Gỡ khó cho xuất khẩu gỗ, dệt may và da giày

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gỗ, dệt may và da giày là 3 ngành có trị gia xuất khẩu hàng tỷ USD nhưng đang gặp khó khăn, với mức sụt giảm nhiều nhất của doanh nghiệp Việt. Nhiều giải pháp gỡ khó cho ngành hàng này đã được đề cập.

Với chủ đề “Chuyển hướng kết nối, khai thác thị trường đầu ra cho ngành đồ gỗ, dệt may và da giày”, Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức "Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 7/2023” chiều 31/7, tại Hà Nội.

Toàn cảnh sự kiện. Ảnh: Khắc Kiên
Toàn cảnh sự kiện. Ảnh: Khắc Kiên

Xuất khẩu nhiều ngành hàng sụt giảm mạnh

Theo Bộ Công Thương, 7 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu ngành hàng như dệt may, da giày, đồ gỗ, có mức sụt giảm nhiều nhất. Cụ thể, 6 tháng đầu năm xuất khẩu hàng dệt và may mặc giảm 15,3%, giầy, dép các loại giảm 15,2%, sản phẩm gỗ giảm 33,1%.

Hiện, nhiều thị trường lớn, tiềm năng của xuất khẩu gỗ, dệt may, da giày như EU, Mỹ, Canada cũng đang có những thay đổi về chính sách thương mại, quy định về hàng hoá nhập khẩu tiếp tục sẽ là trở ngại lớn đối với hoạt động xuất khẩu các mặt hàng này.

Ngành dệt may là trong 3 ngành đang sụt giảm đơn hàng xuất khẩu. Ảnh: Khắc Kiên
Ngành dệt may là trong 3 ngành đang sụt giảm đơn hàng xuất khẩu. Ảnh: Khắc Kiên

Nhận diện các thách thức trước mắt, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam Ngô Sỹ Hoài chia sẻ, để lấy lại tăng trưởng xuất khẩu cho ngành hàng, trong đó có sản phẩm gỗ cần sự hỗ trợ của Bộ Công Thương, thương vụ tiếp thị sản phẩm gỗ của Việt Nam tìm kiếm thị trường, truyền tải thông điệp mạnh mẽ Việt Nam thực hiện mạnh mẽ cam kết cung cấp sản phẩm gỗ hợp pháp; chuẩn bị thực hiện nghiêm chỉnh quy định không gây mất rừng của EU.

Còn theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam Trương Văn Cẩm cho hay, chúng ta đang đứng trong môi trường biến động khó lường. Hiện ngành dệt may Việt Nam 85% là hoạt động xuất khẩu vì vậy trước biến động khó lường của thị trường nên ngành rất cần sự hỗ trợ của bộ ngành, cơ quan thương vụ để ứng phó kịp thời, hiệu quả.

Tổng Thư ký Hiệp hội Da giầy, túi xách Việt Nam Phan Thanh Xuân cho rằng, ngành hàng cũng không nằm ngoại lệ, do đó, cơ hội xúc tiến thương mại từ các thị trường khác là giải pháp tốt nhất để bù đắp đơn hàng. Rất cần sự hỗ trợ của Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài. Hiện Hiệp hội đang tập hợp danh sách các doanh nghiệp đang tham gia xuất khẩu của Việt Nam để gửi cho các Thương vụ giới thiệu, kết nối thông tin cần được thúc đẩy mạnh mẽ hơn. Hiệp hội sẽ chuẩn bị danh mục doanh nghiệp cần kết nối.

Đồng hành cùng doanh nghiệp

Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU Trần Ngọc Quân, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Canada Trần Thu Quỳnh... đã thông tin về những quy định, tiềm năng các thị trường... cũng như tận dụng được các ưu thế, đáp ứng quy tắc xuất xứ là rất quan trọng. Đồng thời, các thương vụ Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tham gia các hội chợ triển lãm, tìm kiếm cơ hội kết nối giao thương, mở rộng cơ hội xuất khẩu.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải. Ảnh: Khắc Kiên
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải. Ảnh: Khắc Kiên

Trước những ý kiến, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, thười gian qua, Bộ đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nhằm hỗ trợ sản xuất, kinh doanh trong nước, đa dạng hóa nguồn cung, đối tác, tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, tiếp tục giữ vững, củng cố vị thế tại các thị trường đã có các Hiệp định thương mại tự do, phối hợp với các bộ, ngành liên quan hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với các rào cản thương mại, các biện pháp phòng vệ thương mại.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua thách thức, tận dụng được những cơ hội hiếm hoi, Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cần tiếp tục đi sâu, nghiên cứu, nắm vững nhu cầu, thị hiếu, yêu cầu của thị trường, đánh giá chính sách nước sở tại, từ đó kịp thời tham mưu cho Bộ về chiến lược phát triển thị trường, kết nối giao thương.

Đồng thời, Thương vụ phối hợp cùng Cục Xuất nhập khẩu chú trọng nghiên cứu, phân tích chính sách, kịp thời đề xuất, khuyến nghị các giải pháp tháo gỡ vướng mắc về rào cản kỹ thuật, phi thuế quan cho hàng khóa xuất khẩu. Phối hợp với các đơn vị có liên quan kịp thời hướng dẫn, định hướng thị trường, mặt hàng xuất, nhập khẩu, nhất là ở các thị trường trọng điểm, tạo điều kiện cho địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh cho phù hợp; phối hợp với các cơ quan liên quan, có hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia và chuỗi cung ứng toàn cầu.

Cục Xúc tiến thương mại tăng cường phối hợp với các vụ thị trường ngoài nước, các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài thường xuyên cập nhật, kịp thời cung cấp thông tin và dự báo xu hướng thị trường; đồng thời, tổ chức có hiệu quả công tác tư vấn, xúc tiến thương mại cho các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hoạt động xúc tiến thương mại hiệu quả.

Với các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đề nghị: Chủ động hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp trong xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh, xúc tiến thương mại phù hợp với nhu cầu và năng lực của mỗi đơn vị, chủ động chuyển đổi sản xuất, kinh doanh phù hợp với xu hướng thị trường đặc biệt chuyển đổi xuất khẩu xanh, bền vững; tập trung cung cấp thông tin về hoạt động của doanh nghiệp, trao đổi kịp thời với các đơn vị thuộc Bộ và các bộ ngành liên quan, các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để phối hợp thực hiện có hiệu quả.

“Các doanh nghiệp cần tuân thủ nghiêm túc, đầy đủ các quy định, chính sách của Nhà nước, hướng dẫn của các bộ, ngành trong tổ chức sản xuất kinh doanh và hoạt động xuất nhập khẩu, bảo đảm truy xuất nguồn gốc và các quy trình, quy định, yêu cầu, điều kiện của các thị trường ngoài nước” – Thứ trưởng chỉ ra.