Gói cứu trợ Covid-19 mới bế tắc, Chính phủ Mỹ có thể phải đóng cửa

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bất đồng giữa Quốc hội với ông Trump về gói cứu trợ Covid-19 khiến Chính phủ Mỹ đối mặt nguy cơ phải đóng cửa vào tuần tới vì hết ngân sách hoạt động.

Ngày 24/12, Hạ viện Mỹ đã từ chối yêu cầu của Tổng thống Donald Trump về tăng tiền cứu trợ trong gói kích thích mới trị giá gần 900 tỷ USD. Cuộc đối đầu giữa Quốc hội với ông chủ sắp mãn nhiệm của Nhà Trắng khiến kế hoạch rơi vào bế tắc ngay ở khâu cuối cùng. Kế hoạch kích cầu 892 tỷ USD và kế hoạch ngân sách tài khóa 2021 trị giá 1.400 tỷ USD nằm chung trong dự luật chi tiêu quy mô 2.300 tỷ USD.
Ông Trump cảnh báo không ký dự luật về gói cứu trợ Covid-19 và đề nghị Quốc hội điều chỉnh một số điểm ở cả kế hoạch kích cầu và kế hoạch ngân sách.
Trước đó, hôm 22/12, Tổng thống Trump đã yêu cầu điều chỉnh hai phần luật chi tiêu phức tạp khác đều được Quốc hội thông qua sau nhiều tháng đàm phán. Ông Trump yêu cầu các nhà lập pháp thay đổi phần viện trợ Covid-19 trong gói cứu trợ trị giá gần 900 tỷ USD để mỗi người Mỹ nhận được 2.000 USD, thay vì mức 600 USD.
Cuối tuần trước, lưỡng viện Quốc hội Mỹ đã thông qua dự luật này và chuẩn bị gửi tới Nhà Trắng để ông Trump đặt bút ký thành luật. Nhưng trái với mong đợi, ông Trump bất ngờ dọa không ký và đề nghị Quốc hội điều chỉnh một số điểm ở cả kế hoạch kích cầu và kế hoạch ngân sách.
Các nghị sỹ Dân chủ trong Hạ viện ủng hộ yêu cầu của ông Trump về việc nâng mức hỗ trợ trực tiếp dành cho mỗi cá nhân trong gói kích cầu từ 600 USD lên 2.000 USD.
Phe Dân chủ cho rằng kế hoạch 892 tỷ USD là chưa đủ để trợ lực nền kinh tế vượt qua đại dịch Covid-19 hiện nay đã khiến 320.000 người Mỹ tử vong.
Trong khi đó, phe Cộng hòa đã tìm cách ngăn cản yêu cầu này. Các nghi sỹ đảng Cộng hòa muốn thay đổi khoản viện trợ nước ngoài trong dự luật chi tiêu, nhằm giải quyết những khiếu nại khác của Tổng thống Trump. Tuy nhiên, điều này lại bị các nghĩ sỹ phe Dân chủ bác bỏ.
Lãnh đạo phe Cộng hòa tại Hạ viện Kevin McCarthy hôm 24/12 nói rằng đảng Dân chủ nên sẵn sàng cắt giảm viện trợ nước ngoài và các khoản khác trong dự luật mà ông đánh giá là chi tiêu lãng phí.
Trong suốt nhiều tháng đàm phán dự luật chi tiêu dài 5.500 trang, phe Cộng hòa không muốn nâng mức hỗ trợ trong gói kích cầu vì họ muốn quy mô của kế hoạch chỉ ở mức dưới 900 tỷ USD. 
Kế hoạch kích cầu rơi vào bế tắc đúng lúc hơn 14 triệu người lao động Mỹ đang cần sự hỗ trợ để vượt qua ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, sự bế tắc này còn đặt Chính phủ Mỹ trước nguy cơ phải đóng cửa từ ngày 29/12 tới vì hết ngân sách hoạt động, giữa lúc giới chức đang gấp rút thực hiện chiến dịch tiêm phòng vaccine lớn nhất lịch sử và đối phó với một cuộc tấn công mạng quy mô lớn.
Quốc hội hiện tại sẽ tạm dừng hoạt động vào cuối năm và được thay thế bằng Quốc hội mới vào ngày 3/1/2021, vì vậy dự luật sẽ tự động bị phủ quyết sau 10 ngày nếu ông Trump không có hành động nào tiếp theo. 
Phát biểu tại cuộc họp báo, lãnh đạo đảng Dân chủ tại Hạ viện Steny Hoyer cho biết: “Thật trớ trêu nếu chính phủ phải đóng cửa đúng vào thời điểm đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp nhất”.
Giới phân tích cho rằng vì thua ông Joe Biden trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020, ông Trump đang "trút giận" vào các dự luật mà Quốc hội thông qua. Không chỉ cảnh báo không ký dự luật gói cứu trợ Covid-19, ông Trump hôm 23/12 đã phủ quyết một dự luật quốc phòng trị giá 740 tỷ USD.
Trước đây, hồi năm 2018, ông Trump đã khởi đầu cho kỷ lục 35 ngày Chính phủ Mỹ đóng cửa khi từ chối một dự luật chi tiêu liên bang vì phần ngân sách xây dựng bức tường biên giới giữa Mỹ và Mexico.

Hiện chưa rõ liệu ông Trump có đặt bút ký dự luật khi các yêu cầu của ông không được đáp ứng, hay sẽ có thêm động thái nào khác. Ông đang nghỉ Giáng sinh ở Florida và sẽ có chuyến chơi golf vào ngày thứ Năm theo giờ địa phương.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi cho biết, Hạ viện sẽ trở lại vào ngày 28/12 để bỏ phiếu về việc có từ chối quyền phủ quyết của ông Trump hay không. Đó cũng là ngày ngân sách cũ hết hạn. Hai phần ba Hạ viện và Thượng viện phải bỏ phiếu ủng hộ dự luật để yêu cầu từ chối của ông Trump bị vô hiệu./.
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần