Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giữa “bão” Covid-19, hơn 40.000 doanh nghiệp Việt kiên cường tái gia nhập thị trường

Nguyễn Văn Phái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2021, dịch Covid-19 đã bào mòn sức khỏe của nhiều doanh nghiệp nhưng cũng chứng kiến sự bản lĩnh, kiên cường quay trở lại thị trường của hàng chục nghìn cái tên. Theo đó, 43.116 doanh nghiệp tái gia nhập thị trường, đứng đầu là doanh nghiệp bán buôn, bán lẻ, xây dựng, công nghiệp chế biến...

Giữa “bão” Covid-19, hơn 40.000 doanh nghiệp Việt kiên cường tái gia nhập thị trường - Ảnh 1

Sức khỏe doanh nghiệp phập phù theo diễn biến dịch

Tại Việt Nam, làn sóng dịch Covid-19 bùng phát từ cuối tháng 4/2021 với biến chủng mới Delta có tốc độ lây lan nhanh chóng, nguy hiểm, diễn biến phức tạp, khó kiểm soát tại nhiều địa phương đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, an toàn của người dân và sự phát triển kinh tế của đất nước.

Trong hoàn cảnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp vừa phòng, chống dịch, đảm bảo sức khỏe người dân, vừa phòng chống suy giảm kinh tế.

Đến nay, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát trên phạm vi cả nước và đang thực hiện lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh theo tính thần Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ. Đây là cơ sở, nền tảng quan trọng để kinh tế Việt Nam có những bước phục hồi mạnh mẽ vào cuối năm 2021.

Tình hình đăng ký doanh nghiệp năm 2021 có thể nhận thấy sự thay đổi rõ nét qua từng tháng, từng quý theo diễn biến của dịch bệnh. Sau một năm 2020 chống chọi với dịch bệnh, các doanh nghiệp Việt Nam đã gặp phải nhiều khó khăn do thương mại quốc tế chưa thông suốt, đứt gãy chuỗi cung ứng khiến chi phí nguyên vật liệu đầu vào trở nên đắt đỏ… Do vậy, lần đầu tiên trong giai đoạn quý I từ năm 2026 tới nay, số doanh nghiệp đăng ký mới đã giảm sút nhất là trong 2 tháng (1 - 2/2021).

Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng 1 năm 2021 chỉ có 1.009, thấp hơn so với tháng 12/2020 (10.689 doanh nghiệp) và chỉ bằng 77% so với tháng 11/2020 (13.092 doanh nghiệp). Số doanh nghiệp đăng ký mới trong tháng 2 năm 2021 còn thấp hơn nữa, chỉ có 8.038 doanh nghiệp.

Số doanh nghiệp đăng ký mới trong tháng 2 sụt giảm, là do cuối tháng 1/2021 dịch Covid-19 bùng phát trở lại trong cộng đồng với biến chủng mới lây lan nhanh đã khiến cho một số địa phương như Hải Dương, Quảng Ninh, Bắc Ninh phải thực hiện phong tỏa theo khu vực hoặc giãn cách xã hội, ảnh hưởng tới dự định kinh doanh của người dân.

Một nguyên nhân quan trọng khác của sự sụt giảm số doanh nghiệp đăng ký mới trong tháng 2/2021 là do tháng này trùng với Tết nguyên đán. Trong tuần 8/2021, tuần diễn ra Tết Nguyên đán (từ 15/2 - 20/2) chỉ có 539 doanh nghiệp đăng ký mới, chỉ bằng 65,9% so với tuần 7 (818 doanh nghiệp) và chỉ bằng 20,1% so với tuần 8 (2.629 doanh nghiệp).

Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Rhythm Precision Việt Nam. Ảnh: Phạm Hùng  
Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Rhythm Precision Việt Nam. Ảnh: Phạm Hùng  

Số lượng doanh nghiệp thành lập mới đạt đỉnh vào tháng 5/2021

Sự duy trì ổn định kinh tế vĩ mô của nước ta đã giúp cho đăng ký doanh nghiệp tăng mạnh trong các tháng 4 và 5/2021 và đạt đỉnh điểm vào tháng 5/2021 (14.900 doanh nghiệp). Đây cũng là con số kỷ lục so với cùng kỳ các năm trước.

Làn sóng dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 vào cuối tháng 4 và tháng 7 năm 2021 dẫn đến các đợt phong tỏa và giãn cách xã hội kéo dài tại nhiều tỉnh, thành phố đã khiến cho tình hình đăng ký doanh nghiệp các tháng tiếp theo giảm liên tục và đạt mức thấp nhất vào tháng 9 năm 2021 cả về số lượng doanh nghiệp và số vốn đăng ký (chỉ còn 3.859 doanh nghiệp; số vốn đăng ký chỉ đạt 62,4 nghìn tỷ đồng), giảm 62,2% về số doanh nghiệp và giảm 69,3% về vốn so với cùng kỳ năm 2020.

Ngày 11/10/2021 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128 NQ-CP về Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Việc triển khai Nghị quyết 128 đã được thực hiện thống nhất trên phạm vi toàn quốc. Các cấp, các ngành, các địa phương đã có những phương án để thích nghi an toàn, khoanh vùng dập dịch bên cạnh việc duy trì, đẩy nhanh tiến độ sản xuất, kinh doanh. Qua đó, tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc, đồng thời kinh tế dần được khôi phục và có sự khởi sắc.

Số lượng doanh nghiệp đăng ký mới tăng ngay từ cuối tháng 10, tăng mạnh trong tháng 11 và vẫn duy trì ở mức cao trong tháng 12. Mặc dù số doanh nghiệp đăng ký mới tháng 12/2021 thấp hơn tháng 11 nhưng cũng tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái và cao hơn mức trung bình của tháng 12 trong giai đoạn 2016 - 2020 (10.273 doanh nghiệp).

Trong năm 2021 có tổng cộng 116.839 doanh nghiệp ra đời, giảm 13,4% so với năm 2020, là mức thấp nhất kể từ năm 2017. Số vốn đăng ký thành lập trong năm 2021 cũng chỉ đạt 1.611.109 tỷ đồng, giảm 27,9% so với năm trước. Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong năm là 853.964 lao động, giảm 18,1% so với năm 2020.

Có đến 14/17 ngành có số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm so với năm 2020, chủ yếu là những ngành nghề chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Sản xuất phân phối điện, nước, gas (giảm 79,2%); Dịch vụ lưu trú và ăn uống (giảm 25,6%); Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (giảm 24,3%); Nghệ thuật, vui chơi, giải trí (giảm 23%) và Hoạt động dịch vụ khác (giảm 21,8%).

Các ngành có số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới chiếm tỷ lệ lớn nhất, gồm: Bán buôn, bán lẻ 40.249 doanh nghiệp (chiếm 34,4%); Công nghiệp chế biến, chế tạo có 15.049 doanh nghiệp (12,9%); Xây dựng có 14.348 doanh nghiệp (12,3%).

Tình hình các doanh nghiệp quay trở lại hoạt động hàng tháng trong năm 2021 cũng có xu hướng gần giống như các doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, dù ở mức độ thấp hơn: hạ xuống mức thấp nhất vào tháng 9 (chỉ có 2.217 doanh nghiệp), sau đó tăng mạnh vào các tháng 10, 11 và 12 (xem Hình 1).

Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong năm 2021 là 43.116 doanh nghiệp, giảm 2,2% so với năm 2020. Tuy nhiên, con số này vẫn cao hơn mức trung bình 34.133 doanh nghiệp tái gia nhập thị trường trong giai đoạn 2016 - 2020. Các lĩnh vực có số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động nhiều nhất là: Bán buôn, bán lẻ với 17.912 doanh nghiệp (chiếm 41,4%); Xây dựng với 5.862 doanh nghiệp (13,6%) và Công nghiệp chế biến, chế tạo với 4.840 doanh nghiệp (11,2%).

Chỉ có 3/17 lĩnh vực có số doanh nghiệp trở lại hoạt động tăng trong năm 2021: Bán buôn, bán lẻ (17.912 doanh nghiệp, tăng 13%); Kinh doanh bất động sản (1.328 doanh nghiệp, tăng 12,8%) và Sản xuất, phân phối điện, nước, ga (322 doanh nghiệp, tăng 5,2%). Trong số những lĩnh vực có số lượng doanh nghiệp tái gia nhập thị trường giảm so với năm 2020, có 4 lĩnh vực giảm nhiều nhất là: Nghệ thuật, vui chơi, giải trí (281 doanh nghiệp, giảm 34,3%); Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (536 doanh nghiệp, giảm 31%); Hoạt động dịch vụ khác (419 doanh nghiệp, giảm 21,4%) và Tài chính, ngân hàng, bảo hiểm (332 doanh nghiệp, giảm 20%).

Dịch bệnh kéo dài đã bào mòn sức lực của nhiều doanh nghiệp khiến nhiều doanh nghiệp không chịu đựng nổi phải tạm ngừng kinh doanh, thậm chí giải thể. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong năm 2021 là 54960 doanh nghiệp, tăng 18% so với năn 2020. Doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh chủ yếu thuộc các lĩnh vực: Bán buôn, bán lẻ (20.267 doanh nghiệp, chiếm 36,9%); Xây dựng (7.603 doanh nghiệp, chiếm 13,8%) và Công nghiệp chế biến, chế tạo (6.558 doanh nghiệp, chiếm 11,9%).

Số doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể năm 2021 là 48.127 doanh nghiệp, tăng 27,8% so với năm 2020, nhiều nhất ở các ngành: Bán buôn, bán lẻ (17.178 doanh nghiệp, chiếm 35,7%); Xây dựng (6.218 doanh nghiệp, chiếm 12,9%) và Công nghiệp chế biến, chế tạo (5.794 doanh nghiệp, chiếm 12%).

Số doanh nghiệp giải thể, chấm dứt tồn tại năm 2021 là 16.741, giảm 4,1% so với năm 2020. Các lĩnh vực có tỷ lệ doanh nghiệp chấm dứt tồn tại tăng cao so với năm 2020 là Sản xuất và phân phối điện, gas, nước; Khai khoáng và Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản với các tỷ lệ tăng lần lượt là 61,3%; 41,9% và 21,1%.