Gỡ vướng từ cấp phường

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hơn một tháng kể từ 1/7 chính thức thực hiện Thông tư liên tịch số 05 (TT 05) ngày 15/5 của Liên Bộ Tư pháp - Công an - Y tế về liên thông thủ tục hành chính (TTHC) gồm đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi.

Gỡ vướng từ cấp phường - Ảnh 1
Hơn một tháng kể từ 1/7 chính thức thực hiện Thông tư liên tịch số 05 (TT 05) ngày 15/5 của Liên Bộ Tư pháp - Công an - Y tế về liên thông thủ tục hành chính (TTHC) gồm đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi, nhiều quận, huyện đã tích cực triển khai và được người dân đón nhận. Tuy nhiên, tại cấp phường, xã, công tác này đang bộc lộ không ít bất cập.

Để tìm hiểu thực tế tại cơ sở, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với bà Vũ Thị Hoài Thu - Phó Chủ tịch phụ trách bộ phận Tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC, UBND phường Cầu Diễn (quận Nam Từ Liêm).

Qua hơn một tháng TT 05 có hiệu lực, kết quả cụ thể tại phường ra sao, thưa bà?

- Ngay khi TT 05 được ban hành, chúng tôi đã thực hiện nhiều hình thức tuyên truyền đến người dân; các cán bộ chuyên môn và cán bộ một cửa của phường cũng được tham gia nhiều buổi tập huấn nghiệp vụ. Trong tháng 7/2015, bắt đầu thực hiện TT 05, UBND phường Cầu Diễn đã tiếp nhận tổng cộng 31 hồ sơ liên thông. Trong đó, 12 hồ sơ liên thông “3 trong 1” và 19 hồ sơ chỉ liên thông đăng ký khai sinh - cấp thẻ BHYT. Nhờ đó, thay vì người dân phải 6 lần đi giải quyết TTHC (2 lần đến UBND phường, 2 lần đến BHXH quận và 2 lần đến Công an quận) với 27 ngày chờ đợi thì nay, chỉ cần 2 lần đến UBND phường và sau 7 ngày nhận được cả 3 kết quả: Giấy khai sinh (GKS), thẻ BHYT và đăng ký hộ khẩu thường trú (HKTT). Trên thực tế, trong 31 hồ sơ phường đã tiếp nhận thì có 3 hồ sơ trả đúng hẹn, còn lại đều được trả trước hẹn (chỉ mất 6 ngày).

Cùng với liên thông “3 trong 1” theo TT 05, riêng tại quận Nam Từ Liêm còn triển khai liên thông đăng ký khai tử - xóa đăng ký HKTT và cấp lại bản chính GKS cho công dân trên địa bàn. Vì thế, thay vì người dân phải giải quyết TTHC ở phường và Công an quận thì chỉ đến UBND phường và được nhận 2 kết quả (giấy chứng tử, đăng ký xóa HKTT). Với liên thông cấp lại bản chính GKS, người dân không phải lên quận nữa mà chỉ việc ra bộ phận một cửa của phường nộp hồ sơ rồi nhận kết quả tại đó.

Bà thấy người dân đón nhận những cách làm mới này ra sao?

- Mặc dù mới triển khai, nhưng người dân rất phấn khởi, 100% trường hợp đến làm GKS đều đồng tình đặt hồ sơ tại một cửa của phường để đợi kết quả chứ không tự ý đi làm. Nhiều người gặp tôi vui mừng cho biết: Chúng tôi chỉ đến phường làm GKS mà cùng lúc nhận được 3 kết quả, lại nhanh hơn việc tự đi làm.

Đây là công việc mới, hàng ngày cán bộ thực hiện chắc hẳn gặp không ít khó khăn, vất vả?

- Thực tế hàng ngày sau khi hồ sơ được nộp tại bộ phận một cửa của phường, cảnh sát khu vực sẽ mang lên Công an quận và khi có kết quả lại quay lại lấy; còn cán bộ làm công tác BHXH của phường đến BHXH quận nộp hồ sơ, đồng thời nhận thẻ BHYT đã làm xong của ngày hôm trước. Như vậy có thể hiểu, để có một kết quả hồ sơ liên thông “3 trong 1” cho người dân thì cần 2 cán bộ với 3 lần đi lại.

Sau khi gom hết hồ sơ nhận trong ngày, cứ cuối ngày họ lại như con thoi đi lại như thế. Với nhiều UBND phường, quãng đường đến BHXH và Công an quận có khi xa mấy km. Đó là chưa kể rủi ro trên đường, như hỏng xe, mưa gió... Vẫn bằng đó con người nhưng thêm nhiều việc, cán bộ phải căng sức và mất thêm thời gian. Trong khi thực hiện TT 05 đến nay, các phần mềm chuyên ngành chưa liên thông được với nhau.

Từ thực tế bất cập tại cơ sở, theo bà, tới đây cần tháo gỡ thế nào?

- Triển khai TT 05 tại cấp phường, chúng tôi xác định là trách nhiệm đương nhiên, cán bộ vất vả thêm nhưng người dân được hưởng lợi thì mình vẫn phải gắng hết sức. Tuy nhiên, cũng cần có quan tâm thỏa đáng, dù chỉ khoản phụ cấp nhỏ nhưng là động viên kịp thời, cũng để hỗ trợ chi phí xăng xe. Bên cạnh đó như tôi đã nói, cán bộ phải chuyển giao hồ sơ hàng ngày bằng phương tiện cá nhân, nên có thể gặp rủi ro, dẫn đến mất mát hồ sơ bản chính trên đường đi. Do vậy, TP cần quy định chế tài nếu lỗi do cán bộ và cơ chế giải quyết các trường hợp này dựa vào hồ sơ lưu tại mỗi cơ quan, tránh phiền nhiễu cho Nhân dân.

Quan trọng nữa, các cơ quan TP đang là chủ đầu tư phần mềm chuyên ngành cần phối hợp với UBND các cấp cho liên thông giữa các phần mềm để chuyển tiếp được cơ sở dữ liệu, không phải nhập lại dữ liệu thủ công như hiện nay: Cán bộ một cửa nhập dữ liệu phần mềm một cửa, cán bộ BHXH nhập phần mềm BHXH, công an nhập phần mềm của công an...

- Xin cảm ơn bà!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần