Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gỡ rào cản để doanh nghiệp tư nhân thêm sức khoẻ

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gỡ rào cản, sự phân biệt… để doanh nghiệp tư nhân trong nước phát triển, Việt Nam cần có chính sách khuyến khích và tạo phong trào xây dựng được các khu vực hàng dựa vào lợi thế, giúp doanh nghiệp vươn tầm hoạt động.

Đó là nhận định của các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp, nhà khoa học trong và ngoài nước tại hội thảo về “Đánh giá 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam (VPE500)” do Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia (NCIF) - Bộ KH&ĐT (MPI) phối hợp với Viện KonradAdenauer-Stiftung (KAS - CHLB Đức tại Việt Nam) đồng tổ chức.

Các diễn giả giải đáp các câu hỏi tại sự kiện. Ảnh: Hoàng Anh
Các diễn giả giải đáp các câu hỏi tại sự kiện. Ảnh: Hoàng Anh

Trụ cột của nền kinh tế

Theo TS Lương Văn Khôi - Phó Giám đốc NCIF, khu vực kinh tế tư nhân (KTTN) đang ngày càng quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Năm 2018, khu vực này chiếm 97% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động, đóng góp hơn 40% GDP, 38% ngân sách Nhà nước và tạo việc làm cho 80% lao động. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm, giai đoạn 2021 - 2030 nêu rõ “phát triển nhanh, hài hòa các khu vực kinh tế và các loại hình doanh nghiệp; phát triển KTTN thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế''.

Trong đại dịch Covid-19, vai trò và vị thế của khu vực KTTN tiếp tục được khẳng định, tạo nền tảng quan trọng, là “lực kéo” của nền kinh tế.

TS Lương Văn Khôi - Phó Giám đốc NCIF chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: Hoàng Anh
TS Lương Văn Khôi - Phó Giám đốc NCIF chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: Hoàng Anh

Thực tế cho thấy, mặc dù đã được khẳng định là khu vực kinh tế quan trọng, các doanh nghiệp tư nhân trong nước vẫn gặp nhiều khó khăn do quy mô nhỏ, tích lũy ít, nền tảng năng suất, khoa học công nghệ cũng như môi trường kinh doanh chưa hoàn thiện. Số lượng doanh nghiệp tham gia thị trường tăng nhanh nhưng tổng quy mô tăng không tương ứng. 

“Ngay trong nội bộ khu vực doanh nghiệp tư nhân, thị phần tập trung vào một số doanh nghiệp quy mô lớn, còn lại hầu hết là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Vì vậy, phát triển khu vực KTTN thời gian tới không chỉ là tăng nhanh số lượng doanh nghiệp, mà phải xây dựng được đội ngũ doanh nghiệp tư nhân lớn, hùng mạnh, đủ năng lực cạnh tranh để vươn ra bên ngoài” - TS Lương Văn Khôi thông tin.

Đánh giá vai trò của doanh nghiệp tư nhân đối với nền kinh tế, Trưởng đại diện Viện KAS Việt Nam Florian Constantin Feyerabend cho rằng, khu vực KTTN Việt Nam được công nhận từ những năm 1990. Với 97% doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam, khu vực tư nhân tuyển dụng 60% lao động đang làm việc và tạo ra khoảng 67% doanh thu của toàn bộ doanh nghiệp.

Công nhân trên dây chuyền sản xuất linh kiện của Công ty Cơ khí chính xác. Ảnh: Khắc Kiên
Công nhân trên dây chuyền sản xuất linh kiện của Công ty Cơ khí chính xác. Ảnh: Khắc Kiên

Đặc biệt, đa số doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, song các doanh nghiệp nằm trong top 500 của khu vực tư nhân vẫn đang đóng vai trò dẫn dắt thị trường, có ảnh hưởng đến nền kinh tế, giúp định hình kinh doanh và đóng góp quan trọng tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu. Do vậy, “sức khoẻ” của top 500 doanh nghiệp này đóng góp quan trọng vào khu vực KTTN, cũng như tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Cần góc nhìn thẳng

TS Trần Toàn Thắng - Trưởng ban Ban Dự báo Kinh tế ngành và Doanh nghiệp (NCIF) khẳng định: Tổng quan một số chính sách hiện hành cho thấy từ định hướng, chủ trương đến cơ chế, chính sách, Việt Nam không có sự phân biệt đối xử hoặc chính sách riêng đặc thù cho doanh nghiệp lớn, thậm chí có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan khẳng định, không thể có nền kinh tế tự chủ nếu không có lực lượng doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đủ khỏe. Nếu so sánh các doanh nghiệp lớn với nhau, phải so sánh với cả doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Nhà nước để thấy sự vênh nhau thế nào, tại sao trong cùng nền kinh tế mà “không chơi” được với nhau, khi đó sẽ dẫn đến hậu quả xấu cho nền kinh tế.

Để giải quyết vấn đề này cần đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh mới thiên về giảm chi phí gia nhập, cải cách hành chính công, cắt bỏ các thủ tục không cần thiết… và cần dẫn chứng minh họa nhận định cho việc đã tiết giảm nhằm hỗ trợ trong lĩnh vực này.

Bởi, về môi trường kinh doanh, nếu nhìn vào văn bản pháp lý thì không có sự phân biệt đối xử, nhưng thực tế sự phân biệt đối xử vẫn nặng nề, nhất là trong phân bổ nguồn lực, báo cáo chưa nêu rõ. Nhìn vào nguồn lực trong tay ai sẽ thấy được điều đó.

Thực tế, nguồn lực lớn đang ở trong tay doanh nghiệp Nhà nước, do có yếu tố lịch sử. Thứ nữa là doanh nghiệp FDI luôn dễ tiếp cận nguồn lực đất đai hơn doanh nghiệp Việt Nam.

“Mong nhóm nghiên cứu tham vấn thêm vào báo cáo PCI, trong đó doanh nghiệp cho biết, có sự phân biệt đối xử, quan hệ thân hữu. 69% doanh nghiệp cho biết muốn có thông tin phải có quan hệ, có quan hệ tức là có thân hữu” - bà Phạm Chi Lan chỉ ra. Đồng thời thẳng thắn, đó là những góc nhìn thẳng, nếu chỉ nhìn trên văn bản pháp quy sẽ không thấy được thực tế này. Văn bản, thông tư gấp 5 - 6 lần số nghị định, gấp hàng chục lần luật. Tuy luật là văn bản pháp quy cao nhất, nhưng nhiều quy định lại cài cắm ở thông tư.

''Do đó, về tố chất cần thiết công khai, minh bạch, công bằng, tính nhất quán, tính khả thi của chính sách… những điều này từ ngày tôi làm việc đến nay vẫn là vấn đề nan giải. Việt Nam không thiếu các văn bản hay, nhưng việc thực thi lại khác. Nhiều khi những quyết sách hay, chính sách tốt đưa ra trên văn bản lại bị rơi rụng trong thực thi'' - bà Phạm Chi Lan nói.

Bà Phạm Chi Lan gợi ý cho nhóm nghiên cứu một vấn đề nữa cho thấy, khả năng loby (vận động hành lang) của doanh nghiệp lớn như thế nào, tác động đến chính sách cũng cần được nghiên cứu. Sự đóng góp của doanh nghiệp thực tế thế nào…

Bởi nhiều doanh nghiệp khu vực này lúc đầu đưa ra những hứa hẹn sẽ đóng góp… nhưng khi dự án thực hiện, doanh nghiệp đưa ra nhiều những khó khăn để đề nghị có thêm ưu đãi, hoặc bớt đi những hứa hẹn về sự đóng góp, công hiến.

Vì vậy, không nên có đề nghị chính sách riêng cho doanh nghiệp lớn, mà chỉ có chính sách ưu đãi chung cho khu vực tư nhân. Các nước dành sự ưu đãi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, chủ yếu tập trung chính sách để hỗ trợ cho các ngành phát triển, doanh nghiệp nào tham gia thực hiện các chương trình dự án lớn này thì được thụ hưởng.

Cái cần nhất cho doanh nghiệp tư nhân phát triển, theo bà Phạm Chi Lan, đó là sự bình đẳng (đâu đó vẫn còn sự vi phạm nghiêm trọng), quyền tài sản…. Cần có chính sách khuyến khích các ngành, doanh nghiệp theo hướng trong một khoảng thời gian nào đó đầu tư cho công nghệ, thay đổi công nghệ hiện đại. Cũng như tạo sự liên kết các doanh nghiệp, liên kết trong mua sắm công lĩnh vực nhằm tạo sân chơi bình đẳng giữa doanh nghiệp Nhà nước, FDI và doanh nghiệp tư nhân.

 

Báo cáo 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam dựa trên 3 tiêu chí, bao gồm: Quy mô lao động, tổng tài sản và doanh thu thuần. Chỉ số sử dụng cho xếp hạng là trung bình cộng của thứ hạng trên 3 tiêu chí trên. Cách xếp hạng này khác với các xếp hạng của báo cáo hiện nay của Việt Nam (VNR500) hoặc Fortune500.