Gỡ điểm nghẽn để nữ doanh nhân chuyển đổi số

Bài, ảnh: Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện số DN do phụ nữ làm chủ chiếm khoảng 24 - 25% tổng số DN trong cả nước, trong đó, có đến 90% DN do phụ nữ làm chủ, tập trung nhiều nhất ở các ngành dịch vụ bán buôn, bán lẻ, chiếm khoảng 75%, công nghiệp chế biến chế tạo 14,6%; KHCN 7,3%...

Trước xu hướng chuyển đổi số, các DN do nữ làm chủ ở Việt Nam gặp rất nhiều rào cản để chuyển đổi số thành công.

Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại chợ Thanh Am của Công ty CP Dịch vụ và Đầu tư thương mại Thu Hà do nữ doanh nhân làm chủ.
Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại chợ Thanh Am của Công ty CP Dịch vụ và Đầu tư thương mại Thu Hà do nữ doanh nhân làm chủ.

Giám đốc Điều hành Công ty CP BIOTECH GROUP Việt Nam Lê Thị Mỹ Dung nhìn nhận, đứng trước thách thức rất lớn bởi thói quen người tiêu dùng, khách hàng đã thay đổi rất lớn sau đại dịch Covid-19, các DN, trong đó có các DN do nữ làm chủ cần phải chuyển đổi số để thích ứng. Song, khi thực hiện, DN nữ cũng gặp nhiều khó khăn như hạn chế về tài chính, năng lực và kinh nghiệm triển khai ban đầu, rào cản về kỹ thuật hơn các chủ DN nam.

“Đôi khi chuyển đổi số buộc phải thay đổi, điều chỉnh văn hóa DN cho phù hợp. Hơn nữa, không phải DN nào nhân sự cũng sẵn sàng thay đổi lại quy trình quen thuộc mà họ đã làm” – bà Mỹ Dung nói. Ngoài ra, việc tiếp cận, lựa chọn các giải pháp chuyển đổi số phù hợp với ngân sách tài chính mà DN có thể áp dụng được là điều không dễ dàng.

Bản thân BIOTECH GROUP Việt Nam, để cắt giảm chi phí quản lý, DN áp dụng các phương thức cơ bản nhất như hệ thống tính lương tự động thông qua máy chấm vân tay bằng wifi, áp dụng tiêu chuẩn ISO9001-2015 vào vận hành nên việc quản lý các dự án và phân bổ luồng công việc, quy trình một cách bài bản…

Tuy nhiên, DN chưa có cơ hội tiếp cận do chi phí nhiều hơn các hệ thống quản lý ứng dụng chuyển đổi số phức tạp, vì vậy DN mong sẽ có các gói hỗ trợ để DN nữ làm chủ tiệm cận chuyển đổi công nghệ số toàn diện.

Để chuyển đổi số thành công, lĩnh vực trọng tâm DN nữ nên chú ý làm rõ các cấp độ trong DN, bao gồm: Chiến lược, Mô hình kinh doanh, Mô hình quản trị. Đó là khẳng định của Chuyên gia tư vấn chuyển đổi số và quản trị DN Vũ Tuấn Anh - Phó Tổng Giám đốc Dr SME.

Bởi mấu chốt là các DN nữ đánh giá một cách chính xác chuyển đổi số bên trong và bên ngoài. Bên ngoài là gia tăng trải nghiệm khách hàng, bên trong là nhìn vào toàn bộ chuỗi cung ứng từ nhà cung cấp đến bản thân DN nhằm cắt giảm chi phí, vận hành một cách hiệu quả hơn...

Theo Chuyên viên Phòng Tổng hợp và Chính sách (Cục Phát triển DN – Bộ KH&ĐT) Nguyễn Thị Lệ Quyên, qua khảo sát 1.500 DN có những khó khăn về chi phí đầu tư, thay đổi thói quen, thiếu nhân lực thực hiện chuyển đổi số. Do đó, từ tháng 1/2021, chương trình hỗ trợ DN thúc đẩy chuyển đổi số đã nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo ra các giá trị mới cho DN. Một thống kê cho thấy, trước khi Covid-19 bùng nổ, chỉ có 20% DN quan tâm đến chuyển đổi số. Sau 6 tháng, hơn 70% DN chú ý đến quy trình này và trên 50% DN đang thực hiện.

Là địa phương được đánh giá tích cực, Trưởng phòng Ươm tạo và phát triển DN, kiêm Giám đốc Điều hành Vườn ươm DN (Trung tâm Hỗ trợ DN, Sở KH&ĐT Hà Nội) Hồ Sỹ Thường thông tin, giai đoạn 1/7/2007 - 1/5/2022, Trung tâm đã triển khai 29 khóa đào tạo nguồn nhân lực với 1.200 học viên cho DNNVV do nữ làm chủ.

Để hiệu quả hơn, đề nghị có chủ trương xây dựng các chương trình, kế hoạch hỗ trợ riêng cho đối tượng là DNNVV do phụ nữ làm chủ tại các địa phương để có cơ sở đề xuất, xây dựng tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai thực hiện cho đối tượng này.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần