Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giúp đỡ những người lầm lỗi làm lại cuộc đời

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bên cạnh việc tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động trong độ tuổi, TP Hà Nội quan tâm đến những người chấp hành xong hình phạt tù, người sau cai nghiện ma túy, giúp họ nhanh chóng hòa nhập cộng đồng, sớm ổn định cuộc sống.

Giải quyết việc làm theo nhu cầu của từng đối tượng

Thời gian qua, Nhà nước có nhiều chính sách đạo tạo nghề, hỗ trợ giải quyết việc làm dành cho nhóm người lao động yếu thế, trong đó có người chấp hành xong hình phạt tù, người sau cai nghiện ma túy trở về địa phương. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn nhiều rào cản đối với những đối tượng này bởi tâm lý tự ti, e ngại của chính người lao động và vẫn còn sự kỳ thị của cộng đồng. Trước thực tế này, TP Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ giải quyết việc làm cho đa dạng người lao động.

Những người một thời đã từng lầm lỗi được tư vấn, ứng tuyển vào các vị trí tại Phiên Giao dịch việc làm quận Ba Đình năm 2023. Ảnh: Trần Oanh
Những người một thời đã từng lầm lỗi được tư vấn, ứng tuyển vào các vị trí tại Phiên Giao dịch việc làm quận Ba Đình năm 2023. Ảnh: Trần Oanh

Tại phiên giao dịch việc làm lưu động quận Ba Đình năm 2023, bên cạnh nhiều người lao động có trình độ phổ thông, cao đẳng - đại học, học sinh, sinh viên, còn có những người chấp hành xong hình phạt tù, người sau cai nghiện ma túy.

“Hầu như những người chấp hành xong hình phạt tù trở về địa phương rất khó tìm được làm việc. Hôm nay, thông qua công an phường giới thiệu, tôi đến phiên giao dịch việc làm mong sớm tìm được một công việc để ổn định cuộc sống” - anh N.N.T. bộc bạch.

Vừa được cung cấp thông tin thị trường lao động, chị Ng.T.H xúc động nói: "Chúng tôi là những người đã từng có thời gian lầm lỗi rất cảm ơn phường, quận đã quan tâm, động viên vượt qua mặc cảm và giới thiệu ứng tuyển vào các vị trí công việc phù hợp".

Để tháo nút thắt nhiều DN còn e ngại tiếp nhận tuyển dụng người lao động đã từng có thời gian lầm lỗi, trước khi phiên giao dịch việc làm được tổ chức, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã phối hợp với phòng LĐTB&XH quận Ba Đình thực hiện tuyên truyền, khảo sát nhu cầu sử dụng của DN trên địa bàn.

Trưởng phòng LĐTB&XH quận Ba Đình Phạm Thanh Hà cho biết: chúng tôi đã cùng với Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, Công an quận và các phường khảo sát ban đầu để xác định nhu cầu của người lao động cần gì. Từ kết quả khảo sát, chúng tôi đánh giá, phân tích và mời các DN tham gia tuyển dụng. Và tại phiên giao dịch việc làm, cán bộ Trung tâm đã tư vấn nghề nghiệp, tư vấn đào tạo nghề, thông tin thị trường lao động, giới thiệu việc làm cho những người chấp hành xong hình phạt tù, người sau cai nghiện trở về địa phương để có thu nhập, ổn định cuộc sống.

Kết quả ban đầu cho thấy, những người đã một thời lầm lỗi từ chỗ e dè, tự ti đã chăm chú lắng nghe cán bộ tư vấn và mạnh dạn ứng tuyển vào các vị trí nhân viên bảo vệ, giao nhận hàng, bán hàng… “Đây là năm đầu tiên chúng tôi tổ chức phiên giao dịch việc làm và mở rộng đối tượng này. Đặc biệt, trong hoạt động của mô hình Quản lý, giáo dục, tư vấn, giúp đỡ người sau cai nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng - Câu lạc bộ B93, chúng tôi có đưa nội dung tuyên truyền, giới thiệu việc làm để các hội viên được biết” - ông Thanh Hà cho hay.

Người sau cai nghiện nhanh hòa nhập cộng đồng

Để học viên cai nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng thì việc làm là yếu tố quan trọng. TP Hà Nội có 7 cơ sở cai nghiện ma túy, mỗi năm đều phối hợp với các đơn vị đào tạo nghề, DN tổ chức dạy nghề, truyền nghề và tổ chức lao động trị liệu cho học viên nghề may công nghiệp, hàn, cơ khí, mộc,…Phó Giám đốc Cơ sở Cai nghiện ma túy số 6 Đàm Quang Hưng cho biết: “Đơn vị đã mở các lớp học nghề giúp anh em học viên tìm lại chính mình. Qua đó, để sau này khi trở về cộng đồng, học viên có thể tìm kiếm việc làm, không tái sử dụng chất ma túy”.

Song song với đó, từ năm 2015, Sở LĐTB&XH Hà Nội đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội phối hợp với 7 cơ cơ sở cai nghiện ma túy tổ chức các chương trình tư vấn hướng nghiệp, học nghề, giới thiệu việc làm cho học viên trước khi hòa nhập cộng đồng. Tại những chương trình này, học viên cai nghiện được tư vấn tập trung tại hội trường và sau đó là tư vấn trực tiếp đối với từng trường hợp.

Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành chia sẻ: thông qua những chương trình tư vấn, học viên cai nghiện ma túy nắm bắt được thông tin thị trường lao động, tự đánh giá được bản thân với những nghề nghiệp đã có hoặc sẽ theo học trong thời gian tới khi quay trở về cộng đồng thì dễ dàng tiếp cận và nhanh chóng có việc làm.

Và khi học viên hoàn thành cai nghiện quay trở về cộng đồng, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội lại phối hợp với Phòng LĐTB&XH các quận, huyện thực hiện những phiên giao dịch việc làm lồng ghép có mời lực lượng này tham gia.

Trung tâm hy vọng hoạt động tổ chức phiên giao dịch việc làm bước đầu đem lại những tín hiệu tích cực với nhóm lao động này và nhận thức của họ sẽ tốt hơn, cải thiện được tâm lý, nhận thức… “Cái thiếu ở đây là việc mở rộng DN tham gia tuyển dụng lực lượng lao động sau cai nghiện hòa nhập cộng đồng. Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đang hết sức cố gắng để mời và tư vấn cho các DN sẵn sàng tham gia phiên và đặc biệt là tuyển dụng, sử dụng lực lượng lao động này” – ông Vũ Quang Thành cho hay.

Theo đánh giá của Sở LĐTB&XH Hà Nội, việc tổ chức các phiên giao dịch việc làm cho nhiều người lao động, trong đó có người sau cai nghiện ma túy tham gia là giúp họ thích ứng nhanh hơn với cuộc sống xã hội và rút ngắn thời gian tái hòa nhập cộng đồng. Nhưng yếu tố then chốt vẫn phải là người nghiện quyết tâm đoạn tuyệt được với ma túy, làm lại từ đầu.

“Tạo việc làm cho người sau cai, người chấp hành xong hình phạt tù là việc làm thiết thực, hiệu quả, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, sức lan tỏa lớn. Việc làm không chỉ giúp họ xóa đi mặc cảm, vươn lên trong cuộc sống mà còn góp phần bảo đảm an ninh trật tự, an sinh xã hội cho các quận, huyện và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Thủ đô” - Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Nguyễn Tây Nam nhấn mạnh.

 

Trước đó, Sở LĐTB&XH Hà Nội phối hợp với UBND huyện Thanh Oai, UBND quận Tây Hồ tổ chức phiên giao dịch việc làm năm 2023, trong đó có những người đã chấp hành xong hình phạt tù trở về địa phương, người cai nghiện ma túy thành công, đã mang lại kết quả tích cực. Trong số 161 người đã có một thời lầm lỗi khi tham gia Phiên Giao dịch việc làm quận Tây Hồ năm 2023, có 60 người phỏng vấn tuyển dụng và 37 người được DN nhận hồ sơ tại các vị trí bảo vệ, lái xe, nhân viên an ninh.