Góc khuất của TT Obama

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Một hướng nữa giúp Obama lấy lại sự ủng hộ của người dân sẽ là thừa nhận sự thất vọng của dân chúng đối với một chính phủ lớn.

KTĐT - Một hướng nữa giúp Obama lấy lại sự ủng hộ của người dân sẽ là thừa nhận sự thất vọng của dân chúng đối với một chính phủ lớn.

Không ít người đã so sánh hoàn cảnh hiện tại của Obama với Bill Clinton, nhưng có "chiến thuật" nào có thể giúp Obama tạo nên cuộc bứt phá và lấy lại niềm tin về "sự thay đổi" mà ông đã cam kết?

 
Có rất nhiều sự tương đồng giữa Clinton và Obama trong những năm đầu. Cả hai đều thực thi dự luật kinh tế quan trọng - Clinton thông qua gói giúp ổn định kinh tế, hoàn toàn bằng tăng thuế, nhằm hướng tới một ngân sách cân bằng trong nhiệm kỳ thứ hai - mặc dù có sự phản đối mạnh mẽ của đảng Cộng hòa. Cả hai đều có tham vọng và ý chí cao khi theo đuổi viễn cảnh mới về chăm sóc y tế. Và cả hai dường như đã "lầm đường" về chính trị một cách căn bản nhất trong quá trình này.

Theo một mặt nào đó, và mặc dù sự phục hồi kinh tế không tạo nhiều việc làm, Obama đang trong điều kiện chính trị thuận lợi hơn Clinton khi đó. Ông còn cả một năm để củng cố khả năng giành sự ủng hộ trực tiếp của người dân hơn và hạn chế thiệt hại đã dự tính trước trong các cuộc bầu cử quốc hội năm 2010. (Clinton đã mất cả hai viện trong làn sóng phản đối của đảng Cộng hòa năm 1994). Và Obama có một vũ khí cũng hiệu quả như cải cách phúc lợi: sự phẫn nộ của người dân đối với Phố Wall và những ngân hàng lớn khi các ngân hàng này đáp lại sự "hào phóng" của công chúng bằng cách tự dành cho mình những khoản "tự thưởng" lịch sử trong năm nay. Ông vốn đã bắt đầu cuộc chiến này, kêu gọi đánh thuế các ngân hàng lớn để thu hồi lại số tiền mất đi trong các lần cứu trợ.

Đó là ý tưởng tốt, nhưng còn chưa đủ: một chiến dịch lớn phải được tiến hành chống lại "trò cờ bạc" tài chính lộn xộn, hay các phương tiện đầu tư ngoại lai tạo ra lãi trên giấy tờ lớn và góp phần đưa đến sự sụp đổ. Người ta cho rằng Obama đang nghiêng về phía cựu chủ tịch Fed Paul Volcker - người đã lên tiếng chống lại "trò hề" phố Wall - và xa dần nhà kinh tế học Lawrence Summers và Bộ trưởng Tài chính Timothy Geithner, người ủng hộ sâu sắc việc phi điều tiết hóa Phố Wall. Một trợ lý của Obama nói với tôi: "Ông ấy rõ ràng đang về phe với Volcker khi nhấn mạnh rằng các ngân hàng phải tập trung vào các hoạt động truyền thống".

Một hướng nữa giúp Obama lấy lại sự ủng hộ của người dân sẽ là thừa nhận sự thất vọng của dân chúng đối với một chính phủ lớn. Một chiến dịch mới ủng hộ nguyên tắc tài khóa sẽ được tuyên bố trong Thông điệp liên bang, nhưng cũng có thể Obama sẽ tái đẩy mạnh chống lại các thành viên thiển cận và duy ngã luận của quốc hội, trong cả hai đảng, những người đã góp phần rất lớn khiến cuộc cải cách chăm sóc y tế vẫn chưa đi đến đâu. Một trợ lý nói: "Chúng tôi phải cố gắng làm giảm sự phản đối trong quốc hội. Chúng tôi đã gắn bó với họ để giúp dự luật được thông qua. Về mặt chính trị, đó giống như có trùm lừa đảo Bernie Madoff trong Nội các". Có khả năng rằng đề xuất nổi tiếng nhất chiến dịch của Obama - ngân hàng cơ sở hạ tầng nhà nước, sẽ đảm nhận các dự án lớn - sẽ được khởi động lại vào năm nay. Ngay cả nếu ông ngả sang chủ nghĩa dân túy thì vị tổng thống tài giỏi trong hùng biện này vẫn phải tìm ra tiếng nói, và vận dụng khiếu chính trị để thuyết phục người dân.

Vào buổi sáng nhận giải Nobel Hòa bình, Obama đã gặp gỡ một nhóm các trợ lý đang tỏ ra bối rối. Giải thưởng này có thể là một vấn đề chính trị, họ nói. Điều đó thật nực cười. Ông đã không đạt được bất cứ mục tiêu đối ngoại nào cho tới khi đó. "Điều đó thật điên rồ", Obama thừa nhận với một nụ cười, "nhưng đó không phải là vấn đề thực tế mà chúng ta đang gặp phải ở đây. Làm sao bạn có thể chấp nhận giải Nobel Hòa bình khi bạn là tổng chỉ huy quân đội đang tham gia hai cuộc chiến?".

Cuộc họp tiếp theo của tổng thống là về một trong những cuộc chiến đó - tại Afghanistan - với Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ ở trong Phòng Tình Huống (Situation Room). Mọi người đứng dậy khi tổng thống bước vào. Một trợ lý nhớ lại: "Tôi đang chờ mọi người vỗ tay hay ai đó sẽ nói ’Chúc mừng ngài tổng thống’, hay cái gì đó đại loại như thế. Nhưng không ai nói gì cả, và Tổng thống cũng không nói gì về giải thưởng này. Ông chỉ bắt đầu ngay với chương trình làm việc".

Sâu chuỗi lại, hai cuộc họp này đã chứng tỏ điều khó hiểu về Tổng thống Obama. Ngay từ lúc bắt đầu, ông đã cứ bình thản về những hy vọng quá ảo tưởng và điều mong đợi không tưởng - từ niềm hy vọng của người Mỹ sau chiến thắng trong cuộc bầu cử và lễ nhậm chức đầy cảm xúc cho tới những mong đợi tại hội đồng bình chọn giải Nobel. Có một sự thiếu gắn kết ở đây, một sự xa cách về cảm xúc đối với công chúng, sự xa cách về cảm xúc đối với chính nhân viên của ông. Thử tưởng tượng cuộc họp của Ủy ban An ninh quốc gia Mỹ sau khi Tổng thống giành giải Nobel: Clinton sẽ ôm lấy mọi người mà ông gặp; George W. Bush sẽ nói đùa theo kiểu của một sinh viên tự ti khi đạt điểm C; Reagan có thể sẽ nói, "Trước tiên, tôi muốn cảm ơn các nhà bình chọn...". Những tổng thống hiếm hoi gần đây có thể đáp lại một cách khô khan như Obama đã làm là Jimmy Carter và George H.W. Bush, cả hai đều bị thay thế bởi nhà biểu lộ cảm xúc tầm cỡ thế giới chỉ sau một nhiệm kỳ.

Không giống như nhiều chính trị gia, Obama có vẻ là người không quen thói nịnh hót, ông ghét điều đó. Đó là lý do tại sao không ai trong phòng họp chúc mừng giải thưởng của ông. Và ông cũng không giỏi giả tạo tình bằng hữu thân mật vốn là một phần trong cuộc sống của nhiều cộng đồng Mỹ. Trong ký sự về cuộc đua lên chức tổng thống năm 2008, người điều hành chiến dịch của Obama, David Plouffe, nói rằng ứng cử viên của ông đã "ngày càng ủ rũ", trên con đường dài trong những tháng đầu chiến dịch. Giám đốc truyền thông Robert Gibbs đã hỏi Obama liệu ông có vui không. Không, Obama đáp. Có điều gì có thể làm được để khiến mọi việc trở nên vui hơn? Câu trả lời một lần nữa lại là không. "Ông thấy hầu hết các thông tin mà truyền thông đưa về cuộc đua đều sáo rỗng", Plouffe viết. "Và gần như không có đủ thời gian cho phần ông yêu thích trong chiến dịch - "nấu mì chính sách", như ông vẫn gọi về ’thời gian suy nghĩ’".

Điều này có liên quan gì không? Trong một thế giới dựa trên tinh thần cao và do chính sách chi phối, thì điều đó sẽ không liên quan. Còn hiện tại thì không. Đảng đối lập cứ đơn giản từ chối tham gia điều hành đất nước, bám lấy những lợi ích đặc biệt làm chệch hướng hoặc thổi phồng lên bất cứ nỗ lực ban hành đạo luật quan trọng nào. Trong không khí như vậy, tổng thống Mỹ cũng phải diễn tả một chút sức nóng đó. Ông phải quan tâm tới nghệ thuật viết kịch, sự xuất hiện chính trị, sự thấu cảm nỗi đau. Điều đó có vẻ giống như cả một sự phấn đấu của Obama.

 Đâu là lý do căn bản giải thích cho cuộc chiến mà Tổng thống lại nhận được giải thưởng hòa bình? Điều này đã dẫn trực tiếp tới bài thuyết giảng đáng nhớ dịp nhận giải Nobel của ông, về sự cần thiết phải chống lại tội ác tồn tại trên thế giới, một bài phát biểu được cả bạn bè và kẻ thù ca tụng. Nhưng tài hùng biện của ông sẽ được lịch sử ghi lại chỉ khi chính Obama không chỉ là người đầu tiên trong cuộc đua mà còn phải là người lãnh đạo đất nước qua khỏi cơn khó khăn. Một quan chức hành chính nói: "Để lãnh đạo thành công, bạn phải thuyết phục mọi người rằng bạn đồng hành cùng với họ, rằng bạn luôn trăn trở các vấn đề của họ".

Hai ngày sau khi chúng tôi nói tại Phòng Bầu Dục, Tổng thống Mỹ đã có một bài phát biểu đáng chú ý - loại diễn văn ông vẫn làm khá tốt - tại nhà thờ Vermont Avenue Baptist, Washington. "Bạn biết đấy, những người quen đã hỏi tôi vài lần, tại sao trông tôi lại bình thản đến vậy". Khán giả cười, rồi ông tiếp tục: "Họ nói, mọi sự xảy đến với ông, làm sao bạn có thể điềm tĩnh đến vậy? Và tôi phải thừa nhận ở đây. Có những lúc tôi không bình tĩnh đến vậy... Có những lúc tiến bộ đạt được dường như là quá chậm. Có những khi những lời nói về tôi khiến tôi cảm thấy đau. Có những lúc vài câu châm chọc làm tôi thấy chua cay. Có những lúc tôi có cảm giác như tất cả nỗ lực này đều là con số 0, và sự thay đổi đang diễn ra chậm chạp đến mức khiến tôi đau đớn, và tôi phải đối diện với sự ngờ vực từ chính tôi. Nhưng hãy để tôi nói cho các bạn - trong những lần như thế, chính niềm tin đã khiến tôi bình tĩnh trở lại".

Sau một năm "suy nghĩ" nghiêm túc về các chính sách, Tổng thống Mỹ phải ở một tình thế rất khác vào năm 2010. Ông sẽ phải chiến đấu, đôi lúc ông sẽ phải quên đi sự điềm tĩnh đặc biệt của mình, và chiến đấu để giành lại niềm tin từ công chúng. Ông sẽ phải đặt mình ở vị trí chính trị gia hơn là một nhà làm chính sách - và vẫn giữ được các giá trị của mình trong quá trình này. Ông sẽ phải hiểu rằng trong môi trường "độc hại" của chính trị Mỹ, thắng lợi không còn là khả năng thực tế, tồn tại mới là điều cần đạt đến.


 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần