Tổng cầu yếu
6 tháng qua, kinh tế thế giới tiếp tục phục hồi nhưng còn nhiều khó khăn, thách thức. Tổng cầu yếu, chi phí gia tăng kéo theo hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư, thương mại bị thu hẹp. Tăng trưởng kinh tế thấp ở nhiều quốc gia phát triển, thậm chí bắt đầu rơi vào suy thoái kỹ thuật như khu vực Eurozone, New Zealand…
Hệ thống tài chính, ngân hàng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro sau sự đổ vỡ của một số ngân hàng tại Mỹ và Thụy Sỹ; kinh tế Trung Quốc mở cửa trở lại nhưng phục hồi không như kỳ vọng; giá năng lượng, thực phẩm biến động mạnh; xu hướng bảo hộ, phòng thủ thương mại gia tăng; xung đột Nga - Ukraine còn kéo dài. Các tổ chức quốc tế đều có chung nhận định tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2023 chậm lại so với năm 2022, theo WB ở mức khoảng 2,1%, 2,7% là OECD, 2,8% theo IMF.
Do đó, Việt Nam cũng không ngoại lệ bởi những ảnh hưởng. Ths Trần Thành Long - Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ KH&ĐT) cho biết, từ đầu năm đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt, tập trung chỉ đạo, ban hành nhiều cơ chế, chính sách trên tất cả các lĩnh vực, nỗ lực duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, tháo gỡ các điểm nghẽn của nền kinh tế.
Đơn cử, về chính sách tài khóa, tiếp tục triển khai thực hiện các chính sách gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất, miễn giảm thuế, phí, lệ phí với tổng quy mô khoảng 200.000 tỷ đồng; quy định chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) trong 6 tháng cuối năm. Song, dư nợ tín dụng tăng thấp cho thấy doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận tín dụng mới, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Mặt bằng lãi suất cho vay thực tế với nhiều doanh nghiệp vẫn còn cao, nợ xấu có xu hướng tăng.
Khó tiệm cận vốn tái sản xuất
Là DN trong lĩnh vực sản xuất cung ứng thực phẩm, Tổng Giám đốc Công ty CP Sản Xuất và Thương Mại Song Phương Nguyễn Thị Phương cho biết, do dịch Covid-19 và tác động từ nền kinh tế thế giới, đơn hàng bị sụt giảm, đầu ra khó, chi phí nguyên liệu cao, điện, xăng dầu không ổn định… đã làm ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Dẫn đến doanh thu giảm, việc làm và nguồn thu nhập của người tham gia lao động.
2 năm trở lại đây, tổng cầu đang giảm, trong khi đó tổng cung lại tăng đột biến. Cùng các chính sách đồng bộ, khi giảm VAT, ngoài doanh nghiệp thì người dân, người tiêu dùng cũng được hưởng lợi. Thực tế hiện nay, mặt bằng hàng hoá đã có chất lượng, giá cả cạnh tranh người dân sẽ càng có lợi khi được mua hàng hoá với một mức giá hợp lý hơn.
TS Mạc Quốc Anh - Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội
Thị trường trong nước khó khăn do sức tiêu thụ giảm, doanh nghiệp đã tìm đến những đơn hàng xuất khẩu tại các nước lân cận. Song giao dịch được ký kết, vấn đề lo vốn để tái thiết và tập trung vào sản xuất lại gặp vấn đề.
Doanh nghiệp tìm mọi cách để tiếp cận dòng tiền và các nguồn vốn gặp quá nhiều rào cản, trong đó vấn đề làm thủ tục chiếm tới 80%. Các ngân hàng đề cập các gói bảo hiểm mới giải ngân, một số ngân hàng yêu cầu chứng minh báo cáo tài chính trong 2 năm dịch nên việc tiếp cận vốn để phục hồi sản xuất là vô cùng khó khăn.
”Để tháo gỡ về vốn, doanh nghiệp mong muốn Chính phủ cần có những hành động, chỉ đạo thiết thực để NHNN hỗ trợ tiếp cận vốn một cách nhanh và hiệu quả nhất” – vị này nói. Bên cạnh đó, một số giải pháp như hoãn nợ thuế, giảm thuế VAT cho các doanh nghiệp… nhưng vẫn chưa hiệu quả.
TS Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội (Hanoisme) khẳng định: Việc giảm VAT 2% sẽ kích thích tiêu dùng đối với thị trường nội địa và đẩy mạnh xuất khẩu, thu hút thêm nguồn lực đầu tư từ bên ngoài. Giảm thuế gỡ khó cho doanh nghiệp, cũng là giảm chi phí cho người dân, kích cầu trong hệ thống chuỗi giá trị cung ứng. Giảm 2% tuy không nhiều nhưng thị trường nội địa phải có sự phát triển và cũng tăng được nguồn thu cho ngân sách.
Đặc biệt, trong một chuỗi giá trị cung ứng, nhiều nhà đầu tư sẽ tự tìm đến với thị trường Việt Nam khi có các chính sách miễn, giảm thuế, phí, đặc biệt là thuế VAT. Do đó, động thái giảm thuế VAT là vô cùng quan trọng và phù hợp với thực tiễn vì đang cần tới một sự kích cầu lớn. Chính sách này đã đáp ứng được đầy đủ yêu cầu về tài chính đối với cơ quan quản lý, người dân, doanh nghiệp trong năm 2022 và những năm tiếp theo.
5 giải pháp trọng tâm
Từ tình hình thực tiễn, Ths Trần Thành Long chỉ ra nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.
Một là, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô. Tiếp tục triển khai các giải pháp, chính sách kích cầu tiêu dùng, phát triển mạnh thị trường trong nước, tăng cường kết nối cung - cầu hàng hóa; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Đẩy mạnh xuất khẩu, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, duy trì, củng cố các thị trường truyền thống; khai thác hiệu quả các FTA đã ký, tiến hành ký kết các FTA mới nhằm phát triển các thị trường mới, tiềm năng.
Hai là, tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, nới lỏng hơn, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm. Xác định hạn mức tăng trưởng tín dụng hợp lý, giảm mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay để hỗ trợ dòng tiền, đảm bảo khả năng tiếp cận tín dụng phục vụ cho sản xuất kinh doanh… Khơi thông thị trường trái phiếu doanh nghiệp; đẩy nhanh hoàn thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp; nghiên cứu, đề xuất các chính sách thuế để điều tiết, phát triển bền vững...
Ba là, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy đầu tư của khu vực kinh tế ngoài Nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước, thu hút vốn FDI gắn với quá trình chuyển giao công nghệ tiên tiến; triển khai thực hiện Chiến lược về kinh tế số; xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp năng lượng Hydrogen, công nghiệp bán dẫn.
Bốn là, tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tháo gỡ rào cản, xây dựng thể chế cho phát triển các mô hình kinh tế mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn...
Năm là, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành; khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong giải quyết công việc. Sớm hoàn thiện các quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; có cơ chế, chính sách xử lý các trường hợp các bộ đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm.