Câu hỏi
“Luật sư cho cháu hỏi có quy định pháp luật nào cho phép giáo viên được quyền tịch thu điện thoại của học sinh không?” - Nguyễn Thị Hoa, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Trả lời
Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 32 năm 2020, theo đó nghiêm cấm học sinh sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép. Dù học sinh tự ý sử dụng điện thoại làm việc riêng trong giờ là vi phạm nội quy trường học nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc nhà trường, giáo viên được phép tịch thu điện thoại của học sinh.
Tuy nhiên, giáo viên có quyền yêu cầu học sinh cất điện thoại vào cặp, hoặc tạm thời thu giữ và trả lại sau đó nhằm mục đích nhắc nhở, răn đe để học sinh tập trung vào việc học tập hơn thì hành vi đó không trái pháp luật. Nhưng, nếu giáo viên tịch thu hẳn điện thoại của học sinh mà không trả lại cho học sinh hoặc tự ý sử dụng thì đây là hành vi vi phạm pháp luật.
Đồng thời, theo các quy định tại Điều 38 Bộ luật Dân sự 2015, Khoản 2 Điều 46 Luật Giao dịch điện tử 2005 cũng quy định về quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín của mỗi cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Luật Trẻ em 2016 cũng đã quy định rõ về vấn đề này.
Do đó, tùy vào tính chất và mức độ của hành vi thì người xâm phạm quyền về bí mật thư tín, điện thoại, điện tín của người khác mà không có sự đồng ý của người đó có thể bị phạt hành chính lên đến 20 triệu đồng căn cứ Nghị định 15/2020/NĐ-CP hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 159 Bộ luật hình sự 2015 với mức phạt cao nhất là 3 năm tù.
Luật sư Đặng Thị Vân Thịnh - Văn phòng Luật sư Kết Nối, Hà Nội
Câu hỏi bạn đọc xin gửi về địa chỉ: Báo Kinh tế & Đô thị, số 21 Huỳnh Thúc Kháng, quận Đống Đa, Hà Nội; Email: bandoc@ktdt.com.vn