Các chỉ số chính trên sàn Phố Wall giảm điểm trong ngày thứ Năm khi các cuộc đàm phán hòa bình Nga-Ukraine không có tiến triển và số liệu lạm phát của Mỹ tháng 2 lập đỉnh 40 năm.
Chốt phiên giao dịch này, chỉ số Dow Jones Industrial Average mất 112,18 điểm, về mức 33.174,07 điểm, sau khi leo dốc hơn 650 điểm trong phiên trước đó. Chỉ số S&P 500 cũng sụt 0,4% còn 4.259,52 điểm. Chỉ số công nghệ Nasdaq Composite hạ 1% xuống còn 13.129,96 điểm do đà giảm mạnh của hai cổ phiếu thành viên Apple và Meta Platforms.
Cuộc đối thoại trực tiếp giữa Ngoại trưởng Sergey Lavrov và người đồng cấp Ukraine tại Thổ Nhĩ Kỳ ngày 10/3 đã kết thúc mà không đạt được thỏa thuận nào về hành lang nhân đạo hoặc lệnh ngừng bắn ở Ukraine.
Thị trường đang theo dõi chặt chẽ diễn biến liên quan đến cuộc xung đột Nga- Ukraine và thường biến động ngược chiều với giá năng lượng. Kể từ khi Nga bắt đầu triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hôm 24/2 đến nay, giá dầu WTI đã tăng hơn 14%, còn giá dầu Brent cộng khoảng 15%.
Tuy nhiên, giá dầu có phiên giảm thứ hai liên tiếp trong ngày 10/3 sau khi đạt đỉnh kể từ năm 2008 vào đầu tuần này. Chốt phiên giao dịch ngày thứ Tư, giá dầu WTI và Brent lần lượt lao dốc hơn 12% và 13%. Còn trong ngày thứ Năm, dầu WTI giảm về mức 106 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent giảm 1% xuống gần 109 USD/thùng.
Ông Timothy Lesko, cố vấn tài chính cao cấp tại Mariner Wealth Advisors nhận định với kênh CNBC: "Sự biến động của thị trường chứng khoán dường như chịu ảnh hưởng từ các cuộc đàm phán hòa bình Nga - Ukraine và diễn biến của giá nhiên liệu. Việc giá hàng hóa giảm trong ngày 9/3 có vẻ đã kích hoạt một phiên phục hồi mạnh mẽ trên sàn Phố Wall, nhưng đà đi lên đã biến mất khi cuộc đàm phán về một lệnh ngừng bắn thất bại".
Mặc dù giá dầu diễn biến tiêu cực nhưng cổ phiếu dầu khí đã hồi phục trong phiên ngày 10/3, với Chevron và ExxoMobil tăng lần lượt 2,7% và 3,1%. Giá nhiều loại hàng hóa như vàng và bạc tăng trở lại khi nhà đầu tư lo ngại ảnh hưởng của lạm phát đối với tăng trưởng kinh tế.
Cổ phiếu Amazon tăng 5,4% sau khi công ty công bố chia tách cổ phiếu theo tỷ lệ 1:20 và mua lại 10 tỷ USD cổ phiếu quỹ. Cổ phiếu CrowdStrike cộng 12,5% sau khi công bố báo cáo tài chính vượt dự báo và nâng dự báo lợi nhuận. Ở chiều ngược lại, cổ phiếu Zoom Video sụt 5,3% và Microsoft giảm 1%. Cổ phiếu Apple và Meta Platforms giảm lần lượt 2,7% và 1,7%, còn cổ phiếu Tesla mất 2,4%.
Cổ phiếu ngân hàng Goldman Sachs giảm 1,1% sau khi tuyên bố đóng cửa hoạt động tại Nga. Trong khi đó, cổ phiếu JPMorgan cũng sụt 1,2% sau khi đưa ra quyết định tương tự trong ngày thứ Năm.
Về dữ liệu kinh tế, chỉ số giá tiêu dùng (CPI), thước đo lạm phát chính, tăng 7,9% trong tháng 2/2022, đạt mức cao nhất trong 40 năm và cao hơn dự báo 7,8% của giới phân tích đưa ra trước đó. So với tháng 1, CPI tăng 0,8%, cao hơn mức dự báo tăng 0,7%.
Trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm vượt mức 2% lần đầu tiên kể từ ngày 25/2 khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Với tình hình lạm phát tiếp tục tăng kỷ lục, giới đầu tư đang chờ xem Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ hành động như thế nào trong cuộc họp chính sách vào tuần tới.
Nhà đầu tư cũng đang đánh giá động thái rút lại các biện pháp kích thích sớm hơn dự báo của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). ECB cho biết sẽ kết thúc chương trình mua trái phiếu vào quý III năm nay nếu các số liệu kinh tế cho phép làm điều đó. ECB đưa ra quyết định trên trước khi FED dự kiến nhóm họp từ ngày 15-16/3 với dự báo sẽ nâng lãi suất.