Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Grab thua kiện Vinasun: Phán quyết của tòa là cơ sở để xây dựng hành lang pháp lý

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vụ kiện giữa Vinasun và Grab đã có kết quả cuối cùng khi TAND TP Hồ Chí Minh đưa ra phán quyết Grab phải bồi thường cho Vinasun 4,8 tỷ đồng vì những thiệt hại đã gây ra cho doanh nghiệp này.

Trên thực tế, số tiền Grab phải bồi thường cho Vinasun thấp hơn nhiều so với đề nghị của DN Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia và DN vận tải trong nước đánh giá, đây là “chiến thắng” có ý nghĩa quan trọng của taxi nội địa trong cuộc cạnh tranh với gã khổng lồ Grab.
Cơ sở để xây dựng hành lang pháp lý
Vụ Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) khởi kiện Công ty TNHH Grab (Grab) bắt đầu từ tháng 6/2017. Phía Vinasun cho rằng, Grab đã lợi dụng việc Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) ban hành quyết định 24 về “Kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng” (Đề án 24) để thực hiện nhiều vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh vận tải taxi, gây náo loạn thị trường.
Theo Vinasun, những vi phạm của Grab đã khiến DN này bị thiệt hại gần 42 tỷ đồng trong năm 2016 và nửa đầu năm 2017. Phiên tòa đã được mở 2 lần vào tháng 2 và tháng 9/2018 nhưng sau đó đã bị hoãn.
Phán quyết của HĐXX trong vụ kiện giữa Vinasun và Grab là cơ sở để các nhà làm luật xây dựng lại hành lang pháp lý về kinh doanh vận tải hành khách.
Đến sáng 28/12/2018, TAND TP Hồ Chí Minh đã chính thức đưa ra xét xử vụ kiện gây nhiều chú ý này. Tại phiên xét xử, đại diện VKSND TP Hồ Chí Minh khẳng định Grab có vi phạm pháp luật và thiệt hại do những vi phạm này gây ra cho Vinasun có thể lớn hơn. Chỉ có điều Vinasun không chứng minh được thiệt hại của mình là do duy nhất Grab gây ra. Đại diện Viện Kiểm soát đề xuất TAND Tối cao kiến nghị Bộ GTVT và các cơ quan liên quan xây dựng lại khung pháp lý về quản lý các loại hình kinh doanh vận tải để đảm bảo môi trường kinh doanh công bằng.
Hội đồng Xét xử (HĐXX) đưa ra quan điểm, việc Grab chỉ công nhận mình là đơn vị cung cấp phần mềm công nghệ là không hợp lý bởi từ những chứng cứ thu được về quá trình hoạt động của Grab cho thấy việc DN này cung cấp phần mềm ứng dụng là phương thức nằm trong quy trình vận tải của Grab. Bên cạnh đó, hợp đồng của Grab cũng không đáp ứng điều kiện về hợp đồng điện tử nên không được xem là hợp đồng điện tử.
Từ những lập luận trên, HĐXX khẳng định hoạt động của Grab là kinh doanh taxi đồng thời xác định Grab đã vi phạm Nghị định 86 và Đề án 24 khi chỉ được cung cấp phần mềm ứng dụng nhưng lại kinh doanh vận tải taxi. Phán quyết trên của HĐXX có giá trị quan trọng về mặt pháp lý. Từ phán quyết này sẽ giúp các cơ quan có thẩm quyền xây dựng hành lang pháp lý và tạo ra môi trường kinh doanh công bằng trong lĩnh vực hoạt động vận tải hành khách bằng xe taxi vốn đã và đang gây rất nhiều tranh cãi trong thời gian qua.
Về yêu cầu Grab bồi thường thiệt hại gần 42 tỷ đồng của Vinassun, HĐXX cho rằng dù xác định được thiệt hại do sụt giảm giá trị vốn hóa thị trường nhưng không xác định được phần thiệt hại nào do Grab gây ra, phần nào do các yếu tố khác. Do đó, HĐXX chỉ chấp nhận một phần yêu cầu của Vinasun, buộc Grab bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng số tiền 4,8 tỷ đồng, đồng thời kiến nghị cơ quan có thẩm quyền một số vấn đề về quản lý.
Kì vọng vào Nghị định 86 sửa đổi
Nhận định về phán quyết của HĐXX trong vụ kiện giữa Vinasun và Grab, chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa khẳng định, ông hoàn toàn ủng hộ phán quyết của HĐXX khi cho rằng Grab đã vi phạm pháp luật Việt Nam. Bên cạnh đó, chuyên gia kinh tế này cũng bày tỏ hy vọng về Nghị định 86 sửa đổi đang được Bộ GTVT và các cơ quan liên quan soạn thảo sẽ đưa ra một định danh chính xác về Grab để tạo ra môi trường kinh doanh công bằng, lành mạnh trong lĩnh vực vận tải hành khách bằng xe taxi.
Ông Trần Thanh Hải - Tổng Giám đốc Be Group
“Các mô hình như Grab cần được sớm định danh rõ ràng là loại hình kinh doanh vận tải để tạo ra một môi trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh cho các DN và đồng thời mong đợi các nhà hoạch định chính sách sớm đưa ra các giải pháp và sửa đổi phù hợp cho Nghị định 86 mới” - chuyên gia Lê Xuân Nghĩa nói.
Đồng quan điểm trên, ông Trần Thanh Hải - Tổng Giám đốc Công ty Be Group khẳng định phán quyết của HĐXX là hoàn toàn chính xác. “Quan điểm cá nhân của tôi đây (tức mô hình kinh doanh của Grab - PV) là dịch vụ vận tải vì bản chất chúng ta đưa khách từ điểm A đến điểm B. Tất cả chuỗi công nghệ khoa học, gọi tắt là 4.0, chỉ giúp tối ưu hóa công việc, giúp ngành vận tải làm tốt hơn, tiết kiệm chi phí, đem lại giá trị tốt hơn cho đồng tiền người tiêu dùng” - ông Hải nhận định.
Lãnh đạo Be Goup khẳng định, DN này được đăng ký kinh doanh trong lĩnh vực vận tải, nghĩa là chúng tôi đã định danh rất rõ ngay từ đầu, với cam kết minh bạch các chính sách và quá trình hoạt động là tiêu chí hàng đầu. Do đó, nếu như có ý kiến nào cho rằng gọi loại hình dịch vụ này là công ty vận tải sẽ đi ngược công nghiệp 4.0 thì tôi nghĩ là sai hoàn toàn, bởi chính Be Group cũng là một trong những đơn vị đi tiên phong trong việc đưa công nghệ 4.0 vì chuỗi dịch vụ nhưng không hề thay đổi bản chất mô hình kinh doanh là dịch vụ kinh doanh vận tải.
“Chúng tôi cũng như các DN vận tải khác đều chung một mong muốn là tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng để mang lại quyền lợi tốt nhất cho người tiêu dùng, cũng như phải tuân thủ đầy đủ điều kiện kinh doanh, quyền và nghĩa vụ do pháp luật quy định và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đóng thuế với Nhà nước” - ông Hải nói.