Gỡ khó để doanh nghiệp phát triển

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các chuyên gia đề nghị phải tập trung vào cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, công vụ.

“Nhiều DN lớn đã phải bán hết tài sản, những gì có thể bán được đã bán, chỉ bằng 50% giá thực và người mua là DN nước ngoài. Đây là câu chuyện thâu tóm chúng tôi đã cảnh báo nhiều lần”, đó là thông tin Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh cuối phiên thảo luận về kinh tế, xã hội của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 9/5. Dù vẫn còn tranh luận xung quanh phát biểu của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, tuy nhiên, những khó khăn của DN hiện nay là thông tin không thể phủ nhận.

Mới đây, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cũng nêu thực tế, hiện nay đơn hàng thiếu, nhu cầu yếu, dẫn đến các DN đang phải cắt giảm lao động, cắt giảm giờ làm. Theo báo cáo của VCCI, tình hình này sẽ còn tiếp tục trong một số thời gian sắp tới nếu không có giải pháp kịp thời để xử lý.

Cử tri, người dân, DN cũng đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Nhiều DN phản ánh, họ đang phải vay với lãi suất từ 13% - 14% một năm, trước đó ở mức 14%, 15%. Bên cạnh đó, thủ tục hành chính, điều kiện cho vay cũng rất phức tạp.

Môi trường đầu tư, kinh doanh và các thủ tục hành chính hiện cũng tồn tại rất nhiều hạn chế. “Ví dụ, có vấn đề trước đây đa số đồng thuận là giải quyết, xử lý, nhưng bây giờ chỉ cần một ngành không đồng ý là lại quay trở lại xin ý kiến và quy trình, thủ tục này mất nhiều thời gian và chi phí tuân thủ tăng cao” - ông Thanh nêu vấn đề.

Mặt khác, ông Thanh cũng cho rằng, có một số quy định mới “rất vô lý”, DN không thể nào thực hiện được, chi phí tuân thủ tăng lên rất cao.

Thực tế 2 năm Covid-19, sức khỏe DN đã bị bào mòn, suy giảm rất nhiều. DN khó chồng khó. Thống kê cho thấy, gần 20.000 DN rút lui khỏi thị trường bình quân mỗi tháng, tăng gấp đôi so với giai đoạn trước. Đến gần cuối tháng 4, tín dụng toàn nền kinh tế chỉ tăng 2,66%, tức chỉ bằng nửa so với cùng kỳ các năm trước.

Các thị trường bắt đầu xuất hiện tình trạng rất khó khăn, từ thị trường tài chính, tiền tệ, thị trường bất động sản. Nền kinh tế không có thanh khoản được, đầu tư công khó giải ngân, không đặt mục tiêu đề ra, lạm phát thấp, lãi suất cao… là những nghịch lý mà nền kinh tế đang phải đối mặt.

Với những khó khăn về lãi suất, tiếp cận vốn, về thủ tục hành chính, môi trường đầu tư được cử tri phản ánh ở trên, cần thiết phải tiếp tục có các động thái tháo gỡ, vướng mắc cho DN, nuôi dưỡng nguồn thu để nền kinh tế có thể phát triển.

Các chuyên gia đề nghị phải tập trung vào cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, công vụ.

“Chúng ta đã đấu tranh suốt mấy năm nay, thể chế đã cải thiện, cải tiến rất nhiều để giảm các điều kiện kinh doanh và các loại kinh doanh có điều kiện, nhưng bây giờ, thông qua các văn bản của các bộ, ngành, các địa phương đã phát sinh ra hàng ngàn thủ tục mới. Chúng tôi đã giao Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư là đơn vị chuyên theo dõi vấn đề này đang tổng rà soát lại xem các văn bản của các bộ, ngành cái nào trái quy định, cái nào đi ngược với các quy định của luật pháp, hạn chế quyền của người dân và DN. Đây là một vấn đề rất lớn hiện nay, nó làm cản trở và làm ách tắc tất cả các hoạt động của nền kinh tế hiện nay” - Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết.