KTĐT - Được triển khai từ năm 2007 với diện tích khiêm tốn 0,07ha nhưng tới nay diện tích gieo sạ thẳng hàng (GSTH) của huyện Phúc Thọ đã lên tới trên 2.000ha. Kỹ thuật này đã giúp giảm chi phí sản xuất, công lao động và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đáng mừng hơn là tập quán sản xuất của người nông dân được thay đổi rõ rệt.
Năng suất tăng, chi phí giảm
Xã Trạch Mỹ Lộc là một trong những địa phương đi đầu của huyện Phúc Thọ về chương trình GSTH. Năm 2010, toàn xã đã triển khai GSTH 230 ha trong tổng số 588 ha gieo cấy. Ông Nguyễn Văn Tám, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Trạch Mỹ Lộc cho biết: GSTH cho năng suất bình quân trên 60 tạ/ha, trong khi lúa cấy chỉ đạt 56 - 58 tạ/ha. Với địa phương thuần nông như Trạch Mỹ Lộc thì đây là một hướng đi hiệu quả cho người nông dân. Vụ Xuân 2011, do thời tiết rét đậm nên diện tích GSTH của xã tăng thêm 30 - 40% so với năm trước.
Tương tự, tại xã Hát Môn, diện tích GSTH cũng tăng lên nhanh chóng. Ông Hồ Xuân Thắng, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Hát Môn phấn khởi: GSTH được triển khai tại xã từ năm 2007 với diện tích 1ha, đến nay đã tăng lên 100ha. Kỹ thuật này đã giúp người nông dân giảm đáng kể chi phí sản xuất. Chẳng hạn, giá công nhổ mạ cấy hiện nay là 100.000 - 120.000 đồng/ngày trong khi GSTH chỉ mất 10 phút/sào với giá thuê giàn gieo sạ khoảng 10.000 đồng/sào.
Toàn huyện Phúc Thọ có 23 xã, thị trấn với 33 HTX Nông nghiệp. Những năm gần đây, kỹ thuật GSTH đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Năm 2010, tổng diện tích lúa của huyện là 8.400 ha, trong đó diện tích GSTH đạt 2.284 ha (27%), năng suất bình quân 62 tạ/ha. Bà Nguyễn Thị Liên, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông Phúc Thọ cho biết: Việc ứng dụng GSTH giải phóng được sức lao động do không phải chuẩn bị đất làm mạ, nhổ mạ và cấy. Sâu bệnh ít, rút ngắn được thời gian sinh trưởng từ 5 - 10 ngày trở lên, năng suất lại cao hơn lúa cấy 5 - 10%. Hơn nữa còn chủ động được thời vụ, nhất là khi thời tiết không thuận lợi.Vụ Xuân năm nay, toàn huyện Phúc Thọ gieo cấy 4.200 ha, trong đó GSTH là 1.200 ha.
Tiếp tục mở rộng diện tích
Tuy có hiệu quả rõ rệt nhưng việc triển khai kỹ thuật GSTH trên địa bàn Hà Nội còn gặp không ít khó khăn do tập quán canh tác lâu đời của người dân. Chính vì thế, theo bà Nguyễn Thị Liên, để kỹ thuật này ngày càng được nhân rộng, cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho cả cán bộ và nông dân ở các địa phương. Trước tiên, Trạm Khuyến nông huyện Phúc Thọ đã tổ chức tập huấn cho các đồng chí bí thư chi bộ, cụm trưởng cụm dân cư, Chủ nhiệm HTX, nhân viên khuyến nông, nhân viên BVTV của 23 xã, thị trấn trên địa bàn huyện về quy trình GSTH bằng công cụ kéo tay. Sau đó, tổ chức tập huấn, phát tờ rơi, băng đĩa hướng dẫn quy trình GSTH đến từng hộ gieo sạ.
Bà Nguyễn Thị Tuyết, Phó trưởng Phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ cũng cho biết: Để chương trình GSTH thành công, UBND huyện đã thành lập các tổ công tác gồm các ban, ngành, đoàn thể, phòng ban chuyên môn của huyện trong đó nòng cốt là Phòng Kinh tế, Trạm Khuyến nông, Trạm BVTV và Hội Nông dân. Giao cho mỗi cán bộ chỉ đạo và hướng dẫn từ 1 - 2 HTX về kỹ thuật gieo sạ, bám sát đồng ruộng, giúp người dân "mắt thấy tai nghe" về hiệu quả của kỹ thuật này để làm theo. Mỗi cụm dân cư phải xây dựng kế hoạch GSTH từ 3 ha trở lên, gieo tập trung, khoanh vùng để tiện chỉ đạo và chăm sóc. Cuối vụ tổ chức hội nghị đầu bờ để đánh giá kết quả kịp thời. Đồng thời, huyện cũng trích kinh phí hàng tỷ đồng hỗ trợ giống, phân bón, thuốc BVTV cho người dân yên tâm sản xuất.
Năm 2010 diện tích GSTH của Hà Nội đạt 10.902 ha, tập trung chủ yếu ở các huyện: Ba Vì (3.055 ha), Phúc Thọ (2.284 ha), Chương Mỹ (940 ha), Sóc Sơn (835 ha). 260 HTX trên tổng số 923 HTX nông nghiệp có đất cấy lúa gieo sạ thường xuyên cả 2 vụ. Theo đánh giá, GSTH mang lại lợi nhuận cao hơn lúa cấy 5 triệu đồng/ha. Dự kiến năm 2011, Hà Nội sẽ gieo sạ 14.734 ha. |