Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gỡ khó cho phát triển năng lượng tái tạo

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những vướng mắc, kiến nghị về chính sách đầu tư, xây dựng, quản lý vận hành điện gió, khí, mặt trời tại Việt Nam đã được các nhà quản lý, chuyên gia, nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước đưa ra chiều 30/8.

Đó là nội dung tại Hội thảo quốc tế “Chính sách cho phát triển các dự án điện gió, điện mặt trời và điện khí tại Việt Nam” do Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) phối hợp Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam, Trung tâm Thông tin Năng lượng tổ chức tại TP Hồ Chí Minh.

Toàn cảnh Hội thảo.
Toàn cảnh Hội thảo.

Tại Hội thảo, các diễn giả, chuyên gia, nhà khoa học về kinh tế, năng lượng có những ý kiến phản biện, thảo luận một số cơ chế, chính sách phát triển các dự án năng lượng tái tạo (NLTT) ở Việt Nam và đề xuất các giải pháp.

Xu hướng tất yếu

Theo Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo Phạm Nguyên Hùng, Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trong khu vực ASEAN, giai đoạn 2010 - 2020 tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 5,9%/năm.

Với tốc độ phát triển kinh tế như vậy, Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm và đặt mục tiêu phát triển điện phải đi trước một bước để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng của đất nước, đáp ứng nhu cầu điện sinh hoạt của Nhân dân, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

“Với sự quan tâm đó, hệ thống điện quốc gia Việt Nam hiện đã có phát triển vượt bậc, đảm bảo cung cấp đủ điện cho yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội có chất lượng và độ tin cậy cung cấp điện ngày càng được cải thiện, nâng cao” - ông Phạm Nguyên Hùng nói.

Tính đến cuối năm 2021, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống đạt 76.620MW (tăng gần 7.500MW so với năm 2020), quy mô hệ thống điện Việt Nam đã vươn lên đứng đầu khu vực ASEAN về công suất nguồn điện, việc cung cấp điện đã cơ bản đáp ứng nhu cầu, đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế với tốc độ cao trong nhiều thập kỷ qua.

Theo ước tính, hiện nay ngành năng lượng đóng góp khoảng 70% tổng lượng phát thải dioxit carbon toàn quốc. Vì vậy, tỷ trọng nguồn năng lượng sạch càng cao sẽ tác động rất lớn đến việc đảm bảo mục tiêu trung hoà carbon đến năm 2050 theo cam kết của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26).

Phối cảnh LNG Hải Lăng, Quảng Trị của T&T Group. 
Phối cảnh LNG Hải Lăng, Quảng Trị của T&T Group. 

Hiện tại, tỷ trọng các nguồn điện sạch (bao gồm thủy điện và các nguồn NLTT khác) trong cơ cấu nguồn điện đã đạt đến 65,6% tổng công suất đặt của hệ thống. Theo dự thảo gần đây nhất của Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn tới năm 2045 (Quy hoạch Điện VIII), dự kiến đến năm 2030 sẽ có tổng công suất điện gió là 16.100MW, điện mặt trời (gồm cả điện mặt trời mái nhà) là 16.500MW và có thể thêm khoảng 2.400MW thuộc các dự án đang triển khai đầu tư ở các mức độ khác nhau.

Về điện khí LNG, đến nay có 14 dự án nhà máy điện khí LNG đã được bổ sung Quy hoạch điện VII điều chỉnh và dự kiến trong Quy hoạch điện VIII (tổng công suất 23.900). Ngoài ra, có trên 25 dự án điện khí LNG đang được các địa phương và nhà đầu tư đề nghị xem xét đưa vào Quy hoạch điện VIII với tổng công suất trên 115.000MW.

“Việc phát triển nguồn điện gió, mặt trời và điện khí tại Việt Nam đang là xu hướng tất yếu trong cả giai đoạn ngắn hạn, trung hạn và dài hạn” - ông Phạm Nguyên Hùng khẳng định.

Khó về cơ chế chính sách

Hiện nay, Bộ Công Thương đang hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch điện VIII với một khối lượng lớn công suất nguồn năng lượng sạch, cùng vốn đầu tư khổng lồ. Tuy nhiên, việc xác định các cơ chế (kể cả cơ chế tài chính) và tổ chức thực hiện quy hoạch để khả thi khối lượng nguồn và lưới điện, đảm bảo an ninh năng lượng đang là những nội dung cần được quan tâm nhiều trong thời gian tới.

Do đó, các chuyên gia, đại biểu cho rằng, vướng mắc lớn là các khó khăn liên quan đến cơ chế chính sách, về thủ tục quy hoạch, đầu tư, về lưới điện giải tỏa công suất, về cơ chế huy động vốn, về GPMB. Kể cả việc thiếu các bộ tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan để thực hiện hóa Quy hoạch điện VIII. 

Thực tế cho thấy, trong 3 năm thực hiện cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời, với cơ chế giá cố định khuyến khích - FIT, đến 31/12/2020 hệ thống điện đã tiếp nhận khoảng 17.000MW điện mặt trời. Cũng cơ chế giá FIT tương tự, đến ngày 31/10/2021 hệ thống điện đã tiếp nhận khoảng 4.000MW điện gió được đưa vào vận hành. Các cơ chế ưu đãi khuyến khích này đã tạo thuận lợi lớn cho các nhà đầu tư khai thác tiềm năng, phát triển rất nhanh các nguồn NLTT, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng bền vững theo định hướng của Bộ Chính trị trong Nghị quyết 55/NQ-TW.

Các cơ chế giá FIT cho điện gió, điện mặt trời đã tạo động lực thúc đẩy phát triển một lượng lớn công suất điện mặt trời và điện gió, tạo tiền đề cho việc ngày càng tăng cao tỷ lệ NLTT trong cơ cấu nguồn điện của Việt Nam. Đến nay, Việt Nam là quốc gia dẫn đầu khối ASEAN về quy mô và tỷ lệ các nguồn điện gió và mặt trời, chiếm tới 27% tổng công suất nguồn điện (tín đến quý I/2022).

Phát triển điện gió là phù hợp với xu thế.
Phát triển điện gió là phù hợp với xu thế.

Tuy nhiên, điều mà các nhà đầu tư mong đợi hiện nay, với câu hỏi là: Các chính sách nào sẽ nối tiếp cơ chế FIT để quá trình phát triển NLTT được liên tục, tận dụng đà tăng trưởng, cũng như các lợi thế rõ ràng trong chuỗi cung ứng quốc tế về công nghệ, tài chính vừa qua?

Bên cạnh đó, thời gian gần đây, với xu hướng giảm dần nhiệt điện than và phát triển các nguồn năng lượng sạch hơn, nhiều địa phương đã kiến nghị không dành quỹ đất cho đầu tư điện than dù đã có trong quy hoạch điện lực quốc gia, đồng thời xuất hiện trào lưu đề nghị đầu tư nhà máy điện khí hoá lỏng (LNG) tại các địa phương.

Tuy nhiên, hiện cơ chế về huy động vốn đầu tư từ tư nhân, cơ chế tham gia thị trường điện đối với loại hình điện khí vẫn chưa rõ ràng, có thể dẫn đến những rủi ro không nhỏ cho nhà đầu tư, kể cả những lúng túng về pháp lý đối với bên mua điện và cơ quan điều hành thị trường điện.

Là doanh nghiệp đã đầu tư vào lĩnh vực NLTT, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn T&T (T&T Group) Nguyễn Thị Thanh Bình đánh giá, điện khí LNG được kỳ vọng sẽ là nguồn năng lượng giúp Việt Nam giảm đáng kể lượng phát thải carbon, sạch hơn than và rất linh hoạt trong vận hành bởi, không bị gián đoạn do yếu tố thời tiết và là loại hình năng lượng có thể chạy nền và phủ đỉnh. Đây sẽ là nguồn điện cần thiết để bổ trợ giúp cân bằng hệ thống khi các nguồn NLTT kém ổn định sẽ gia tăng mạnh công suất lắp đặt trong giai đoạn tới.

“Việc sử dụng và phát triển điện khí LNG tại Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội. Chính phủ và các bộ ngành cũng đã nhận rõ tầm quan trọng của điện khí LNG trong bối cảnh phát triển ngành điện gắn với phát triển bền vững, đảm bảo an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường” - nữ doanh nhân này nói.

Tuy nhiên, cơ hội luôn đi kèm với các thách thức, trở ngại và khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay khi giá LNG liên tục tăng cao, thậm chí rất cao sau khi xảy ra xung đột địa chính trị giữa Nga và Ucraina. Do đó, bà Thanh Bình chỉ ra, doanh nghiệp để triển khai dự án điện khí LNG, khó khăn hiện nay là về thu xếp tài chính đặc biệt khi Chính phủ tạm dừng chủ trương bảo lãnh cho các dự án nguồn điện… Thứ nữa, biến động của giá LNG hoàn toàn phụ thuộc thị trường thế giới gây khó khăn trong xác định hiệu quả dự án, ảnh hưởng lớn đến quá trình đàm phán giá điện để ký hợp đồng mua bán điện (PPA). Ngoài ra, khó khăn trong đàm phán giá bán điện...

 

Ban tổ chức cho biết sẽ phối hợp các đơn vị quản lý chức năng Bộ Công Thương tổng hợp đầy đủ các tham luận, phản biện, kiến nghị tại Hội thảo để đề xuất tới Chính phủ, các bộ, ngành liên quan xem xét, sớm ban hành các quy định phù hợp.

Qua đó, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn cho các nhà đầu tư, nhà sản xuất cung cấp thiết bị, cũng như tổ chức tín dụng Việt Nam và quốc tế, tạo điều kiện cho các dự án năng lượng nói chung, năng lượng tái tạo nói riêng phát triển bền vững theo định hướng Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị.