Ngày 18/9/2024, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 68/2024/TT-BTC bổ sung và sửa đổi một số quy định quan trọng liên quan đến giao dịch và thanh toán chứng khoán. Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 2/11/2024 nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức, đồng thời tăng cường sự minh bạch và an toàn trong quá trình giao dịch chứng khoán.
Một trong những điểm nổi bật của Thông tư 68 là cho phép NĐTTCNN thực hiện giao dịch mua cổ phiếu mà không cần phải có đủ tiền ngay khi đặt lệnh, với điều kiện các công ty chứng khoán (CTCK) đánh giá được rủi ro thanh toán của nhà đầu tư và đưa ra các thỏa thuận thanh toán thích hợp. CTCK sẽ phải chịu trách nhiệm thanh toán nếu NĐTTCNN không đủ tiền để thực hiện giao dịch, theo khoản 2 Điều 9a.
Ngoài ra, Thông tư cũng bổ sung quy định về việc chuyển quyền sở hữu cổ phiếu ngoài hệ thống giao dịch chứng khoán, nếu NĐTTCNN không thực hiện mua lại cổ phiếu trong thời gian quy định. Điều này nhằm bảo đảm tính minh bạch và tránh tình trạng nhà đầu tư lợi dụng lỗ hổng pháp lý để thao túng thị trường.
Thông tư bổ sung về quy định thanh toán giao dịch mua cổ phiếu của nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức. Quy định này nhằm bảo đảm rằng NĐTTCNN phải có đủ tiền trên tài khoản trước khi giao dịch được hoàn tất. Trong trường hợp nhà đầu tư thiếu tiền thanh toán, VSDC (Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam) sẽ chuyển nghĩa vụ thanh toán của NĐTTCNN sang CTCK. Điều này tạo ra một lớp bảo vệ cho thị trường khỏi các rủi ro từ việc không thanh toán đầy đủ.
Nếu CTCK không đáp ứng các nghĩa vụ thanh toán, họ sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật và VSDC. Điều này nhằm bảo đảm tính công bằng và sự an toàn trong toàn bộ hệ thống thanh toán chứng khoán.
Một trong những thay đổi đáng chú ý nữa là yêu cầu các công ty đại chúng lớn và tổ chức niêm yết phải công bố thông tin bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh từ năm 2025. Cụ thể, từ ngày 1/1/2025, các tổ chức niêm yết lớn sẽ phải công bố thông tin định kỳ bằng cả hai ngôn ngữ.
Các giải pháp hỗ trợ thanh toán với NĐTTCNN, trong đó quy định tháo gỡ vấn đề prefunding (ký quỹ trước giao dịch) thông qua giải pháp cho phép các công ty chứng khoán thực hiện hỗ trợ thanh toán đối với các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài.
Thông tư này được đánh giá là một bước tiến gần hơn để thị trường chứng khoán Việt Nam đáp ứng các yêu cầu nâng hạng lên thị trường mới nổi của FTSE Russell. Với việc nâng hạng lên thị trường mới nổi, theo ước tính của SSI Research, dòng vốn từ các quỹ ETF (quỹ đầu tư mô phỏng theo biến động của chỉ số chứng khoán hoặc trái phiếu) có thể lên đến 1,7 tỷ USD, chưa tính đến dòng vốn từ các quỹ chủ động. FTSE Russell ước tính tổng tài sản từ các quỹ chủ động gấp 5 lần so với các quỹ ETF.
Đối với việc công bố thông tin bằng tiếng Anh, lộ trình từ năm 2026, yêu cầu công bố thông tin bằng tiếng Anh được mở rộng cho tất cả các thông tin bất thường và theo yêu cầu của cơ quan quản lý.
Tất cả các công ty đại chúng khác sẽ áp dụng quy định này từ năm 2027 và 2028, tùy vào quy mô và loại hình công ty. Điều này sẽ giúp nâng cao tính minh bạch, đồng thời hỗ trợ nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận thông tin một cách thuận tiện hơn. Mặt khác, quy định này cũng giải quyết vướng mắc từ phía MSCI trong tiêu chí về quy định thị trường và luồng thông tin.
Theo World Bank ước tính mới đây, nếu được MSCI và FTSE Russell nâng cấp thành thị trường mới nổi, nghĩa là dòng vốn ròng 5 tỷ đô la Mỹ sẽ đổ vào thị trường cổ phiếu Việt Nam, do danh mục của thị trường mới nổi toàn cầu được tái phân bổ sang Việt Nam sau khi được nâng cấp. Dòng tiền đổ vào có thể lên đến 25 tỷ đô la Mỹ vào năm 2030 nếu những cải cách mạnh mẽ tiếp tục diễn ra và môi trường đầu tư toàn cầu vẫn lành mạnh.