Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

GS Ngô Bảo Châu và cựu IMO giải đáp băn khoăn học toán để làm gì?

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Tại buổi toạ đàm nhân kỷ niệm 50 năm Việt Nam tham dự kỳ thi Olympic Toán quốc tế (IMO), GS Ngô Bảo Châu cùng các cựu IMO (những người từng giành huy chương IMO) đã dành thời gian chia sẻ về ý nghĩa, vai trò của toán học với đời sống và với chính bản thân mình.

Không phải làm nghiên cứu toán mới cần toán

GS Ngô Bảo Châu hiện là Giám đốc khoa học Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán và GS tại ĐH Chicago (Mỹ). GS là người Việt Nam đầu tiên và duy nhất tính đến thời điểm hiện tại giành Giải thưởng Fields; là học sinh đầu tiên và là một trong số 10 học sinh Việt Nam tính đến thời điểm này hai lần đoạt Huy chương Vàng IMO (IMO 1988 và IMO 1989).

GS Ngô Bảo Châu và các diễn giả tham gia toạ đàm nhân dịp 50 năm Việt Nam tham dự IMO.
GS Ngô Bảo Châu và các diễn giả tham gia toạ đàm nhân dịp 50 năm Việt Nam tham dự IMO.

Bàn về toán học, GS Ngô Bảo Châu cho rằng, hiện dư luận xã hội có nhiều người băn khoăn về môn toán và học toán. Họ thường đặt ra câu hỏi: Học toán để làm gì? Tại sao phải học toán nhiều như vậy trong khi cả đời chẳng bao giờ dùng đến tích phân, vi phân hay giải phương trình bậc hai.

Theo GS Ngô Bảo Châu, học toán không phải chỉ để giải phương trình mà  để tăng khả năng ra quyết định một cách độc lập. Quyết định ở đây không phải vì nghe người ta bảo thế mà phải tự biện chứng với chính mình, rằng quyết định đó với mình là đúng đắn. Do vậy, học toán không chỉ quan trọng với người làm khoa học mà còn quan trọng và có ý nghĩa với tất cả mọi người. Đất nước sẽ lớn mạnh khi mọi người có kỹ năng tư duy độc lập và duy lý. Diện mạo đất nước cũng thay đổi tích cực nếu học sinh và người dân học toán tốt hơn.

Theo PGS.TS Nguyễn Phi Lê – Giám đốc trung tâm Nghiên cứu quốc tế về Trí tuệ nhân tạo (BKAI), ĐH Bách Khoa Hà Nội - người từng giành Huy chương Bạc tại IMO 2000, cũng là nữ sinh thứ 11 của Việt Nam giành huy chương trong lịch sử IMO Việt Nam thì toán học có vai trò rất quan trọng trong cuộc sống.

Học toán không phải để hướng đến các cuộc thi mà quan trọng, toán cho người ta tư duy logic tốt. Khi học toán chuyên sâu trong một thời gian dài; đồng nghĩa với việc được rèn luyện tính kiên trì, không ngại khó, ngại khổ; để nếu gặp vấn đề gì thì sẽ tập trung, cố gắng vượt qua trở ngại và đạt được mục đích.

PGS.TS Nguyễn Phi Lê nêu quan điểm, không phải làm nghiên cứu về toán mới dùng đến toán mà mà toán sẽ áp dụng được trong nhiều ngành,  nghề, nhiều lĩnh vực. Nếu có kiến thức toán chuyên sâu, học tốt môn toán sẽ giúp ích rất nhiều. Trong điều hành, trong cuộc sống cũng vậy, nếu người nào có tư duy tốt thì sẽ có kỹ năng tổng hợp, bao quát tốt; từ đó lên kế hoạch, giải quyết vấn đề tốt.

Rèn sự kiên trì và quyết tâm từ học toán

Với TS Phạm Tuấn Huy, ĐH Stanford, Mỹ - người từng 2 lần giành Huy chương Vàng IMO (2013, 2014), kiến thức toán có thể không liên hệ trực tiếp với công việc nhưng rất có ý nghĩa trong rèn luyện cho anh tính không ngại khó.

3 cựu IMO chia sẻ tại hội thảo. Từ trái qua phải: TS Phạm Tuấn Huy- ĐH Stanford, Mỹ; PGS.TS Nguyễn Phi Lê – Giám đốc trung tâm Nghiên cứu quốc tế về Trí tuệ nhân tạo (BKAI), ĐH Bách Khoa Hà Nội và anh Phạm Kim Hùng, CEO Cty Cổ phần True Platform.
3 cựu IMO chia sẻ tại hội thảo. Từ trái qua phải: TS Phạm Tuấn Huy- ĐH Stanford, Mỹ; PGS.TS Nguyễn Phi Lê – Giám đốc trung tâm Nghiên cứu quốc tế về Trí tuệ nhân tạo (BKAI), ĐH Bách Khoa Hà Nội và anh Phạm Kim Hùng, CEO Cty Cổ phần True Platform.

Lấy ví dụ, khi giải toán sơ cấp, anh mong sẽ có lời giải thật đẹp nhưng khi đi thi thì không phải lúc nào cũng tìm được lời giải như mong muốn. Cũng như cuộc sống, chúng ta luôn gặp những con đường ghập ghềnh nhưng dù khó như thế nào thì vẫn phải cố gắng để đi từ từ và kiên nhẫn hết mức có thể; như vậy, sớm muộn cũng sẽ đi đến bước cuối cùng. Triết lý này anh có được từ việc học toán và anh luôn mang nó trong hành trang cuộc sống và công việc sau này.

Anh Phạm Kim Hùng - người từng đoạt Huy chương Vàng IMO 2004 và Huy chương Bạc IMO 2005, giành học bổng toàn phần tại ĐH Standford, Mỹ chia sẻ, triết lý của toán học và tư duy logic của toán học giúp ích anh rất nhiều trong cuộc sống cũng như trong công việc. Giá trị lớn nhất khi học toán là giúp cho anh sự kiên trì; có thể tập trung trong thời gian dài. 

Chứng minh tư duy toán giúp ích nhiều trong các ngành nghề khác nhau, biên tập viên, bình luận viên bóng đá công tác tại Đài Truyền hình Việt Nam Nguyễn Hữu Việt Khuê có chia sẻ rất thú vị. BTV Việt Khuê từng tốt nghiệp Thủ khoa chương trình đào tạo Cử nhân khoa tài năng Toán, Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội kiêm Thủ khoa đại học toàn quốc năm 2006; cựu học sinh tiêu biểu Trường THPT chuyên Hà Nội- Amsterdam, từng được cộng đồng mạng trầm trồ với bảng điểm đại học “toàn 10” cho hay, tuy hiện làm một công việc không liên quan gì đến toán nhưng kiến thức toán và tư duy logic của người học toán giúp ích anh rất nhiều trong công việc.

Đơn cử, trong vòng chung kết EURO 2024, vòng đấu giữa Bỉ - Rumani- Slovakia – Ukraina có 4 đội bằng điểm nhau. Trước trận cuối cùng, rất nhiều khả năng có thể xảy ra với 4 đội và anh đã dành khoảng 2 phút để phân tích các khả năng này với người yêu bóng đá trên sóng truyền hình. Sau chương trình đó, anh nhận được nhiều phản hồi tích cực từ đồng nghiệp và khán giả. Theo anh, đó chỉ là ứng dụng nho nhỏ với những gì đã được học về môn toán.

 

“Bộ GD&ĐT luôn đề cao vai trò môn Toán, từ phổ thông đến đào tạo đại học, sau đại học, trong nghiên cứu. Hiện nay, với sự phát triển của khoa học công nghệ, toán học càng trở nên quan trọng. Để thúc đẩy dạy học toán, tăng hứng thú và học toán hiệu quả, phải bắt đầu từ phổ thông, làm tốt hơn việc dạy và học toán ở phổ thông, nghiên cứu tốt hơn ở đại học. Làm sao để toán học không những chiếm nhiều hơn trong chương trình đào tạo mà dạy - học toán phải tạo hứng thú, hiệu quả hơn cho người học.

Với công nghệ hiện nay, một thầy giỏi toán có thể dạy cho nhiều học sinh, không chỉ trường mình, địa phương mình mà trên toàn quốc. Đóng góp của thầy giỏi vì vậy sẽ rộng hơn. Học sinh không chỉ học từ một thầy giỏi mà có thể học nhiều thầy giỏi, từ đó có được nhiều học sinh giỏi hơn. Như vậy, nền toán học của chúng ta có sự phát triển bứt phá”, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn.