Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giới đầu tư ồ ạt bán tháo, chứng khoán Mỹ lao dốc, cổ phiếu châu Á trái chiều

Nguyễn Thu (Theo CNBC)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chứng khoán Mỹ giảm mạnh, thị trường châu Á - Thái Bình Dương biến động trái chiều sau thông tin Tổng thống Trump hủy đàm phán về gói kích thích kinh tế mới.

Các chỉ số chính trên sàn Phố Wall lao dốc khi chốt phiên giao dịch ngày 6/10 do Tổng thống Mỹ Donald Trump dập tắt tia hy vọng mong manh cuối cùng về gói kích thích kinh tế mới.
Chứng khoán Mỹ lao dốc trong phiên 6/10.
Chốt phiên giao dịch, chỉ số Dow Jones giảm 375,88 điểm, tương đương 1,3%, kết phiên ở 27.772,76 điểm. Trong khi đó, chỉ số S&P 500  sụt 1,4% về mức  3.360,95 điểm và Nasdaq Composite cũng đóng cửa giảm 1,6%, còn 11154,60 điểm.
Sau khi trở lại Nhà Trắng làm việc, ngày 6/10, Tổng thống Mỹ chặt đứt đà leo dốc của chứng khoán Mỹ bằng một tuyên bố trên trang twitter cá nhân rằng, ông sẽ ngừng đàm phán về gói kích thích tài chính mới cho đến sau cuộc bầu cử tháng 11, đồng thời sẽ tập trung vào việc đưa luật sư Amy Coney Barrett lên Tòa án Tối cao.
Theo ông Trump, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi yêu cầu 2.400 tỷ USD để chi cho các hoạt động mang lại hiệu quả kém và chỉ dành cho các bang Dân chủ, không hề dùng để đối phó dịch bệnh. “Chúng tôi đưa ra một lời đề nghị rất hào phóng là 1.600 tỷ USD và như thường lệ bà ta không thương lượng một cách thiện chí. Tôi từ chối”, ông Trump cho hay.
Cuộc đàm phán giữa bà Pelosi và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin những ngày qua dường như không mang lại bước đột phá nào. Giờ đây, ông Trump đã lệnh cho các cấp dưới như ông Mnuchin ngừng đối thoại với Đảng Dân chủ.
Ông Trump cũng đề nghị Thượng viện không lãng phí thời gian vào thảo luận gói hỗ trợ mà nên tập trung vào thông qua ứng viên Thẩm phán Tối cao do ông đề cử.
Trước dòng tweet của ông Trump, các chỉ số chứng khoán Mỹ đang ở mức cao nhất phiên, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones đang tăng hơn 200 điểm so với tham chiếu. Sau dòng tweet của ông Trump, các chỉ số đồng loạt cắm đầu lao dốc và đóng cửa trong sắc đỏ.
Cổ phiếu hãng chế tạo tàu bay Boeing  sụt tới 6,8%, dẫn đầu đà đi xuống của chỉ số Dow Jones. Amazon giảm 3,1%, các đại gia công nghệ khác như Facebook, Netflix, Alphabet, Microsoft và Apple đều hạ hơn 2%.
Cổ phiếu hàng không chịu thiệt hại nặng nề do ngành này đang trông đợi vào gói kích thích kinh tế mới để chống đỡ ảnh hưởng từ Covid-19. United Airlines và Delta Air Lines giảm lần lượt 3,7% và 2,9%. American Airlines sụt 4,5% trong khi Southwest mất 2,4%.
Những lo ngại về việc quá trình phục hồi kinh tế diễn ra chậm hơn cùng với tỷ lệ thất nghiệp sẽ gia tăng nếu không có thêm gói kích cầu mới đè nặng tâm lý thị trường trong phiên giao dịch ngày thứ Ba.
Nối gót đà lao dốc của thị trường Phố Wall, hầu hết các thị trường chứng khoán châu Á đều giảm điểm trong ngày 7/10.
Chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương không gồm Nhật Bản giảm 0,33%.
Thị trường Trung Quốc tiếp tục nghỉ lễ. Tại Hong Kong, chỉ số Hang Seng trên sàn Hồng Kông sụt  0,25%.
Chứng khoán châu Á diễn biến trái chiều trong phiên 7/10.
Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 0,19, trong khi đó chỉ số Topix sụt 0,18%. Thị trường Hàn Quốc cũng đi xuống, Kospi mất 0,14%.
Tuy nhiên, chỉ số ASX 200 của Australia đi ngược xu hướng chung khi tăng 1,11%.
Giới đầu tư cổ phiếu phản ứng với việc Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo dừng đàm phán với đảng Dân chủ về gói hỗ trợ kinh tế tiếp theo cho đến sau bầu cử.
“Ông Trump dừng đàm phán trước bầu cử là canh bạc lớn”, Rodrigo Catril, chiến lược gia tiền tệ tại National Australia Bank viết.
Cũng trong ngày 6/10, trong một bài phát biểu trước Hiệp hội Kinh tế Kinh doanh Quốc gia Mỹ (NABE), Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (FED) Jerome Powell nhắc lại, nền kinh tế Mỹ cần được hỗ trợ nhiều hơn về tài khóa, dù vẫn đang phục hồi khá mạnh mẽ sau “thảm họa tự nhiên” Covid-19.
Về dữ liệu kinh tế, thâm hụt thương mại của Mỹ tăng gần 6% trong tháng 8 lên mức 67,1 tỷ USD. Đây là con số thâm hụt cao thứ ba trong lịch sử, cho thấy các nhà xuất khẩu nước này vẫn còn chặng đường dài phải đi trên con đường khôi phục tất cả những gì đã mất vì đại dịch.
Ngoài ra, một cuộc khảo sát của Bộ Lao động Mỹ cho thấy, khu vực tư nhân đã giảm tuyển dụng và tạo thêm việc làm mới trong trong tháng 8. Thị trường lao động Mỹ đang giảm nhiệt do đánh mất một số động lực trên quá trình phục hồi kinh tế./.