Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giới trẻ Trung Quốc đổ xô vào chùa sống vì bế tắc

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khi Trung Quốc mở cửa trở lại hậu Covid-19, các ngôi chùa Phật giáo và Đạo giáo trong những tháng gần đây đã trở thành điểm đến phổ biến của những người trẻ Trung Quốc muốn thoát khỏi áp lực cuộc sống và cầu may mắn.

Đại dịch phá vỡ nhiều ảo mộng của người trẻ

Sau khi tốt nghiệp đại học vào thời điểm vào năm 2021 - thời điểm nóng của đại dịch Covid-19, Lu Zi đã có được một công việc đáng ghen tị ở một tập đoàn thương mại điện tử lớn. Một năm sau, cô từ bỏ tất cả và đang sống tại một ngôi chùa Phật giáo ở miền Đông Trung Quốc.

Giống như nhiều bạn bè đồng trang lứa, Lu từng có nhiều tham vọng và đã dành những năm đại học để lên kế hoạch cho sự nghiệp của mình. Nhưng sau 12 tháng làm công việc đầu tiên, cô cảm thấy phải dừng lại và quyết định làm tình nguyện tại một ngôi chùa ở Gia Hưng, tỉnh Chiết Giang.

Lu là một trong số ngày càng nhiều sinh viên trẻ mới tốt nghiệp, cảm thấy vỡ mộng hoặc kiệt sức, đã tạm thời rút lui khỏi thị trường việc làm cạnh tranh cao của Trung Quốc để suy nghĩ lại về con đường của mình. "Đại dịch không chỉ ảnh hưởng đến nền kinh tế, mà còn phá vỡ nhiều mộng ảo của chúng tôi về cuộc sống" - Lu, 25 tuổi, chia sẻ với SCMP.

Cô nói: "Suy thoái kinh tế và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng đã khiến nhiều người ở độ tuổi của tôi vô cùng lo lắng. Khi tất cả mọi thứ trở nên thiếu chắc chắn, nhiều người đang chọn giữ những công việc an toàn và ổn định. Nhưng cũng có một số người giống như tôi, muốn dừng lại và suy nghĩ lại về những gì bản thân thực sự muốn trong cuộc sống".

Nền kinh tế Trung Quốc đã bắt đầu có dấu hiệu phục hồi trong những tháng gần đây sau khi nước này thoát khỏi 3 năm kiểm soát nghiêm ngặt theo chính sách "zero-Covid". Nhưng tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên đã ở mức 17,5% vào năm ngoái, tiếp tục tăng lên 18,1% trong 2 tháng đầu năm 2023.

Theo SCMP, thanh niên từ 16 - 24 tuổi bị ảnh hưởng nặng nề nhất do mất việc làm trong đại dịch. Tại Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên đã tăng lên 27,4% vào tháng 4/2020, trước khi giảm xuống dưới 9% vào năm ngoái.

Các chuyên gia Trung Quốc tỏ ra quan ngại rằng việc thiếu cơ hội việc làm cho những người trẻ tuổi có thể ảnh hưởng xấu đến triển vọng phát triển kinh tế của quốc gia. Chiến lược "Việc làm là trên hết" của Trung Quốc đang được tiến hành, nhưng câu hỏi đặt ra là liệu nó có thể tạo ra đủ việc làm cho quốc gia tỷ dân hay không?

Một sinh viên mới tốt nghiệp khác, Yao Fenfen, 23 tuổi, cho biết cô quyết định dành vài ngày tại một ngôi chùa ở Thâm Quyến sau khi đọc về nó trên ứng dụng Tiểu Hồng Thư. Mạng xã hội này hiện đã có gần 900.000 bài đăng về chủ đề đền chùa, với những người chủ yếu chia sẻ kinh nghiệm của họ về các chuyến thăm chùa và tìm kiếm thông tin liên quan.

"Tôi đã bị cho nghỉ việc vào đầu năm nay và muốn tận dụng thời gian rảnh rỗi này để trải nghiệm nhiều hơn, cũng như thư giãn một chút trước khi bắt đầu một công việc mới" - Yao nói - "Tôi đã kết bạn với nhiều người bạn mới trong thời gian sống ở chùa. Nhiều người trong số họ bằng tuổi tôi và cũng vừa mới nghỉ việc".

Chiến lược "Việc làm là trên hết" của Trung Quốc đang được tiến hành, nhưng câu hỏi đặt ra là liệu nó có thể tạo ra đủ việc làm cho quốc gia tỷ dân hay không?
Chiến lược "Việc làm là trên hết" của Trung Quốc đang được tiến hành, nhưng câu hỏi đặt ra là liệu nó có thể tạo ra đủ việc làm cho quốc gia tỷ dân hay không?

Xử lý áp lực sai cách?

Khi Trung Quốc mở cửa trở lại hậu Covid-19, các ngôi chùa Phật giáo và Đạo giáo trong những tháng gần đây đã trở thành điểm đến phổ biến của những người trẻ Trung Quốc muốn thoát khỏi áp lực cuộc sống và cầu may mắn.

Theo dữ liệu từ nhà cung cấp dịch vụ du lịch trực tuyến Trip.com, số lượt viếng thăm các ngôi chùa trên khắp đất nước đã tăng 310% kể từ đầu năm 2023 so với một năm trước, trong đó những người thế hệ Millennials (1981 - 1995) và "gen Z" (sau 1995) chiếm một nửa số lượt đặt chỗ đó.

Phật giáo và Đạo giáo, cùng với Nho giáo, là những triết lý và tôn giáo chính của Trung Quốc cổ đại, hiện vẫn tiếp tục có ảnh hưởng đáng kể trong xã hội Trung Quốc hiện đại.

Các ngôi đền trước đây chỉ có đông người trong các lễ hội và ngày lễ lớn, nhưng điều đó đang thay đổi nhanh chóng. Các khóa tu ngắn hạn ờ chùa đã trở thành một "trend" đối với những người trẻ tuổi không muốn trở thành tăng ni nhưng muốn giảm bớt áp lực công việc và cuộc sống thông qua lối sống Phật giáo hoặc Đạo giáo.

Đối với nhiều thanh niên Trung Quốc đi chùa, đó như là một chuyến du ngoạn cuối tuần. Một số người khác, như Lu, làm tình nguyện viên tại chùa trong nhiều tháng, nhận được sự hỗ trợ về tinh thần và cảm xúc trong khi giúp đỡ các công việc hàng ngày và tham gia các bài giảng.

Chùa Lạt Ma ở thủ đô Bắc Kinh, một ngôi chùa Phật giáo Tây Tạng, là một trong những nơi được người trẻ viếng thăm nhiều nhất. Một phần của nó là cố cung, nơi hai vị hoàng đế của triều đại nhà Thanh sinh sống khi họ còn là thái tử, và nó được biết đến như một ngôi đền "thiêng" với những người muốn cầu công danh sự nghiệp.

Chính điều này cũng khiến chùa Lạt Ma trở nên thu hút giới trẻ Trung Quốc. Trong những tháng gần đây, du khách thường xuyên xếp hàng dài bên ngoài ngôi chùa này, ngay cả vào các ngày trong tuần. Khoảng 40.000 người đã đến thăm mỗi ngày kể từ đầu tháng 3 - theo số liệu ước tính của chùa.

Hiện tượng thanh niên Trung Quốc - hầu hết được giáo dục theo thuyết vô thần - đổ xô đến đền chùa để cầu may cũng đã thu hút sự chú ý của truyền thông nhà nước. Một bài bình luận gần đây trên tờ The Beijing News viết rằng "một số thanh niên đã đi sai đường trong việc xử lý áp lực". Tờ báo chính thức kêu gọi giới trẻ Trung Quốc làm việc chăm chỉ hơn, thay vì đặt hy vọng vào việc "thắp hương".

Tian Wenzhi, một nhà bình luận của tờ Beijing Daily, thể hiện quan điểm đồng cảm hơn khi cho rằng các nhà chức trách nên tập trung vào việc cố gắng hiểu những áp lực mà những người trẻ đang phải đối mặt, cũng như những gì họ đang hướng đến.

"Cuộc sống hối hả đầy bất trắc trong xã hội ngày nay đã tạo ra nhiều thách thức và lo lắng hơn cho những người trẻ tuổi, vốn đang nhiều lo lắng về sự nghiệp, lựa chọn hôn nhân cũng như áp lực chăm sóc các thành viên lớn tuổi trong gia đình họ" - ông viết, đề cập đến những khó khăn mà nhiều người độc thân ở Trung Quốc đang phải đối mặt.