Gỡ vướng để tăng tốc lập Quy hoạch Thủ đô

Vũ Cúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - TP Hà Nội đang khẩn trương triển khai công tác lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch Thủ đô). Đây là nhiệm vụ quan trọng đang được ưu tiên nhằm đảm bảo tiến độ chung theo kế hoạch đề ra.

 Tuy nhiên với khối lượng công việc đồ sộ, nhiều đầu việc chưa có tiền lệ nên cơ quan tổ chức lập quy hoạch đang gặp phải những khó khăn, lúng túng, cần sự vào cuộc phối hợp đồng bộ, quyết liệt của các quận, huyện, sở, ngành TP.

Xây dựng chung Thủ đô phải gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Hải Linh
Xây dựng chung Thủ đô phải gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Hải Linh

Hoàn thành nhiều đầu việc

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô vào tháng 3/2022, UBND TP Hà Nội đã triển khai giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị, sở ngành TP. Trong đó, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội được giao nhiệm vụ là cơ quan tổ chức lập Quy hoạch Thủ đô.

Sở Tài chính, QH - KT, TN&MT, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội tập trung triển khai các công việc liên quan như hướng dẫn thanh toán vốn sự nghiệp cho công tác lập quy hoạch; rà soát, nghiên cứu các nội dung liên quan đến tổ chức không gian phát triển, hệ thống bản đồ, bản vẽ; cung cấp các tài liệu, số liệu, thông tin về hiện trạng sử dụng đất TP… để phục vụ công tác lập Quy hoạch Thủ đô.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội Lê Ngọc Anh cho hay, với sự phối hợp của các sở ngành, Viện đã khẩn trương triển khai, đến nay đã hoàn thành các đầu việc quan trọng như hoàn thiện dự toán chi phí lập Quy hoạch Thủ đô và được phê duyệt; tổ chức khảo sát học tập kinh nghiệm lập quy hoạch tại một số tỉnh, TP: Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Giang; xây dựng và được phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, tổ chức lựa chọn đơn vị tư vấn lập Quy hoạch Thủ đô.

Về công tác chuyên môn, đến nay Viện đã tham mưu UBND TP tổ chức 30 cuộc họp để triển khai công tác chuẩn bị lập Quy hoạch Thủ đô. Làm việc với các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã hướng dẫn báo cáo chuẩn bị cho công tác lập Quy hoạch theo đề cương yêu cầu. Tổ chức đoàn đi khảo sát kinh nghiệm lập quy hoạch tại một số tỉnh, TP.

Đặc biệt, Viện đã tổ chức 28 buổi tọa đàm, làm việc với các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành để tham vấn các ý tưởng, quan điểm, mục tiêu, định hướng trọng yếu, cách làm để lập Quy hoạch Thủ đô đảm bảo phát triển Thủ đô trong thời kỳ tới theo định hướng của các Nghị quyết của T.Ư Đảng, Bộ Chính trị, Chiến lược phát triển đất nước, đặc biệt và trực tiếp là Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ngoài ra, Viện cũng tham mưu UBND TP xây dựng Đề cương định hướng Quy hoạch Thủ đô, hiện nay Đề cương đã dự thảo lần thứ 9, được Thường trực Thành ủy thông qua, chuẩn bị báo cáo Ban Chấp hành Đảng bộ TP trong tháng 4/2023.

Một trong những công việc quan trọng được giới chuyên gia và dư luận quan tâm là lựa chọn được đơn vị tư vấn chất lượng để lập Quy hoạch Thủ đô. Theo Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, TS Đào Ngọc Nghiêm, khó khăn hiện nay và cũng là điểm nghẽn trong thực tế là lựa chọn tổ chức tư vấn.

Để giải quyết rất cần có cơ chế linh hoạt trong lựa chọn và cần cụ thể hơn phương án hợp tác quốc tế trong tư vấn lập quy hoạch. Với quy định rõ trách nhiệm, năng lực đổi mới trong lựa chọn tổ chức tư vấn lập quy hoạch là rất cần. Song để có hiệu quả cũng cần Quốc hội chú trọng trong chương trình giám sát về chuyên đề quy hoạch.

Về vấn đề này ông Lê Ngọc Anh thông tin, gói thầu số 3 tư vấn lập Quy hoạch Thủ đô (giá dự toán 119,345 tỷ đồng) đã được đấu thầu rộng rãi qua mạng và mở thầu ngày 17/3/2023. Hiện nay, đang tiến hành thẩm định báo cáo đánh giá hồ sơ dự dầu, dự kiến cuối tháng 4/2023 kết thúc thời gian đánh giá hồ sơ và tiến hành ký hợp đồng tư vấn vào tháng 5/2023.

Cùng vào cuộc đồng bộ đẩy nhanh tiến độ

Mặc dù thời gian qua đã đạt được những kết quả tích cực trong công tác lập Quy hoạch Thủ đô nhưng với khối lượng công việc còn lại rất lớn, trong khi yêu cầu thời hạn đến tháng 10/2023 trình Quốc hội. Để triển khai kịp thời, bảo đảm chất lượng và tiến độ công việc, lãnh đạo Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội đề nghị các sở, ngành TP tích cực phối hợp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc mà Viện đang gặp trong quá trình lập Quy hoạch Thủ đô.

Cụ thể, Sở Nội vụ tìm kiếm, giới thiệu nhân sự có năng lực chuyên môn, năng lực quản lý dự án chuyển công tác, biệt phái tại Viện để thực hiện công tác lập Quy hoạch. “Nhân sự của Viện còn thiếu và yếu, cán bộ chưa có kinh nghiệm, chuyên sâu về lĩnh vực quy hoạch, quản lý dự án và các dự án sử dụng vốn đầu tư công, dẫn đến việc xử lý các công việc hành chính, tài chính của nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô còn nhiều lúng túng” – ông Lê Ngọc Anh nêu.

Một khó khăn nữa là hiện nay Thông tư số 08/2019/TT-BKHĐT của Bộ KH&ĐT mới hướng dẫn nội dung và mức chi phí trực tiếp cho hoạt động quy hoạch; nội dung, mức chi phí gián tiếp đối với hoạt động quy hoạch hiện nay chưa có hướng dẫn thống nhất. Do vậy, các sở, ngành còn có cách hiểu chưa thống nhất, dẫn đến lúng túng từ khâu lập, thẩm định, phê duyệt dự toán cho đến hoạt động giải ngân.

Bên cạnh đó, Luật Đấu thầu năm 2013 quy định phạm vi áp dụng có lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ tư vấn đối với dự án đầu tư phát triển sử dụng vốn Nhà nước, trong đó hạn mức chỉ định thầu không quá 500 triệu đồng đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn. Mặt khác Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn chưa có quy định cụ thể về việc lựa chọn nhà thầu cá nhân là chuyên gia.

Vì vậy, hiện nay các thủ tục thuê chuyên gia chưa thực hiện được. Đây là nguyên nhân mà trong năm 2022, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội chỉ giải ngân được 254,6 triệu đồng/3.891,8 triệu đồng được ghi vốn (6,54%). Do đó, để đẩy nhanh tiến độ công việc, lãnh đạo Viện kiến nghị Sở KH&ĐT, Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước Hà Nội cần sớm thống nhất, hướng dẫn Viện trong công tác giải ngân vốn đầu tư công của nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô, đặc biệt đối với chi phí thuê chuyên gia.

Về công tác chuyên môn, ông Lê Ngọc Anh cũng cho biết, hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ công tác lập Quy hoạch Thủ đô còn thiếu và phân tán, đặc biệt hệ thống bản đồ nền địa hình. Từ đó đề xuất, Sở TN&MT chủ trì việc xin và cung cấp bản đồ địa hình (dạng số) còn thiếu để phục vụ lập Quy hoạch Thủ đô. Cùng đó, đề nghị Viện Quy hoạch Xây dựng hỗ trợ nhân sự về quy hoạch không gian giúp Viện, Tổ thường trực lập Quy hoạch Thủ đô trong quá trình thương thảo hợp đồng, giám sát tư vấn lập Quy hoạch Thủ đô.

 

Nhằm đảm bảo chất lượng và rút ngắn thời gian lập Quy hoạch, Viện đã kiến nghị UBND TP giao Viện tham mưu UBND TP mời chính thức các chuyên gia cao cấp cố vấn cho lãnh đạo TP trong công tác tổ chức lập Quy hoạch Thủ đô, định hướng các nội dung lớn của Quy hoạch Thủ đô và giúp Viện trong công tác tổ chức nghiên cứu các nội dung lớn của Quy hoạch, giám sát, phản biện các nội dung của quy hoạch do đơn vị tư vấn thực hiện.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội
Lê Ngọc Anh