Một đầu mối chịu trách nhiệm chính Theo Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Văn Tứ, Sở có lượng TTHC lớn và liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội. Do vậy, để giảm thiểu tối đa thời gian giải quyết TTHC, Sở đã rà soát, ban hành các quy trình giải quyết công việc ngay trong chính nội bộ cơ quan. Cùng với đó, thực hiện liên thông, phối hợp giải quyết TTHC, thu gọn về một đầu mối chịu trách nhiệm chính. Kết quả, nhiều TTHC đã được rút ngắn thời gian giải quyết từ 30 - 60%. Đáng kể như thủ tục đăng ký đầu tư dự án gắn với thành lập tổ chức kinh tế của nhà đầu tư nước ngoài không phải quyết định chủ trương đầu tư, lấy ý kiến thẩm định dự án, đã giảm từ 18 ngày xuống 10 ngày làm việc (giảm 44% so với quy định). Đối với dự án phải quyết định chủ trương đầu tư, lấy ý kiến thẩm định cũng giảm từ 8 ngày xuống 3 ngày kể từ khi nhận được Quyết định chủ trương đầu tư hoặc ý kiến thẩm định của cơ quan có thẩm quyền (giảm 62% thời gian giải quyết so với quy định)…
Tại Sở KH&ĐT, các thủ tục liên quan đến đăng ký, thành lập DN luôn có khối lượng giao dịch lớn. Thực hiện chỉ đạo của UBND TP, từ ngày 22/8/2016, Sở đã triển khai đăng ký qua mạng đối với toàn bộ 12 TTHC trong đăng ký DN (không phải nộp phí khi thực hiện trực tuyến) như thay đổi thông tin người quản lý DN, thay đổi nội dung đăng ký thuế… Bên cạnh đó, thời gian giải quyết một hồ sơ đăng ký DN cũng rút ngắn còn 2 ngày làm việc và thời gian để nhận kết quả cũng chỉ thực hiện trong 2 giờ làm việc khi cán bộ thụ lý nhận đủ hồ sơ của DN. “Chỉ sau 3 ngày triển khai việc thực hiện, 100% thủ tục đăng ký DN qua mạng, số lượng hồ sơ tiếp nhận trực tuyến của Sở đã tăng lên 48%, vượt xa so với chỉ tiêu của Nghị quyết 36a của Chính phủ (quy định đến năm 2020 có 15% TTHC được thực hiện trực tuyến mức độ 3) và Chương trình 08 của Thành ủy (trên 40% TTHC mức độ 3). Sở KH&ĐT phấn đấu hết năm 2016 sẽ có trên 50% TTHC được thực hiện qua mạng” - ông Tứ thông tin. Đánh giá kết quả bằng sự hài lòng Xác định người dân, DN là đối tượng phục vụ chứ không phải đối tượng quản lý, Sở đã nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức và thái độ phục vụ của cán bộ, công chức nhằm tạo sự hài lòng. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn những ý kiến phàn nàn của DN, còn hồ sơ chậm, muộn. Tại cuộc kiểm tra về công tác CCHC tại Sở vừa qua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đã chỉ ra, có những dự án trình lên Thường trực Thành ủy xin chủ trương đầu tư, xem lại lịch sử hồ sơ thì có quá trình chuẩn bị lên đến 5 - 6 năm, như vậy là quá dài. Trong khi TP đang đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút các nguồn lực đầu tư. Từ đó, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cho rằng, trong CCHC, “kế hoạch một, biện pháp phải 10 và quyết tâm thì phải cao hơn nữa”. Cùng với nghiêm khắc chỉ ra những việc còn hạn chế, quyết tâm cao để CCHC, cần nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Kết quả phải được khẳng định bằng đánh giá của các cấp có thẩm quyền, nhất là DN và người dân. Dù giải thích việc còn hồ sơ chậm, muộn, nhất là các dự án ngoài đầu tư công, có sử dụng đất trên địa bàn là sự mâu thuẫn giữa các luật, quy trình cần lấy ý kiến các sở, ngành…, tuy nhiên, Sở KH&ĐT cũng khẳng định quyết tâm trong việc khắc phục. Lãnh đạo Sở cho biết, đang trình UBND TP thành lập một tổ công tác liên thông để rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục quyết định chủ trương đầu tư các dự án ngoài đầu tư công, có sử dụng đất trên địa bàn, với mong muốn tổng thời gian từ khi nhà đầu tư nộp hồ sơ đến khi nhận quyết định chủ trương đầu tư (kết quả) rút xuống còn 17 ngày làm việc (tương ứng sẽ giảm 51,4% so với quy định). Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Văn Tứ khẳng định: Sở luôn xác định rõ CCHC mang lại những thuận lợi gì cho người dân, DN và phải lượng hóa được bằng các giá trị, đích đến cuối cùng là hiệu quả công việc cụ thể, là sự hài lòng của công dân, DN để nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh, tạo môi trường đầu tư thông thoáng.
Doanh nghiệp làm thủ tục đăng ký kinh doanh tại Sở KH&ĐT Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng |