GS.TS Nguyễn Văn Hiệp – Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học Việt Nam |
Thưa ông, cách dùng từ ngữ của người Việt Nam hiện nay so với trước có nhiều thay đổi?
- Ngôn ngữ là một sinh thể, phát triển và thay đổi không ngừng qua thời gian. Ngôn ngữ có cái rất hay, đó là mỗi lần nhận thức phát triển lại đòi hỏi cách diễn đạt mới, từ đó cung cấp những phương tiện diễn đạt mới. Vì thế có thể gọi ngôn ngữ là nguồn tài nguyên vừa ổn định, vừa linh hoạt cho việc diễn đạt. Để đáp ứng nhu cầu giao tiếp và chức năng làm công cụ nhận thức, ngôn ngữ đã có nhiều thay đổi, tiến hóa theo thời gian. Chẳng hạn, các quá trình ngữ pháp hóa là biểu hiện của sự tiến hóa đó: những từ “cái”, “con” vốn là thực từ sau đó chuyển sang danh từ đơn vị hoặc loại từ. Trước đây, trong một cuốn sách về quá trình tiếp xúc với ngôn ngữ, nhà nghiên cứu Phan Ngọc đã đề cập đến những biến đổi của ngữ pháp tiếng Việt do sự tiếp xúc với tiếng Pháp.Trên mạng xã hội, giới trẻ dùng từ rất thoải mái, thậm chí rất… bất thường. Điều đó có ảnh hưởng đến việc giữ gìn sự trong sáng và phát triển tiếng Việt?- Vấn đề này lớn, không phải bây giờ mới đặt ra. Rõ ràng hiện nay, giới trẻ có cách dùng từ… không giống ai. Ví dụ họ dùng “hơi bị đẹp”, “hơi bị hay”. Về nguyên tắc, từ “bị” thường đi kèm với cái gì đó để chỉ điều không hay xảy ra như “bị ốm”, “bị chó cắn”.Từ thời Thủ tướng Phạm Văn Đồng còn sống, ông đã trăn trở và băn khoăn rất nhiều cũng như lo lắng cho vấn đề giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Nhưng khi đọc lại những bài viết của ông, tôi thấy ông có một quan điểm rất biện chứng. Một mặt, ông nói đến việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, làm sao cho tiếng Việt vẫn là tiếng Việt. Mặt khác, ông cho rằng tiếng Việt cần thay đổi, phát triển để đáp ứng các nhu cầu diễn đạt mới, khi xã hội phát triển, nhận thức phát triển. Nếu chúng ta chỉ nhấn mạnh việc giữ gìn thì sẽ khước từ tất cả sự thay đổi. Một biên tập viên chương trình Dự báo thời tiết khi nói “Không khí lạnh mấp mé ở phía Bắc”, nhiều người phản đối cách dùng từ “mấp mé” bởi nó vốn chỉ dùng để nói về nước. Nhưng tôi nghĩ sự phản đối này là không đúng vì thông qua các ẩn dụ ý niệm, chúng ta có thể dùng kinh nghiệm lĩnh vực đã biết để nói về những vấn đề khác. Biên tập viên thời tiết đã dùng kinh nghiệm sóng nước để nói về thời tiết. Với cách dùng từ kiểu này, giới trẻ rất giỏi. Chẳng hạn, trong khẩu ngữ hàng ngày, họ hay nói câu “cái này giá chát quá”. Từ “chát” vốn chỉ trái cây xanh rất khó ăn, được chuyển nói về giá cả. Chúng ta đã có tiền lệ dùng từ như thế này, lúc đầu là khẩu ngữ nhưng dần dần một số cách được thừa nhận, trở thành một phương tiện biểu đạt được chấp nhận. Tôi muốn nhấn mạnh đến việc chúng ta chờ đợi sự thay đổi ngôn ngữ theo hướng thú vị và hấp dẫn hơn. Và quan trọng nhất là nó đáp ứng được yêu cầu biểu đạt của người Việt.Trong đời sống hàng ngày, có những người dùng câu nói tiếng Việt kèm theo từ tiếng Anh, cách nói bồi đó có phải là hội nhập?- Hội nhập không thể như vậy! Các nhà ngôn ngữ học nghiên cứu và phân tích có 3 hiện tượng gần nhau. Thứ nhất là vay mượn. Tức là tiếng Việt vay mượn từ tiếng Anh, Pháp, Nga… những cái mình không có. Ví dụ, khi xe đạp vào Việt Nam, mình mượn từ ghi-đông, xích, săm… Hay các thuật ngữ khoa học oxy, axit, bây giờ là marketing, computer… Thứ hai là trộn mã, ví dụ “Cậu/cô ấy mặc xì-tin quá!”. Thứ ba, chuyển mã. Trường hợp này chỉ người nói đang sử dụng tiếng Việt thì chuyển sang tiếng Anh. Về góc độ xã hội, việc trộn mã, chuyển mã là bình thường, nó đánh dấu giới và nhu cầu diễn đạt. Đây là hiện tượng phổ biến của các nước. Ở nước Anh, người ta cũng trộn mã và chuyển mã tiếng Tây Ban Nha. Cho nên tôi không nghĩ tiếng Việt sẽ bị ảnh hưởng xấu bởi điều đó.Học sinh Trường Tiểu học Nam Thành Công trong giờ học Tiếng Việt. Ảnh: Phạm Hùng |
Vậy, trong thời kỳ hội nhập, chúng ta nên sử dụng từ ngữ như thế nào cho phù hợp, thưa ông?
- Giới nghiên cứu phân biệt các phong cách chức năng với đặc điểm sử dụng từ ngữ khác nhau như trong hội thoại, khẩu ngữ hàng ngày, khoa học, văn chương. Mỗi phong cách hướng đến chuẩn riêng của nó. Chẳng hạn trong khẩu ngữ người ta dùng từ gây ấn tượng mạnh, biểu cảm như “đẹp vãi”, nhưng trong văn chương lại không thể. Khi nói trước công chúng thì phải dùng từ ngữ chuẩn mực. Các nhà khoa học viết bài nghiên cứu thì phải dùng từ ngữ hàn lâm. Dĩ nhiên các phong cách chức năng cũng không cố định, mà có sự thâm nhập và tác động lẫn nhau.Tôi nghĩ việc giữ gìn và phát triển tiếng Việt là của nhiều giới, nhiều người. Khi chúng ta có nền giáo dục tốt, cộng với nền văn hóa lành mạnh, hài hòa và có ý thức xem tiếng Việt là tài sản quý giá thì sẽ tạo điều kiện cho nó phát triển. Chúng ta đừng quá khắt khe với cách nói của giới trẻ hiện nay, vì đó là sự phát triển tự nhiên của ngôn ngữ; có điều sự phá cách, thay đổi phải có chừng mực, giới hạn. Vì thế chỉ can thiệp ở mức độ nào đó, ủng hộ những cách nói hay, thú vị nhưng phải hạn chế cái xấu.Xin cảm ơn ông!