Nhiều khó khăn khi khởi nghiệp nông nghiệp sinh thái
Nông nghiệp là ngành kinh tế rất quan trọng của Việt Nam, đóng góp khoảng 14% GDP và 38% việc làm cũng như đứng thứ hai về phát thải tại Việt Nam, tạo ra 19% tổng lượng khí phát thải hàng năm. Điều này cũng trùng với nghiên cứu mới được Tổ chức ActionAid Quốc tế công bố, trong đó năng lượng hóa thạch và sản xuất công nghiệp theo quy mô công nghiệp là hai ngành thải khí nhà kính nhiều nhất thế giới.
Trong bối cảnh đó, nông nghiệp sinh thái là giải pháp giúp Việt Nam xây dựng nền nông nghiệp bền vững và thực hiện cam kết trở thành nước có phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Ở một góc nhìn khác, thanh niên Việt Nam chiếm 36% là nòng cốt của lực lượng lao động nhưng đang lúng túng với tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm phù hợp, khó khăn khi lập nghiệp. Nhiều thanh niên đã chọn dấn thân khởi nghiệp; dù vậy có khoảng 90% DN khởi nghiệp chưa thành công. Và phần lớn thanh niên không chọn nông nghiệp, nông nghiệp sinh thái để khởi nghiệp.
Tại buổi tọa đàm “Thanh niên khởi nghiệp và nông nghiệp sinh thái” được tổ chức chiều ngày 11/9/2023, tại tỉnh Ninh Bình, các diễn giả là đại diện cơ quan nghiên cứu, cơ quan quản lý, thanh niên đã thảo luận về tình trạng ô nhiễm môi trường và sự gia tăng phát thải nhà kính trong sản xuất nông nghiệp. Các diễn giả và người khởi nghiệp, thanh niên cũng thảo luận về vai trò quan trọng của nông nghiệp sinh thái đối với phát triển bền vững, cùng những thuận lợi, khó khăn và giải pháp khuyến khích thanh niên khởi nghiệp trong lĩnh vực này như về kỹ thuật, thời tiết, hệ sinh thái, thổ nhưỡng, khả năng vận dụng các mô hình, sự tạo điều kiện về nguồn vốn từ phía gia đình…
Bí thư huyện đoàn Nho Quan (tỉnh Ninh Bình) Đinh Ngọc Vường cho rằng, mỗi thanh niên khởi nghiệp có thuận lợi và khó khăn khác nhau. Nhìn chung đối với thanh niên huyện Nho Quan có nhiều khó khăn khi khởi nghiệp, trong đó có tiếp cận và sử dụng nguồn vốn. Vì đa số thanh niên ở với gia đình và phụ thuộc nhiều vào bố mẹ. Khi thanh niên cần vốn thì phải có tài sản thế chấp nhưng nhiều gia đình chưa tin tưởng để cho các bạn tiếp cận. Thứ nữa, mặc dù có nhiều thông tin về khởi nghiệp nhưng các bạn thanh niên chưa được tiếp cận nguồn tin chính thống.
Là người có 11 năm khởi nghiệp và thành công với mô hình nông nghiệp sinh thái (nuôi ếch, cá, trồng cây,…), chị Nguyễn Thị Nam Phương đến từ huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng chia sẻ: Năm 2012 khi khởi nghiệp nông nghiệp sinh thái, số vốn của tôi là 30 triệu đồng tích cóp được sau 5 năm làm việc ở TP. Nhưng trước tiên để có vốn bao nhiêu thì các bạn phải xác định nuôi con gì, trồng cây gì. Các bạn muốn làm nông nghiệp sinh thái thì tận dụng tối đa những cái có thể kết hợp được để tạo nên môi trường tốt, phát huy hết khả năng của con vật và cây trồng. Một điều quan trọng là các bạn phải thật sự yêu thích nông nghiệp sinh thái, làm việc bằng niềm vui, hạnh phúc, dù có vất vả, cực khổ.
Hỗ trợ xây dựng năng lực khởi nghiệp cho gần 15.000 thanh niên
Nguồn vốn để khởi nghiệp bằng nông nghiệp sinh thái sẽ được lấy từ đâu và bao nhiêu là đủ, là câu hỏi được nhiều bạn trẻ đặt ra trong buổi tọa đàm. Ông Đinh Ngọc Vường cho rằng hiện nay thanh niên đang có điều kiện thuận lợi để khởi nghiệp với nông nghiệp sinh thái. Nhà nước đã có nhiều chính sách khuyến khích và hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp và phát triển nông nghiệp sinh thái. Trong đó có Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Chương trình “Hỗ trợ thành niên khởi nghiệp” giai đoạn 2022 – 2030.
Về khó khăn trong tiếp cận kiến thức để khởi nghiệp nông nghiệp sinh thái, theo PGS.TS. Nguyễn Xuân Lộc - Phó Trưởng Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên, trường Đại học Cần Thơ: Để khởi nghiệp sinh thái hiệu quả thì các bạn tham gia các khóa tập huấn kiến thức về nội dung này. Các bạn có thể đăng ký qua cơ quan Trung ương Đoàn để mời các chuyên gia tổ chức tập huấn. Bên cạnh đó là ý tưởng khởi nghiệp; nội dung, dự án khởi nghiệp để xác định nguồn kinh phí và phải tự học, tìm hiểu và chấp nhận thất bại. Và một điều rất quan trọng là phải có đam mê.
Trao đổi với báo chí về việc tổ chức Tọa đàm “Thanh niên khởi nghiệp và nông nghiệp sinh thái”, Trưởng đại diện Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (ActionAid) Hoàng Phương Thảo cho hay: Chúng tôi đang làm việc với 11 tỉnh thành trong cả nước và được biết các thanh niên có nhu cầu khởi nghiệp riêng của mình là rất lớn. Và đây cũng là chương trình được Nhà nước ưu tiên tổ chức và hỗ trợ. Tuy nhiên, không nhiều thanh niên khởi nghiệp thành công. Những người chọn nông nghiệp để khởi nghiệp là không nhiều và thành công thì càng không nhiều nữa. Do đó tọa đàm này có thể đem lại một số các thông tin mới cho các bạn đoàn viên, thanh niên như: Thế nào là nông nghiệp sinh thái; đặc điểm của nông nghiệp sinh thái khác với làm nông nghiệp; thanh niên khởi nghiệp thì gặp khó khăn và thuận lợi ra sao; các giải pháp tháo gỡ khó khăn và khuyến khích thanh niên khởi nghiệp,…
Theo bà Hoàng Phương Thảo cũng cho biết, tọa đàm là một phần của chương trình lớn hơn do ActionAid và Quỹ AFV đang hợp tác, đó là dự án Hỗ trợ thanh niên Việt Nam trở thành công dân toàn cầu. Các bạn thanh niên trở thành công dân toàn cầu trong việc mạnh dạn hơn về hiểu biết xã hội, tham gia vào các vấn đề, chính sách liên quan đến thanh niên. Các bạn cũng có thể trở thành công dân toàn cầu khi có những cái kinh nghiệm rất thành công và trao đổi với các thanh niên ở những nước khác. Với chương trình này chúng tôi mong muốn hỗ trợ xây dựng năng lực cho gần 15.000 thanh niên cùng đoàn viên trong cả nước trở thành công dân toàn cầu.
Tọa đàm “Thanh niên khởi nghiệp và nông nghiệp sinh thái” là một hoạt động trong khuôn khổ chương trình Xanh lên Việt Nam ơi do Tổ chức ActionAid, Quỹ AFV phối hợp với UBND huyện Nho Quan (tỉnh Ninh Bình) và Ban quản lý Vườn quốc gia Cúc Phương phối hợp thực hiện. Chương trình là hành động thực hiện cam kết của ActionAid-AFV trong hỗ trợ hành động của người dân nhằm cải thiện khả năng phục hồi và thích ứng với thiên tai, biến đổi khí hậu và xây dựng cộng đồng an toàn, khuyến khích thanh niên Việt Nam trở thành công dân toàn cầu.
Việc Ban tổ chức lựa chọn Nho Quan để tổ chức tọa đàm là bởi nơi đây được lãnh đạo tỉnh rất quan tâm đến chương trình khởi nghiệp và đã nhiều chương trình khởi nghiệp khác nhau thành công ở địa bàn này. Nho Quan có nhiều giá trị đặc biệt về đa dạng sinh học không chỉ quý hiếm ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Nếu Nho Quan muốn phát triển bền vững thì khởi nghiệp bằng nông nghiệp sinh thái là nhu cầu bắt buộc để thực hiện và bảo tồn những giá trị đặc biệt này.