Gỡ vướng cho thanh tra chuyên ngành nông nghiệp

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lực lượng thanh tra chuyên ngành nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm, nông – lâm - thủy sản, tạo sự công bằng trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, hoạt động của lực lượng này còn tồn tại nhiều khó khăn, bất cập cần được tháo gỡ.

 Cán bộ Thú y Hà Nội kiểm tra tại cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm. Ảnh: Trần Nga
Hiệu quả từ công tác phối hợp

Năm 2020, kinh tế của cả nước nói chung, ngành nông nghiệp nói riêng diễn ra trong bối cảnh khó khăn do bùng phát dịch Covid-19, dịch cúm gia cầm H5N6, dịch tả lợn châu Phi… Trước tình hình đó, việc vận chuyển, kinh doanh hàng hóa, thực phẩm, gia súc, gia cầm… không rõ nguồn gốc ở các tỉnh về Hà Nội và từ Hà Nội đi đến các tỉnh để tiêu thụ diễn biến phức tạp, khó lường. Để khắc phục tình trạng nêu trên, Sở NN&PTNT các tỉnh phía Bắc đã tăng cường công tác phối hợp giữa lực lượng thanh tra liên ngành nông nghiệp. Mục đích nhằm nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện các hoạt động thanh tra chuyên ngành đối với chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm; tăng cường trao đổi kinh nghiệm, cung cấp thông tin kiểm tra phát hiện xử lý các vi phạm về chất lượng giống cây trồng, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y…

Chi cục Trưởng Chi cục Quản lý nông lâm sản và thủy sản tỉnh Hòa Bình Nguyễn Hữu Tài cho biết: Nhờ có sự phối hợp giữa lực lượng thanh tra chuyên ngành các tỉnh đã phát huy hiệu quả công tác quản lý về chất lượng an toàn thực phẩm. Điển hình như việc truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm của Công ty TNHH Hai thành viên Lối sống mới thời gian vừa qua. “Qua thông tin từ Sở NN&PTNT Hà Nội, chúng tôi đã kiểm tra, thu hồi kịp thời sản phẩm không đảm bảo an toàn của công ty tiêu thụ trên địa bàn. Nhờ đó đã không xảy ra tình trạng ngộ độc đáng tiếc nào trên địa bàn” – ông Tài cho hay. Cũng chung quan điểm này, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nam Định Lê Thị Thảo đánh giá: Công tác phối hợp được triển khai, thực hiện hiệu quả qua việc chia sẻ thông tin, thông báo kịp thời giữa Nam Định và Hà Nội, tạo điều kiện cho sản phẩm động vật từ Nam Định về Hà Nội được thực hiện đúng quy trình kiểm dịch, lưu thông kịp thời.

Còn nhiều vướng mắc

Kết quả đạt được là vậy, tuy nhiên theo chia sẻ của lực lượng thanh tra chuyên ngành nông nghiệp, trong quá trình thực hiện hoạt động này vẫn còn nhiều vướng mắc. Chi cục Trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và Thủy Sản Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng nêu rõ: Thực tế cho thấy, các cuộc thanh tra chuyên ngành về vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm thường chỉ có hiệu quả khi tiến hành theo hình thức đột xuất. Tuy nhiên, theo quy định của Luật thanh tra hiện hành, muốn tiến hành thanh tra đột xuất phải có một trong các yếu tố như phát hiện các cơ quan, tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật; theo yêu cầu của việc giải quyết khiến nại, tố cáo... Điều này đã làm giảm hiệu quả của hoạt động thanh tra. Ngoài ra, quy định về việc gửi quyết định thanh tra đến đối tượng thanh tra trước tại Khoản 5 Điều 36 Luật thanh tra có thể khiến đối tượng xóa dấu vết vi phạm, gây khó khăn cho hoạt động thanh tra. Một khó khăn nữa hiện nay đó là tình trạng thanh tra chồng chéo giữa các cơ quan theo ngành dọc và theo địa bàn. Cụ thể giữa thanh tra các Cục thuộc Bộ với thanh tra Sở và thanh tra Chi cục.

Nhằm nâng cao chất lượng công tác thanh tra, Sở NN&PTNT các tỉnh phía Bắc kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi bổ sung một số quy định về hoạt động thanh tra chuyên ngành để phù hợp với tình hình hình thực tế. Cụ thể, cần quy định cụ thể việc xử lý chồng chéo, tránh trùng lắp trong kế hoạch thanh tra giữa các bộ, ngành, giữa Trung ương và địa phương, giữa cấp tỉnh và cấp huyện; có quy định cụ thể hơn về đối tượng thanh tra, nội dung thanh tra. Bên cạnh đó, cần có hướng dẫn cụ thể về hình thức thanh tra thường xuyên trong hoạt động thanh tra chuyên ngành.
Trong năm 2020, lực lượng thanh tra chuyên ngành của Sở NN&PTNT các tỉnh phí Bắc đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 541 cuộc, phát hiện 1.852 tổ chức, cá nhân do có sai phạm về chất lượng hàng hóa, vi phạm nhãn mác, không đảm bao các quy định về an toàn thực phẩm… với tổng số tiền phạt là 11.408 tỷ đồng. Ngoài ra, còn xử lý hình sự 10 vụ việc, tịch thu tang vật trên 2 tỷ đồng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần