Phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm đi vào hoạt động đến nay đã gần 8 năm (từ 1/9/2016). Chừng ấy thời gian cũng đủ để chứng minh sự cần thiết và hấp dẫn của không gian này. Tuy thành công là thế nhưng không gian phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm đã có những thay đổi, ảnh hưởng đến mỹ quan khu vực. Trong không ít các sự kiện được tổ chức, nhiều sạp hàng bán đủ thứ đồ từ gia dụng, thời trang, ẩm thực… được dựng lên vây kín bờ hồ.
Chưa kể, âm thanh lớn từ những loa bán hàng đua nhau giới thiệu sản phẩm làm mất đi sự bình yên của một không gian văn hóa vốn có. Điều đó làm ảnh hưởng đến phố đi bộ, đến cảm nhận của mọi người khi đến đây để tìm kiếm một không gian nghỉ ngơi; ảnh hưởng đến khách du lịch khi tham quan các di tích với mong muốn được thưởng thức những giá trị hồn cốt của Hà Nội ngàn năm văn hiến.
Bởi vậy dự thảo Quy chế quản lý hoạt động trong không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận đang được lấy ý kiến Nhân dân nêu rõ, các hoạt động được tổ chức ở không gian đi bộ gồm: sự kiện chính trị, văn hóa, du lịch tiêu biểu quy mô lớn cấp T.Ư và TP do Sở VH&TT Hà Nội tham mưu, đề xuất; hoạt động, sự kiện quảng bá văn hóa, du lịch, giao lưu nghệ thuật phục vụ mục đích đối ngoại theo đề nghị của các địa phương và quốc tế.
Dự thảo cũng nêu rõ dự kiến không cho tổ chức các hoạt động, sự kiện dưới hình thức thuần túy hội chợ thương mại, chương trình khuyến mại; giới thiệu, trải nghiệm sản phẩm, hàng hóa tiêu dùng, liên hoan ẩm thực và làng nghề...
Có thể thấy, về cơ bản, dự thảo là những điều chỉnh tích cực nhằm hạn chế các hoạt động gây ảnh hưởng tiêu cực hoặc hạn chế khả năng tiếp cận không gian công cộng của người dân và du khách, tạo điều kiện cho các hoạt động phù hợp hơn về văn hóa, nghệ thuật và sáng tạo được diễn ra trong khu vực phố đi bộ, nâng cao chất lượng khi trải nghiệm không gian văn hóa công cộng này.
Nhiều du khách khi biết thông tin cùng chung nhìn nhận và ủng hộ việc những sự kiện ồn ào, tập trung đông người nên tổ chức ở nơi khác; các chương trình thương mại nên được quy hoạch ở những khu vực khác, vì mọi người đến phố đi bộ là để được thoải mái cảm nhận không gian ấy, được tham quan các di tích, được thưởng thức những giá trị hồn cốt của Hà Nội văn hiến.
Khách du lịch đến đây cũng vì những giá trị văn hóa và giải trí, chứ không đến để mua đồ hạ giá hay mua các đặc sản từ mọi vùng miền khác. Hà Nội nên chú trọng đầu tư chiều sâu cho phố đi bộ bằng cách tạo ra những nét riêng, đặc sắc, và nhất thiết phải giữ được không gian văn hóa, không khí riêng của Hà Nội.
Nói theo cách của các nhà nghiên cứu, yêu văn hóa, lịch sử Thủ đô, hồ Hoàn Kiếm là nơi để lắng đọng, để người ta suy tư về chiều sâu lịch sử văn hóa của đất nước mình. Đến hồ Hoàn Kiếm và ngồi tĩnh lặng ngắm phong cảnh, tư duy về chiều sâu lịch sử của cái hồ này, của TP này, của đất nước này, đấy là ao ước của nhiều người.
Vì vậy, nhiều người đang cùng hy vọng, việc tổ chức lại hoạt động trong không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận sẽ đem đến chuyển biến tích cực. Nơi đây sẽ thực sự là không gian văn hóa, nơi diễn ra các hoạt động văn hóa, nghệ thuật đúng nghĩa, qua đó góp phần khai thác tốt lợi thế từ di sản cha ông để lại.