Nhiều gian nan
Đến thời điểm hiện tại, khu vực nông thôn Hà Nội có 628.099 hộ dân được cấp nước sạch sinh hoạt. Theo đánh giá của các đơn vị chức năng, nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ sử dụng nước sạch ở nông thôn chưa đạt kỳ vọng là do thói quen dùng nguồn nước tự nhiên của người dân. Nguồn nước sinh hoạt của người dân nông thôn chủ yếu vẫn là nước giếng đào, giếng khơi, nước mưa, nước giếng khoan… nên việc vận động người dân chuyển sang sử dụng nước sạch không đơn giản.
Mặc dù những năm qua, được sự quan tâm của TP, hàng loạt dự án cấp nước sạch đã được triển khai nhưng việc nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch chưa đạt kết quả như mong muốn, đặc biệt là những hộ có hoàn cảnh khó khăn. Tại nhiều nơi, người dân không chịu đấu nối sử dụng nước sạch do phải trả chi phí sử dụng hàng tháng và chi phí đầu tư hệ thống mạng cấp nước sau đồng hồ. Trong khi đó, đối với những gia đình đã hoàn thành việc đấu nối, lượng nước sử dụng hàng tháng cũng rất ít, chủ yếu phục vụ việc ăn uống… còn các hoạt động khác như tắm, gội vẫn chủ yếu sử dụng nguồn nước tự nhiên.
Ngoài ra, việc đầu tư hệ thống cấp nước khu vực nông thôn hiện nay thực hiện theo hình thức xã hội hóa, giá nước sinh hoạt sẽ được tính đúng, tính đủ. Do đó để giảm chi phí đầu tư xây dựng, một số đơn vị đã huy động nguồn đóng góp của Nhân dân để thực hiện việc lắp đặt hệ thống cấp nước và khấu trừ vào giá nước sử dụng hàng tháng của khách hàng... Song thực tế, rất nhiều trường hợp vẫn chưa tìm được tiếng nói chung giữa đơn vị cung cấp và người sử dụng.
Tăng cường tuyên truyền, điều chỉnh giá nước sạch phù hợp
Tại Quyết định số 38/2013/QĐ-UBND ngày 19/9/2013 của UBND TP quy định, mức giá nước sạch trên địa bàn TP với 10m3 đầu là 5.973 đồng/m3, 10 – 20m3 là 7.052 đồng/m3, từ 20 – 30m3 là 8.679 đồng/m3 và trên 30m3 là 15.929 đồng. Trong khi đó, giá mua nước sạch sông Đà hiện nay ở mức 5.069 đồng/m3 và các gia đình khu vực nông thôn cơ bản chỉ dùng khoảng 10m3/tháng, thậm chí có những hộ chỉ khoảng 2 – 3m3/tháng dẫn đến thu không bù chi, khấu hao, quản lý vận hành…
Liên quan đến những khó khăn, vướng mắc nêu trên, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục cho rằng, để nâng tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch đạt 100%, trong giai đoạn này, UBND các huyện và thị xã Sơn Tây cần tuyên truyền vận động người dân đấu nối cấp nước vào nhà đạt 100%. Đồng thời tạo điều kiện, tháo gỡ những khó khăn, huy động mọi nguồn lực thực hiện hoàn thành đúng tiến độ các dự án nguồn, dự án phát triển mạng lưới cấp nước. Cùng với đó, tăng cường kiểm tra, đôn đốc, giám sát chất lượng công trình theo phân cấp, sớm tổng hợp báo cáo UBND TP điều chỉnh giá nước phù hợp với điều kiện thực tế.
Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn TP có nhiều dự án nhà đầu tư chưa tập trung triển khai thực hiện như: Các dự án do Công ty CP Nước Aqua One và Công ty CP Nước mặt sông Đuống thực hiện tại 125 xã nhưng hiện nay, nhà đầu tư mới thực hiện được 2/125 xã; Dự án cấp nước cho 28 đơn vị hành chính huyện Phú Xuyên và vùng phụ cận do Công ty CP Cấp nước Hà Nam triển khai thực hiện, tỷ lệ đấu nối đăng ký mới đạt 28%. Bên cạnh đó, một số dự án nước sạch nông thôn đã được TP giao nhưng nhà đầu tư không triển khai thực hiện như: Dự án Trạm cấp nước thị trấn Đại Nghĩa (Mỹ Đức); Dự án cấp nước cho 3 xã Xuân Phú, Vân Nam, Vân Phúc (Phúc Thọ); Dự án xây dựng hệ thống cấp nước 2 xã Long Xuyên, Thượng Cốc (Phúc Thọ)… |