GrabTaxi được triển khai thí điểm tại 5 thành phố lớn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý việc triển khai thí điểm ứng dụng công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động giao thông vận tải hành khách theo hợp đồng.

Hồi cuối tháng 8/2015 vừa qua Bộ GTVT đã trình lên Chính phủ đề án "Triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng” của Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho phép triển khai thí điểm đề án này tại các thành phố: Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Ninh và Khánh Hòa.
Dịch vụ taxi như của GrabTaxi hay Uber đang dần được hợp thức hóa
Dịch vụ taxi như của GrabTaxi hay Uber đang dần được hợp thức hóa
Thời gian thí điểm sẽ kéo dài trong vòng 2 năm. Theo Bộ GTVT, đề án sẽ đưa hoạt động kết nối dịch vụ vận tải dựa trên nền tảng công nghệ thông tin vào nề nếp và phù hợp với khuôn khổ pháp luật, tạo tiền đề cho việc triển khai các dự án ứng dụng khoa học công nghệ cho ngành vận tải trong tương lai. Đồng thời đáp ứng nhu cầu thực tiễn của người sử dụng về tiết kiệm thời gian và chi phí giao dịch, cũng như xu hướng sử dụng thiết bị di động thông minh.

Cụ thể, theo đề án, GrabTaxi sẽ là doanh nghiệp duy nhất ở Việt Nam tính tới thời điểm hiện tại được phép triển khai dịch vụ kết nối cho loại xe chở khách dưới 9 chỗ theo hình thức hợp đồng. GrabTaxi sẽ thường xuyên báo cáo lên cơ quan chức năng danh sách đơn vị và các xe sử dụng phần mềm kết nối nhằm giám sát nghĩa vụ thuế cũng như đảm bảo quyền lợi cho khách hàng.

Hiện tại ở Việt Nam đang có rất nhiều phần mềm hỗ trợ việc kết nối giữa hành khách và đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải hành khách như: GrabTaxi, LiveTaxi, TaxiChiềuVề, Uber, AdTOS, iMove.