Cổ phiếu châu Á và chỉ số tương lai chứng khoán Mỹ lao dốc trong phiên giao dịch ngày 6/3 khi nỗi lo gián đoạn sản xuất - kinh doanh do dịch bệnh Covid-19 lan rộng làm dấy lên lo ngại về sự suy thoái kinh tế toàn cầu kéo dài.
Chỉ số MSCI của cổ phiếu châu Á - Thái Bình Dương, không tính thị trường Nhật Bản hạ 2,1%, trong khi chỉ số Nikkei 225 của thị trường chứng khoán Nhật Bản giảm 2,94%. Còn chỉ số chứng khoán tại thị trường Australia mất 2,44%.
Chỉ số chứng khoán tương lai của Mỹ tại thị trường châu Á sụt 1,21%.
Trong phiên giao dịch này, lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm xuống mức thấp kỷ lục trong bối cảnh các nhà đầu tư tăng tỷ lệ đặt cược rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa để đối phó dịch Covid-19 sau khi bất ngờ giảm 0,5% lãi suất đồng USD.
Tỷ lệ lây lan virus SARS-CoV-2 tăng mạnh tại châu Âu và khu vực Bắc Mỹ trong khi số ca mắc mới dịch bệnh Covid-19 tại Trung Quốc đang có xu hướng tăng chậm lại.
Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện đã có khoảng 95.257 người đã được chẩn đoán mắc Covid-19 và 3.280 trường hợp tử vong, đại đa số ở Trung Quốc, nhiều người ở Italia và Iran.
Chiến lược gia Ayako Sera của Sumitomo Mitsui Trust Bank tại Tokyo nhận xét: “Dịch Covid-19 lây lan rộng khắp toàn cầu khiến nhà đầu tư hoảng loạn, rời xa tài sản rủi ro và tìm kiếm các kênh đầu tư an toàn hơn, như trái phiếu Mỹ và vàng”.
Tại thị trường Trung Quốc, chỉ số CSI300 mất 1,22%, trong khi chỉ số chứng khoán trên sàn Hồng Kông (Trung Quốc) cũng sụt 2,12% trong phiên giao dịch ngày 6/3.
Cùng với đà lao dốc trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán châu Âu cũng nhuộm sắc đỏ trong phiên này với chỉ số Euro Stoxx 50 tương lai giảm 2,44%, chỉ số DAX của Đức hạ 2,33% và chỉ số FTSE của chứng khoán Anh sụt 1,94%.
Chứng khoán Mỹ quay đầu giảm mạnh trong phiên ngày 5/3, xóa gần hết đà leo dốc trong phiên trước đó, khi thị trường vẫn biến động mạnh trong bối cảnh dịch Covid-19 lây lan nhanh.
Kết thúc phiên giao dịch này, chỉ số Dow Jones lao dốc 970 điểm (tương đương 3,5%), chỉ số S&P 500 hạ 3,3% và chỉ số Nasdaq Composite lùi 3,1%.
Các chỉ số chính trên sàn Phố Wall đã chạm đáy trong phiên khi lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm rớt xuống mức thấp nhất mọi thời đại, mất 0,9%. Tất cả 11 lĩnh vực chính thuộc S&P 500 đều khép phiên chìm trong sắc đỏ.
Những lo ngại về việc dịch COVID-19 làm gián đoạn nền kinh tế toàn cầu tiếp tục kìm hãm Phố Wall khi các quốc gia trên thế giới mở rộng kiểm dịch và hạn chế đi lại.
California tuyên bố tình trạng khẩn cấp sau ca tử vong vì virus đầu tiên và 53 trường hợp xác nhận nhiễm bệnh ở bang này. Số người nhiễm bệnh ở New York cũng tăng gấp đôi lên 22 người khi bang này tăng cường xét nghiệm.
Điều đó đã thúc đẩy nhu cầu nhà đầu tư vào các tài sản trú ẩn an toàn như trái phiếu Chính phủ Mỹ và vàng, vốn đã tăng gần 1%. Lãi suất suy yếu tiếp tục gây sức ép đến nhóm cổ phiếu ngân hàng, khiến các chỉ số chứng khoán chính nhuốm sắc đỏ. Cổ phiếu JPMorgan và Bank of America đều sụt 5%.
Diễn biến kém khởi sắc trên thị trường diễn ra trong một tuần lễ trồi sụt đầy biến động trên Phố Wall, khi chứng kiến Dow Jones vọt hơn 1.000 điểm 2 lần trong 3 phiên vừa qua.
Chỉ số Dow Jones đã chứng kiến phiên leo dốc mạnh trong phiên 4/3 khi chiến thắng lớn từ cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden trong ngày “Siêu thứ Ba” đã dẫn đến cuộc leo dốc phục hồi, đặc biệt trong lĩnh vực y tế. Nhà đầu tư cũng hoan nghênh các tín hiệu của một sự phản ứng toàn cầu đối với dịch COVID-19, bao gồm hơn 8 tỷ USD tài trợ khẩn cấp từ Quốc hội Mỹ.
FED hôm 3/3 đã hạ lãi suất bất ngờ thêm 50 điểm cơ bản, với lý do dịch bệnh Covid-19 “đặt ra những rủi ro đối với các hoạt động kinh tế”. Đây là lần đầu tiên FED hạ lãi suất khẩn cấp kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Tuy nhiên, động thái này đã không thể xoa dịu những lo ngại của thị trường về khả năng tác động đến nền kinh tế của dịch bệnh và gây ra những biến động mạnh trên thị trường.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang tại bang Minneapolis Neel Kashkari hôm 5/3 tuyên bố FED có thể cắt giảm tiếp lãi suất nếu cần.
Giới đầu tư đang tập trung chờ đợi báo cáo việc làm quan trọng dự kiến sẽ được công bố vào ngày 6/3 để tìm kiếm dấu hiệu của bất kỳ tác động tiêu cực nào từ dịch Covid-19 đến thị trường lao động.