học sinh của trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam đã xuất sắc giành 2 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc. Tiêu biểu là em Trần Bá Tân xuất sắc giành Huy chương Vàng tại IchO 2019 với 95,47 điểm/100 điểm, cao thứ 4 của kỳ thi. Trần Bá Tân còn đạt giải “Best Practical Exam” (Bài thực hành tốt nhất) với điểm số 40/40.
Em Trần Xuân Tùng giành Huy chương Vàng kỳ thi IphO 2019 cũng là thí sinh đạt thành tích tốt nhất của đội tuyển Việt Nam với tổng điểm bài thi nằm trong Top 10 thế giới. Trần Xuân Tùng đã tham dự Kỳ thi Olympic Vật lý châu Á 2019 đạt Huy chương Đồng và là học sinh đầu tiên của Việt Nam đạt Huy chương Vàng kỳ thi Thiên văn và Vật lý thiên văn quốc tế năm 2018 tại Bắc Kinh, Trung Quốc.
Không chỉ vậy, trong các kỳ thi quốc tế khác, học sinh Hà Nội cũng xuất sắc giành thứ hạng cao, nổi bật với 48 giải và huy chương tại cuộc thi Tìm kiếm tài năng Toán học quốc tế ITMC 2019; 2 Huy chương Vàng tại cuộc thi Olympic phát minh và sáng chế WICO 2019; đạt thành tích xuất sắc cuộc thi Toán học trẻ quốc tế IMC 2019 với 4 Huy chương Vàng, 5 Huy chương Bạc, 1 giải Khuyến khích cá nhân, 2 Cúp Vô địch, 1 giải Nhất, 2 giải Nhì đồng đội.
Tổ chức các cuộc thi nâng tầm giáo dục Việt Nam
Năm 2018, ngành GD&ĐT Hà Nội đã đăng cai tổ chức thành công Kỳ thi Toán học Hà Nội mở rộng (HOMC). Năm 2019, ngành tiếp tục tổ chức thành công Kỳ thi này với sự tham gia của 13 đoàn quốc tế đến từ các nước và vùng lãnh thổ khu vực châu Á, châu Âu (Bảng A); 24 đoàn đến từ các tỉnh, thành trên cả nước (Bảng B). Đoàn học sinh Hà Nội đại diện cho Việt Nam đã xuất sắc giành 3 Cúp đồng đội (Nhất, Nhì, Ba) và 23 huy chương cá nhân gồm 6 Huy chương Vàng, 9 Huy chương Bạc, 8 Huy chương Đồng.
Cuối tháng 11 vừa qua, lần đầu tiên Hà Nội đăng cai tổ chức thành công Kỳ thi Olympic Toán học và Khoa học quốc tế - IMSO lần thứ 16 năm 2019 và giành kết quả cao. Kỳ thi thu hút sự tham dự của 352 học sinh dưới 13 tuổi đến từ 24 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Trong kỳ thi này, tại bảng A, đoàn Việt Nam đạt giải cao nhất, với 36 học sinh dự thi đều giành được huy chương, trong đó có 15 Huy chương Vàng, 14 Huy chương Bạc, “Quy mô và chất lượng cuộc thi IMSO năm 2019 đã tạo nên những hiệu ứng tích cực cho các thầy cô giáo và học sinh trong công tác, học tập, nghiên cứu....
Cuộc thi nhằm tăng cường sự hiểu biết, đoàn kết, hữu nghị, sự hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ trong việc xây dựng một thế giới hòa bình, vì lợi ích và thịnh vượng của mỗi người dân, mỗi dân tộc, mỗi quốc gia” - Giám đốc Sở GD&ĐT Chử Xuân Dũng nhận định.
Việc ngành Giáo dục Thủ đô tổ chức những kỳ thi mang tầm quốc tế tạo điều kiện cho các nhà giáo, học sinh được giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với nhau. Là giáo viên chuyên Toán của trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam và trực tiếp phụ trách đội tuyển Toán của TP Hà Nội tham dự Kỳ thi IMSO 2019, thầy Nguyễn Đắc Thắng cho rằng: Kỳ thi IMSO là dịp để các thầy cô giáo nâng cao chuyên môn của mình lên rất nhiều từ việc học hỏi các mẫu đề thi mới, cách ra đề bài thi Toán tạo hứng thú cho học sinh hoặc vận dụng nhiều vấn đề thực tiễn vào giải quyết bài tập Toán. Bản thân các thầy cô cũng được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm với giáo viên các nước và có sự tự tin hơn.
Đào tạo song bằng tăng cường hội nhập
Để tăng cường hội nhập quốc tế, từ năm 2017 ngành GD&ĐT Hà Nội đã triển khai thực hiện Đề án thí điểm đào tạo chương trình song bằng tú tài THPT quốc gia Việt Nam và tú tài Anh quốc - Chứng chỉ A Level của Cambridge tại trường THPT Chu Văn An, THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Cùng với đó là Chương trình song bằng THCS cấp chứng chỉ IGCSE của Anh quốc tại 7 trường THCS trên địa bàn TP. Đến nay, toàn TP có 179 học sinh THPT và 775 học sinh THCS của 8 trường tham gia học chương trình song bằng.
Đánh giá sơ bộ về kết quả kỳ thi của học sinh lớp 12 tham dự kỳ thi lấy chứng chỉ AS-Level, hầu hết học sinh đều đạt kết quả tốt. Các em học sinh THCS tham gia học chương trình đào tạo song bằng đã đáp ứng tốt yêu cầu của chương trình đào tạo. Trưởng phòng GD&ĐT Tây Hồ Lê Hồng Vũ cho biết, quận Tây Hồ có 2 trường thực hiện chương trình đào tạo song bằng đã mang đến hiệu quả rõ rệt. Với việc học cùng lúc hai chương trình khá nặng nhưng các em học sinh được tuyển chọn có chất lượng khá tốt, cộng với việc trau dồi giữa giáo viên nhà trường và giáo viên dạy song bằng bảo đảm yêu cầu.
Tại Kỳ thi IMSO năm 2019, trong số 6 học sinh quận Tây Hồ đạt giải bảng B (1 Huy chương Bạc, 5 Huy chương Đồng) có 4 em học chương trình song bằng gồm 1 Huy chương Bạc, 3 Huy chương Đồng. Không chỉ vậy, chất lượng giáo dục chung được tăng lên, chất lượng giáo dục mũi nhọn cũng có bước phát triển vượt trội.
Tại hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Đề án thí điểm chương trình đào tạo song bằng tại các trường phổ thông công lập trên địa bàn TP, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định: Việc triển khai chương trình đào tạo song bằng là cụ thể hóa Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT, cũng như thực hiện Luật Thủ đô, đáp ứng mong muốn của phụ huynh và học sinh về mô hình giáo dục tiên tiến song hành với chương trình giáo dục của TP.
Người đứng đầu TP Hà Nội cũng đánh giá việc triển khai chương trình song bằng ở các trường phổ thông công lập đã tạo ra môi trường học tập có chất lượng và tiệm cận với mô hình của các trường chuẩn quốc tế, đồng thời giúp học sinh tiết kiệm thời gian, chi phí học tập và tạo hành trang cho các em tự tin học ở các trường đại học quốc tế.
Với những hiệu quả của Đề án thí điểm đào tạo chương trình song bằng, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đề nghị Sở GD&ĐT Hà Nội rà soát các trường THCS, THPT trên địa bàn TP có đủ điều kiện đào tạo báo cáo UBND TP xem xét mở rộng đào tạo song bằng trong năm học 2020 - 2021 và đáp ứng nhu cầu đào tạo liên thông từ THCS lên THPT.

"Năm 2019, ngành GD&ĐT Thủ đô tiếp tục gặt hái được nhiều kết quả tiêu biểu. Chất lượng giáo dục toàn diện được giữ vững, chất lượng giáo dục mũi nhọn tiếp tục phát triển. Công tác phổ cập giáo dục và xóa mù chữ được nâng cao về chất lượng, đáp ứng tốt nhu cầu học tập của người dân trên địa bàn." - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng