Sự ra đời của các không gian nghệ thuật công cộng trên địa bàn Thủ đô đã tạo ra màu sắc mới cho đô thị Hà Nội, hình thành các điểm vui chơi giải trí cho người dân và là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa nghệ thuật của một số đơn vị, tổ chức.
Con đường nghệ thuật cộng đồng Phúc Tân, Phố bích họa Phùng Hưng được coi là hình mẫu trong việc biến những nơi ô nhiễm, nhếch nhác thành không gian văn hóa, nghệ thuật.
Tuy vậy, sau một thời gian hoạt động, một số không gian nghệ thuật công cộng bắt đầu bị xuống cấp, cần được sớm chỉnh trang.
Nếu đầu năm 2020, người dân khu phố 1 và 2, thuộc phường Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm) vô cùng phấn khởi khi một bãi rác ô nhiễm ven sông Hồng biến thành Con đường nghệ thuật với những tác phẩm được sáng tạo từ những vật liệu tái chế thì đến nay lại rơi vào trạng thái trái ngược.
Tác phẩm "Thuyền" của họa sĩ Vũ Xuân Đông vốn được gắn kết bằng các chai lọ bỏ đi, đến nay các chi tiết của con thuyền bị rơi rụng, số còn lại nhuốm rêu, bụi bặm.
Thậm chí, ngay cạnh khu vực sắp đặt tác phẩm “Gánh hàng rong,” “Phù điêu Đông Dương” của họa sĩ Nguyễn Thế Sơn còn bị người dân chiếm dụng bán hàng nước.
Tác phẩm "Múa lân" của họa sĩ Xuân Lam cũng bị bong tróc, sứt vỡ, màu sơn đang bạc dần. Tác phẩm "Làm cho Hà Nội xanh và sạch" của tác giả George Burchett cũng bị cây và rêu bao phủ.
Không gian Phố bích họa Phùng Hưng trước kia là điểm “check-in” lý tưởng của người dân Hà Nội, đặc biệt là giới trẻ và là nơi diễn ra hàng loạt các sự kiện văn hóa đặc sắc trong khu Phố cổ Hà Nội.
Sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các hoạt động cũng không thường xuyên tổ chức ở đây, lượng người đến vui chơi cũng vắng dần.
Đặc biệt, sự xuống cấp của không gian Phố bích họa Phùng Hưng đã khiến một điểm đến hấp dẫn trở nên ảm đạm. 19 bức họa về ký ức Hà Nội đã nhuốm màu thời gian, thậm chí bị vẽ bẩn hay bị rách góc.
Trước tình trạng trên, đầu năm 2023, Phố bích họa Phùng Hưng đã được tu sửa.
Họa sĩ Lê Đăng Ninh, người trực tiếp thực hiện việc tu sửa các tác phẩm nghệ thuật ở đây cho biết: phố bích họa Phùng Hưng đã bước sang năm thứ 5 kể từ khi được đưa vào sử dụng.
Các tác phẩm được trưng bày ngoài trời, chịu tác động của nắng mưa, lại thường xuyên tương tác với người xem nên đã xuống cấp, bong tróc, phai màu.
Qua 2 tuần thực hiện tu sửa, các tác phẩm đã dần trở lại hiện trạng ban đầu, sau khi được gia cố nền, vẽ lại, sơn mới và sơn phủ nên tươi sáng hơn. Còn với các tác phẩm điêu khắc, các họa sĩ phải tìm những vật liệu thay thế, trám vào những chỗ bị hư hỏng.
Việc chỉnh trang, tu sửa Phố bích họa Phùng Hưng là một tin vui cho các không gian nghệ thuật công cộng, cho thấy sự vào cuộc của chính quyền, sự chung tay của nghệ sĩ để giải quyết tình trạng xuống cấp của các tác phẩm.
Tuy nhiên, theo họa sĩ Lê Đăng Ninh: "Việc bảo vệ các tác phẩm, không gian nghệ thuật cần có sự chung tay không chỉ của cơ quan quản lý, các nghệ sĩ mà còn của cả cộng đồng xung quanh.
"Tôi rất buồn khi thấy nhiều người thờ ơ với việc bảo vệ những tác phẩm đang làm đẹp cho chính không gian sống của họ. Những bức tranh, tác phẩm gắn trên tường mà đá bóng vào thì làm sao không hỏng?
"Ngay như ở Phố bích họa Phùng Hưng, khi chúng tôi đang tu sửa tác phẩm, xe cộ vẫn để tràn lan, người dân vẫn đá bóng, đá cầu ngay cạnh tác phẩm. Không có người bảo vệ, ý thức người xem không được nâng lên thì rất khó bảo vệ được tác phẩm lâu dài, và điều đó nằm ngoài khả năng của nghệ sĩ".