Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gỡ nút thắt tuyển dụng người tài

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một trong những nội dung được quan tâm trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức là chính sách đối với người có tài năng. Đây được xem là một trong những giải pháp tháo gỡ nút thắt về thu hút nhân tài vào bộ máy Nhà nước.

Rõ khái niệm “người tài năng”
Hiện các Luật hiện hành cũng đã có quy định về chính sách đối với người có tài năng. Thực tiễn thời gian qua, một số nghị định của Chính phủ quy định chi tiết về vấn đề này đã phát huy những hiệu quả nhất định. Tại nhiều địa phương như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… đã triển khai thực hiện chính sách thu hút nhân tài. Tuy nhiên, việc tìm kiếm nhân tài vẫn gặp khó do cơ chế chính sách chưa đủ sức hút đối với người tài.
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, Dự Luật lần này đã bổ sung quy định chính sách đối với người có tài năng theo hướng giao Chính phủ quy định khung cơ chế, chính sách thu hút và chế độ đãi ngộ đối với người có tài năng. Trên cơ sở quy định khung của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương quy định cụ thể phù hợp với ngành, lĩnh vực, địa phương mình.
Cán bộ UBND quận Hoàn Kiếm hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính. Ảnh: Công Hùng
Đề xuất này nhận được sự đồng tình bởi các lĩnh vực, ngành nghề rất rộng, có những đặc thù riêng nên việc quy định cụ thể hết các nội dung trong Luật là không khả thi. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề xuất cần bổ sung khái niệm “người có tài năng” trong Luật để thống nhất cách hiểu.
Như Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga nhận định, để có chính sách thỏa đáng đối với người có tài năng, Chính phủ phải căn cứ vào thực tiễn thi hành chính sách này thời gian qua, có định lượng để xác định được người có tài năng là thế nào, ít nhất cũng phải có khái niệm cơ bản, định nghĩa khái quát để tránh gây tranh cãi.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cũng cho rằng, cần phân biệt người có tài năng, nhân tài, người giỏi. Bởi người có tài năng, người giỏi chưa chắc trở thành nhân tài. Luật này chỉ có chính sách với người có tài năng mà không có chính sách đối với nhân tài là thiếu, vì đội ngũ cán bộ công chức, viên chức có cả người tài năng, người giỏi và cả nhân tài. Do đó, nên có chính sách bao hàm đầy đủ, đồng nhất với chính sách chung là trọng dụng nhân tài, bồi dưỡng nhân tài.
Đánh giá đúng năng lực
Việc định ra cơ chế đặc biệt chọn người tài, nhất là công tác thi tuyển cũng là vấn đề được nhấn mạnh. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển chỉ ra thực trạng người có tài không muốn làm công chức, viên chức vì lương thấp.
“Có trường hợp về làm để nuôi một hoài bão, ước mơ gì đó, còn để sống thì người ta lại làm việc khác. Do đó, rất cần có chính sách để thu hút nhân tài là công chức, viên chức” - Phó Chủ tịch Quốc hội đề xuất. Đồng thời cho rằng, trong đội ngũ cán bộ, công chức có nhiều người tài thì chúng ta có thể phát hiện, đào tạo, nâng cao trình độ để những người này làm việc có chất lượng, hiệu quả hơn.
Ở góc độ khác, một câu hỏi cũng được đặt ra là tại sao các cơ quan ngoài Nhà nước, các DN tư nhân có thể thu hút được nhiều người giỏi, nhiều nhân tài còn cơ quan Nhà nước lại ngày càng “chảy máu chất xám”? Lý giải điều này, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải chỉ ra, bởi “cơ chế, chính sách của họ không bao giờ có chuyện người này làm kém mà lương lại cao, người kia làm giỏi mà lương lại thấp. Tất cả được đánh giá đúng trên vị trí, năng lực, sự đóng góp thực tế.
Trên cơ sở đó, các ý kiến đề nghị, để cơ quan Nhà nước thu hút được người tài, Dự Luật phải “cởi trói” mạnh mẽ hơn nữa cho người đứng đầu trong công tác tuyển dụng, sử dụng và đánh giá cán bộ. Đặc biệt, không cào bằng trong chế độ, chính sách, để cán bộ giỏi, dành hết tâm sức cho công việc phải được hưởng chế độ chính sách khác so với một bộ phận “sáng cắp ô đi, tối cắp về”.
Đồng thời, chính sách đối với người tài năng cần giải quyết theo định hướng cơ chế thị trường, đặc biệt với các đơn vị sự nghiệp công lập đã chuyển sang tự chủ tài chính, nhằm tạo điều kiện để các đơn vị được quyền quyết định cơ chế thu hút nhân tài dựa trên hoạt động của mình.