Gỡ khó vốn vay để cơ giới hóa nông nghiệp

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Cơ giới hóa (CGH) là bước đi tất yếu để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Mới đây, UBND TP đã phê duyệt Đề án phát triển CGH nông nghiệp TP Hà Nội đến năm 2016, định hướng đến năm 2020 với nguồn kinh phí hơn 1.100 tỷ đồng.

Để đẩy nhanh việc ứng dụng CGH vào sản xuất, cần có biện pháp tháo gỡ thủ tục vay vốn cho người nông dân.
 
Lợi ích đã rõ

Xã Tân Hưng, huyện Sóc Sơn vừa hoàn thành gieo cấy vụ mùa 2013 với diện tích ứng dụng mạ khay máy cấy đạt 25ha, tăng 20ha so với vụ xuân. Ông Nguyễn Văn Thu - Chủ tịch UBND xã Tân Hưng cho biết, sở dĩ diện tích ứng dụng mạ khay máy cấy tăng nhanh là nhờ hiệu quả của việc thực hiện ứng dụng mạ khay máy cấy. Cụ thể, vụ xuân 2013, xã triển khai thí điểm 5ha cấy lúa bằng máy, chi phí cấy chỉ 100.000 đồng/sào, thấp hơn thuê cấy tay 50.000 đồng/sào nhưng năng suất lúa đạt 58 tạ/ha, cao hơn 10  - 15% so với phương pháp cấy truyền thống.

Gỡ khó vốn vay để cơ giới hóa nông nghiệp - Ảnh 1

Ứng dụng mạ khay, máy cấy tại xã Tân Hưng, huyện Sóc Sơn. Ảnh: Quang Thiện

Tại huyện Thanh Oai, vụ mùa 2013, Trạm Khuyến nông huyện tiếp tục nhân rộng mô hình mạ khay máy cấy tại xã Liên Châu với diện tích 6ha. Ngoài ra, trên địa bàn huyện đã hình thành một số mô hình dịch vụ CGH trong khâu làm đất tại xã Mỹ Hưng, Liên Châu, Hồng Dương và gặt đập liên hợp tại xã Thanh Văn, Đỗ Động… Theo ông Mai Văn Tiến, cán bộ Phòng Kinh tế huyện Thanh Oai, việc ứng dụng CGH giúp rút ngắn thời vụ và giảm chi phí sản xuất rõ rệt. Cụ thể, công làm đất chỉ từ 45.000 - 50.000 đồng/sào, công gặt đập liên hợp là 160.000 đồng/sào, thấp hơn 40.000 - 50.000 đồng so với thuê lao động thủ công.

Mặc dù mang lại lợi ích rõ rệt, song hiện nay, tỷ lệ ứng dụng CGH trong sản xuất nông nghiệp của Hà Nội vẫn còn khá khiêm tốn. Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, tỷ lệ CGH trong khâu làm đất của Hà Nội mới đạt 69,2% (bình quân cả nước là 89,5%), gieo cấy đạt 7,1% (cả nước là 25%), gặt đập đạt 7,8% (cả nước là 20%)... Trong chăn nuôi, tỷ lệ CGH trong khâu vắt sữa bò mới đạt 16,5%, hệ thống làm mát chuồng trại lợn chỉ đạt 2,6%, cho ăn uống tự động 11,8%...

Để vốn đến tay nông dân

Theo mục tiêu đề ra, đến năm 2016, tỷ lệ CGH trong khâu làm đất của Hà Nội đạt 90%, gieo cấy đạt 20%, gặt đập 30%, phun thuốc trừ sâu đạt 40%, vắt sữa bò đạt 50%, quạt nước thủy sản 15%...

Với mục tiêu đẩy nhanh ứng dụng CGH trong sản xuất nông nghiệp gắn với các vùng sản xuất hàng hóa, tập trung, đầu tháng 7/2013, UBND TP đã phê duyệt Đề án phát triển CGH nông nghiệp TP Hà Nội đến năm 2016, định hướng đến năm 2020. Theo đó, việc thực hiện CGH sẽ được triển khai tại 21 quận, huyện, thị xã có sản xuất nông nghiệp, tập trung chủ yếu vào các khâu chính, tốn nhiều thời gian, sức lao động như làm đất, cấy, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch, làm mát chuồng trại, cho ăn uống tự động, sục khí và xử lý môi trường.

Ông Ngô Đại Ngọc - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, trong năm 2013, TP dành kinh phí 13,1 tỷ đồng để xây dựng các mô hình thí điểm CGH nông nghiệp. Trong đó có 50 điểm mô hình trồng trọt với tổng số 100 máy làm đất, cấy, phun thuốc, gặt đập; 36 mô hình chăn nuôi với 36 hệ thống làm mát chuồng trại và cho ăn uống tự động.

Theo đề án CGH được phê duyệt, TP sẽ hỗ trợ bằng lãi suất cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân vay vốn mua máy móc. Tuy nhiên, theo phản hồi từ nhiều địa phương, cách thức hỗ trợ này rất khó đến tay người nông dân. Ông Hoàng Chí Lượng - Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất chia sẻ, hiện nay, các ngân hàng yêu cầu quá nhiều thủ tục, điều kiện nên người dân khó tiếp cận được nguồn vốn vay. Do đó, TP cần tập trung tháo gỡ vấn đề này để tạo điều kiện thuận lợi cho người nông dân cũng như các HTX đẩy mạnh ứng dụng CGH vào sản xuất.

Nhiều ý kiến cũng đề nghị, TP nên hỗ trợ mua máy móc CGH trực tiếp cho nông dân thông qua Quỹ Khuyến nông hay mô hình Quỹ Hỗ trợ vay vốn tại các huyện, thị xã. Cùng với đó, cần thành lập các HTX, tổ dịch vụ tại các địa phương để chương trình CGH mang lại hiệu quả thiết thực, đồng bộ, đảm bảo người nông dân được hưởng lợi.