Kỹ năng sống:

Giúp trẻ kiểm soát cảm xúc

TS Thu Hằng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kiểm soát tốt cảm xúc là tố chất rất cần thiết cho cả người lớn lẫn trẻ con. Tuy nhiên, đây là điều cần tập làm quen và đạt được càng sớm càng tốt.

Giúp trẻ kiểm soát cảm xúc. Ảnh: Internet
Giúp trẻ kiểm soát cảm xúc. Ảnh: Internet

Nhiều người cho rằng, trẻ nhỏ giận dữ, khóc lóc… là chuyện bình thường, không cần phải để ý. Tuy nhiên, nếu trẻ không làm chủ được cảm xúc từ nhỏ khi lớn lên sẽ gặp nhiều rắc rối vì tùy hứng bộc lộ tình cảm của mình, nhiều khi là tiêu cực như việc la mắng người khác, có khi có cả bạo hành.

Giáo sư tâm lý học John Gottman (Đại học Washington - Mỹ) cho biết: Nhờ giáo dục cảm xúc, trẻ em sẽ học giỏi hơn ở trường, khỏe mạnh hơn, mối quan hệ với bạn bè cũng tốt hơn, có ít hành vi tiêu cực hơn và cũng hồi phục nhanh hơn sau những trải nghiệm và thử thách khó khăn.

Thông thường, cha mẹ dễ chấp nhận cảm xúc tích cực của con, như; Vui vẻ, hạnh phúc… nhưng khó chấp nhận khi con có cảm xúc tiêu cực. Nhiều nghiên cứu cho biết, muốn trẻ kiểm soát tốt cảm xúc, trước hết cần giúp trẻ cảm nhận được các cảm xúc mình đang có, như: Thất vọng, buồn chán, giận giữ…

Các chuyên gia cho biết: Thường các cảm xúc của trẻ bộc lộ qua 3 giai đoạn: Phản ứng với điều không vừa ý và bộc lộ cảm xúc; nhận biết và giữ cảm xúc đó; lắng dịu và chuyển hóa cảm xúc.

Thông thường, khi trẻ bộc lộ cảm xúc tiêu cực như la hét, khóc lóc…, cha mẹ phản ứng ngay và cũng tiêu cực: Mắng, thậm chí dọa nạt, hay đánh đập. Điều này khiến trẻ chưa kịp chuyển hóa cảm xúc của mình thành tích cực thì mọi chuyện đã kết thúc.

Điều quan trọng, cha mẹ cần giúp con nhận thấy nó đang có cảm xúc tiêu cực như hỏi: Tại sao con khóc, con la hét?

Khi con đã lắng dịu, cha mẹ cần giúp con chuyển hóa cảm xúc bằng cách tìm hiểu nguyên nhân sự việc và cách giải quyết vấn đề. Cha mẹ có thể gợi mở giải pháp cho trẻ nhỏ lựa chọn; cũng nên lắng nghe ý kiến của con, nhất khi là con đã lớn tuổi. Điều này giúp trẻ nhận thấy cha mẹ thông cảm với nó và tìm cách giải quyết vướng mắc trong cuộc sống với con.

Qua nhiều “vụ việc” tương tự, trẻ dần dần làm chủ được cảm xúc của mình. Khi đó, khi gặp một việc nào đó không như ý, trẻ sẽ bình tĩnh nhìn nhận vấn đề để giải quyết. Trẻ làm chủ được cảm xúc, như đã nói, sẽ giúp nó lớn lên vững vàng hơn. Đó cũng là điều hạnh phúc của mỗi người làm cha, làm mẹ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần