Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gỡ nút thắt trong đầu tư hạ tầng giao thông TP Hồ Chí Minh

TS Phan Văn Thường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt, các vùng động lực, cực tăng trưởng, các dự án lớn, dự án quan trọng, kết nối liên vùng… Kiên quyết khắc phục đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả… Đó là các quan điểm chỉ đạo tại Chỉ thị 13/CT-TTg ban hành ngày 23/5/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Với TP Hồ Chí Minh một trong những đầu tàu kinh tế của cả nước, để giữ vững vị trí trong đóng góp tăng trưởng kinh tế và ngân sách Nhà nước thì bứt tốc đầu tư hạ tầng giao thông là một trong ba đột phá.
Bài 1: Bài toán nào cho vốn đầu tư hạ tầng giao thông
Thực tế thời gian gần đây phát triển của TP Hồ Chí Minh có tốc độ chậm lại do một số nguyên nhân khác nhau cả khách quan và nội tại, nhưng hạ tầng giao thông được ví như chiếc áo quá chật so với cơ thể phát triển là một nguyên nhân đáng lưu ý.

Vốn đầu tư không nhiều tham vọng

Chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông giai đoạn 2016 - 2020 của TP Hồ Chí Minh với mục tiêu cụ thể đến năm 2020 làm mới 272km đường bộ, xây 76 cây cầu là một điển hình tham vọng. Theo Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh trong 172 dự án đầu tư giao thông thực hiện chương trình sau 5 năm đã có 78 dự án khởi công, 39 dự án đã hoàn thành, chỉ đạt gần 22,7% mục tiêu. Đa số dự án chưa khởi công hoặc khởi công nhưng dở dang là do vướng mặt bằng và thiếu vốn đầu tư. Tổng kết cả giai đoạn vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông chỉ hơn 50.000 tỷ đồng, bình quân 10.000 tỷ đồng/năm.
 Tuyến metro số 1 từ Thủ Đức nhìn về hướng trung tâm TP Hồ Chí Minh thường xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông.
Điều đó cho thấy việc thực hiện chương trình giảm ùn tắc giao thông giai đoạn 2016 - 2020 của TP Hồ Chí Minh đạt kết quả rất thấp nếu không muốn nói là thất bại.Thế nhưng gần đây TP Hồ Chí Minh lại xây dựng và quyết định đề án: “Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2020 - 2030”. Mục tiêu của đề án cũng đầy tham vọng như làm 639km đường bộ, 78 dự án cầu, 18 nút giao thông, 32 dự án giao thông tĩnh, 211,9km đường sắt đô thị và một số dự án khác. Theo tính toán của Sở Giao thông Vận tải TP thì tổng mức vốn đầu tư thực hiện đề án này dự kiến 970.654 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2021 - 2025 cần 553.515 tỷ đồng, bình quân gần 111.000 tỷ đồng/năm. Vậy nguồn vốn khổng lồ này TP Hồ Chí Minh huy động ở đâu hay vẽ ra cho đẹp đề án?

Do vẽ ra chương trình, đề án, dự án đầu tư quá nhiều nên TP Hồ Chí Minh luôn luôn trong tình trạng khủng hoảng nguồn vốn đầu tư hạ tầng. TP Hồ Chí Minh mong sự hỗ trợ cao từ Trung ương. Chẳng hạn dự án Vành đai 3 cố gắng lắm TP chỉ kham nổi vốn GPMB phần đi qua địa bàn, còn dự án Vành đai 4, dự án cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài, dự án cao tốc TP Hồ Chí Minh - Chơn Thành (Bình Phước) thì đòi hỏi Chính phủ phải rót vốn mới triển khai được. Điều đáng lưu ý ở đây, trong khi khủng hoảng vốn đầu tư nhưng có một số nguồn thu rất lớn TP Hồ Chí Minh chưa khai thác được. Đó là nguồn thu từ chuyển mục đích sử dụng đất lúa từ 10ha trở lên và toàn bộ thu từ cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại các tổ chức kinh tế do UBND TP Hồ Chí Minh làm đại diện sở hữu, vốn phát hành trái phiếu chính quyền địa phương theo Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội “về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh”.

Bên cạnh “nóng” trong đầu tư giao thông, thực tế TP Hồ Chí Minh còn “nóng” trong đầu tư chống ngập, triều cường, bệnh viện, môi trường và nhiều vấn đề khác. Cho nên tham vọng bứt tốc đầu tư giao thông theo cách “Thánh Gióng phi đao tiêu diệt giặc Ân” là không thực tế.

Trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả đầu tư là hàng đầu

Thời gian qua TP Hồ Chí Minh đặt nhiều kỳ vọng vào thu hút vốn đầu tư tư nhân vào hạ tầng giao thông theo phương thức PPP. Sau khi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư ban hành, hiện TP Hồ Chí Minh đang đứt gánh hàng loạt dự án giao thông hình thức BT, nhiều dự án BOT đã đề xuất cũng gần như tắt lịm. TP Hồ Chí Minh không nên kỳ vọng thái quá vào khu vực này, nhất là các dự án đường trên cao rất tốn kém, có triển khai được thì chính quyền cũng phải hy sinh vốn đầu tư công góp 50% tổng mức đầu tư của dự án theo luật Hợp Tác công tư (PPP). Mới đây, báo chí đưa tin 2 dự án đường trên cao của TP Hồ Chí Minh đã có đề xuất chủ đầu tư hình thức BOT, vốn đầu tư của 2 dự án này khoảng 45.500 tỷ đồng. Nghĩa là ngân sách TP phải chi ra khoảng 22.750 tỷ đồng, chiếm hơn 84% vốn đầu tư mà Sở Giao thông TP đề xuất đầu tư 15 dự án giao thông cấp bách bắt đầu từ năm 2021.

Không được đầu tư dàn trải như chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, mà bài toán vốn đầu tư giao thông TP Hồ Chí Minh bắt buộc phải phân bổ chủ động theo cấu trúc hợp lý, tuần tự công việc, thời gian và liều lượng:

Thứ nhất, ưu tiên phân bổ vốn cho đền bù GPMB hàng chục dự án đang dở dang hiện nay do vướng mặt bằng và các dự án đã có quyết định đầu tư nhưng chưa thể thi công do vướng mặt bằng. Theo tiến độ GPMB đến đâu nên bố trí vốn lập tức để đẩy nhanh thời gian hoàn thành dứt điểm từng dự án. Không thể xếp hàng ngang trong bố trí vốn đầu tư mà dự án nào có cơ hội đẩy nhanh tiến độ phải ưu tiên vốn ngay vào đó.

Thứ hai, giai đoạn 2021 - 2025 TP Hồ Chí Minh cần tập trung vốn đầu tư triển khai và hoàn thành dứt điểm các dự án trọng điểm, có tính cấp bách. Đó là các dự án khép kín đường Vành đai 2; các dự án giải quyết ùn tắc giao thông cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất và đường vào cảng Cát Lái; các dự án đường Bắc - Nam; các dự án kết nối cửa ngõ như dự án mở rộng Quốc lộ 13 kết nối tỉnh Bình Dương, dự án mở rộng Quốc lộ 50 và đường Lê Văn Lương (Nhà Bè) kết nối tỉnh Tiền Giang. Cùng với đó, TP phải bố trí vốn kịp thời hoàn thành dứt điểm GPMB và sẵn sàng vốn đối ứng cho dự án đường sắt trên cao số 2.

Thứ ba, trong hơn 90 dự án thuộc chương trình chống ùn tắc giao thông nói trên chưa triển khai vì thiếu vốn, TP nên chọn ra một số dự án quy mô vốn nhỏ và thực sự cấp bách để bố trí vốn đầu tư công trung hạn, như dự án nút giao thông Huỳnh Tấn Phát - Lê Trọng Lư (Quận 7) chẳng hạn. Cùng với đó, TP cũng cần “bấu” ra một lượng vốn tối thiểu đầu tư cuốn chiếu giải quyết căn cơ các điểm nóng về ngập nước như đường Tô Ngọc Vân (Thủ Đức), Phạm Hữu Lầu (Quận 7), Nguyễn Bình (Nhà Bè),… Các dự án nâng đường chống ngập thường có tổng mức đầu tư thấp, chẳng hạn hoàn thành dự án đầu tư làm lại cống thoát nước và nâng 6km đường Huỳnh Tấn Phát (Quận 7) chỉ mức 250 tỷ đồng.

Để thực hiện tham vọng trong đầu tư hạ tầng giao thông rõ ràng TP Hồ Chí Minh phải giải được bài toán về huy động lẫn sử dụng vốn đầu tư. Không thể nhìn vào chiếc “bánh” ngân sách hữu hạn hiện tại và TP Hồ Chí Minh cũng không thể cầu cứu được nhiều từ Trung ương. Cái khó ló cái khôn, tại sao đến nay TP Hồ Chí Minh vẫn chưa khai thác cơ chế đặc thù từ Nghị quyết số 54/2017/QH14?

Theo tính toán nếu từ năm 2022 được tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách từ mức hiện nay là 18% lên mức 23% thì TP Hồ Chí Minh sẽ tăng nguồn thu hơn 10.000 tỷ đồng/ năm. Giả sử HĐND TP quyết định phân bổ 100% nguồn vốn tăng thêm đó cho dự án đầu tư giao thông thì cũng không thể thực hiện được tham vọng đề án đưa ra. Đối với vốn đầu tư công trung hạn của TP Hồ Chí Minh hiện tại chỉ khoảng 40.000 tỷ/năm, trong đó dự án đầu tư giao thông chỉ chiếm khoảng 25%.

(Còn nữa)