Giới đầu tư bắt đáy cổ phiếu công nghệ, chứng khoán Mỹ bứt tốc ngoạn mục

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ phục hồi mạnh mẽ trong phiên đầu tuần khi giới đầu tư đẩy mạnh mua gom các cổ phiếu công nghệ.

Cả 3 chỉ số chính của chứng khoán Mỹ cùng tăng điểm trong ngày 8/1. Ảnh: CNBC
Cả 3 chỉ số chính của chứng khoán Mỹ cùng tăng điểm trong ngày 8/1. Ảnh: CNBC

Theo CNBC, chốt phiên giao dịch ngày 8/1, chỉ số S&P 500 tăng 1,41% lên mức 4.763,54 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite cộng 2,2% lên 14.843,77 điểm, ghi nhận phiên tăng mạnh nhất kể từ ngày 14/11/2023. Chỉ số Dow Jones cũng leo dốc 216,90 điểm (tương đương 0,58%) lên mức 37.683,01 điểm.

Trong phiên đầu tuần, giới đầu tư tăng tốc mua gom nhóm cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn vốn chứng khiến mức giảm 4% trong tuần trước. Việc lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm là một động lực quan trọng để nhà đầu tư bắt đáy những cổ phiếu này.

Loạt cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn đều đạt mức tăng ấn tượng trong phiên, với Nvidia vọt 6,4%, đạt mức cao nhất mọi thời đại, Amazon tăng 2,7% và Alphabet tăng 2,3%. Ngoài ra, Apple tăng 2,42% sau khi nhà sản xuất iPhone cho biết thiết bị thực tế ảo Vision Pro của họ sẽ được bán từ ngày 2/2 tại Mỹ.

Trong ngày 8/1, lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm 3 về mức 4,012%. Vào tuần trước, lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ của kỳ hạn này tăng từ 3,8% lên mức hơn 4%, khi nhà đầu tư giảm kỳ vọng vào việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể bắt đầu giảm lãi suất vào tháng 3. Lãi suất tăng gây áp lực giảm giá đối với cổ phiếu công nghệ.

Tuy nhiên, đà lao dốc của cổ phiếu Boeing đã hạn chế mức tăng của chỉ số Dow Jones trong phiên đầu tuần.

Cổ phiếu của hãng sản xuất máy bay Mỹ sụt tới 8% sau khi hàng chục máy bay Boeing 737 Max 9 bị đình bay tạm thời để kiểm tra an toàn. Nguyên nhân của việc đình chỉ bay là do sự cố một máy bay thuộc dòng này của hãng hàng không Alaska Airlines bị bung cửa khi đang bay hôm 5/1.

Áp lực giảm từ cổ phiếu Boeing khiến chỉ số Dow Jones có thời điểm mất hơn 200 điểm trong phiên, trước khi phục hồi và tăng điểm ở cuối phiên.

Chiến lược gia cấp cao Adam Turnquist tại LPL Financial nhận định, đợt giảm điểm tuần trước và những diễn biến của lãi suất trái phiếu kho bạc đã giúp các nhà đầu tư có đủ tự tin để tiếp tục lựa chọn lĩnh vực công nghệ. 

Chuyên gia Turnquist lưu ý thêm: “Cuối năm ngoái, cổ phiếu đã tăng giá quá nhiều và lợi suất đã giảm quá mức. Bước sang năm nay, thị trường đã xoay chiều trong tuần trước. Và sang tuần này, thị trường lại đảo ngược một lần nữa. Thực sự không có gì quá đáng ngại ở thời điểm này”. 

Thị trường Phố Wall vừa trải qua tuần giảm điểm đầu tiên trong 10 tuần khi nhóm cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn như Apple ghi nhận kết quả kém khả quan và lãi suất trái phiếu tăng cao. 

Chốt phiên thứ Sáu tuần trước, chỉ số S&P 500 chứng kiến tuần giảm mạnh nhất kể từ cuối tháng 10/2023 trong bối cảnh nhà đầu tư hoài nghi về khả năng Fed sẽ sớm bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ.

Trong tuần này, các nhà đầu tư đặc biệt quan tân đến những dữ liệu quan trong như chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 và chỉ số giá sản xuất (PPI) để dự đoán lộ trình lãi suất của Fed.

Theo kết quả cuộc khảo sát của Fed tại New York, kỳ vọng lạm phát tương lai của người tiêu dùng tiếp tục có xu hướng thấp hơn, trong đó triển vọng lạm phát trong vòng 1 năm tới đạt mức thấp nhất kể từ tháng 1/2021.

Trong khi đó, Chủ tịch Fed tại Atlanta Raphael Bostic hôm 8/1 cho biết, mục tiêu kép của Ngân hàng trung ương Mỹ là kiềm chế lạm phát và duy trì tỷ lệ thất nghiệp thấp vẫn chưa xảy ra mâu thuẫn.

Thị trường hiện nhận thấy 69,5% cơ hội cắt giảm lãi suất ít nhất 0,25% vào đầu tháng 3 tới, giảm từ mức hơn 85% trong những tuần cuối cùng của năm 2023, theo công cụ CME FedWatch.