Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

GS.TSKH.NGND Vũ Minh Giang: Đội ngũ trí thức phải có khát vọng lớn lao

Hà Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việt Nam đang có một cơ đồ lớn để thực hiện khát vọng đưa đất nước tới phồn vinh. Hơn bao giờ hết chúng ta phải biến tất cả những gì mình có thành lợi thế và nguồn tài nguyên trí tuệ, mà tinh hoa là đội ngũ trí thức chính là sức mạnh.

Đó là quan điểm được GS.TSKH.NGND Vũ Minh Giang - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo (ĐH Quốc gia Hà Nội), Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam nhấn mạnh trong cuộc trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị.

GS.TSKH.NGND Vũ Minh Giang
GS.TSKH.NGND Vũ Minh Giang

Trí thức luôn là một lực lượng quan trọng thúc đẩy sự phát triển của đất nước, điều đó đã được khẳng định. Thưa Giáo sư, vậy đội ngũ trí thức đang thể hiện những đóng góp như thế nào trong bối cảnh hiện nay?

- Chúng ta đã nói nhiều tới tầm quan trọng của một loại hình lao động đặc biệt là lao động trí tuệ. Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam, có lẽ vai trò của lao động trí tuệ còn có vị trí cao hơn.

Bởi ở một số quốc gia khi nền dân trí, trình độ khoa học công nghệ của họ đã đạt đến một mức độ nào đó, thì vai trò của trí thức giống như con tàu đã có gia tốc. Với Việt Nam, hiện mặt bằng dân trí vẫn chưa đồng đều, trình độ khoa học công nghệ còn thua so với trình độ thế giới, trong khi chúng ta đang mong muốn tăng tốc, hiện thực khát vọng sánh ngang hàng với các nước phát triển.

Trong bối cảnh ấy, người trí thức Việt Nam vừa phải làm đầu kéo, vừa phải làm đầu đẩy, vừa phải tuyên tuyền về mức độ quan trọng của sức mạnh trí tuệ. Đó là lý do có thể nói ở Việt Nam tầm quan trọng, vị trí của trí thức có phần cao hơn, khó hơn.

Nhưng chúng ta tin tưởng vào trí tuệ Việt Nam, mà đội ngũ tinh hoa chính là những nhà lãnh đạo, trí thức hàng đầu. Nhìn từ lịch sử, Việt Nam là một dân tộc “có một, không hai” với sức mạnh không thể lý giải được để vượt qua những thử thách vô cùng hiểm nghèo trong suốt chiều dài hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước.

Trong thế kỷ 20, chúng ta cũng đã có những kỳ tích trong chống ngoại xâm và có những thành tựu đáng khâm phục trong phát triển kinh tế ở thế kỷ 21. Đó không phải là ngẫu nhiên, mà chính là từ sức mạnh trí tuệ của dân tộc.

Để Việt Nam có thể phát huy, khai thác tốt nguồn lực này trong bối cảnh hiện nay, trước tiên và quan trọng nhất là phải tìm ra giải pháp để phát huy những giá trị cao nhất, tối ưu nhất của đội ngũ trí thức. Nghĩa là phải biến những gì người Việt Nam có thành lợi thế cạnh tranh quốc tế, thành sức mạnh vô hình nhưng vô địch để có thể đưa dân tộc đi lên.

Thưa Giáo sư, vậy đội ngũ trí thức Việt Nam có những điểm gì khác với đội ngũ trí thức ở các nước trên thế giới?

- Theo tôi, khác trước hết là chúng ta là một dân tộc nông dân, sống trong cơ cấu nông nghiệp, xã hội nông thôn, nhưng dân tộc ấy đã sinh ra nhiều nhà trí thức tầm cỡ, những tư tưởng lớn lao.

Tôi ví dụ, từ thời phong kiến, chúng ta đã có câu “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”. Điều đáng nói ở đây là ở thời điểm đó hầu như không tìm thấy ở đâu một tư tưởng lớn lao đến như vậy. Truyền thống hiếu học, trọng học, trọng trí thức cũng từ đây mà ra.

Đặc điểm nữa đã hình thành xa xưa là đội ngũ trí thức có mối quan hệ rất gần gũi với quần chúng Nhân dân, nhiều tiến sĩ có xuất thân từ con em của những nông dân nghèo. Từ khi Đảng trở thành tổ chức lãnh đạo hệ thống chính trị, đội ngũ trí thức công nông càng có điều kiện phát huy đặc điểm này.

Một điểm nổi bật của đội ngũ trí thức Việt Nam là những người xuất sắc trở thành những nhà lãnh đạo ưu tú. Như chúng ta đã biết, Chủ tịch Hồ Chí Minh, người thấu hiểu tầm quan trọng của tri thức với sự nghiệp cách mạng đã ra sức học tập để tự trở thành một trí thức.

Trong hàng ngũ các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước luôn có những trí thức uyên bác. Đây là hệ quả của truyền thống văn hóa Việt Nam, đặc điểm này lại trở thành tiền đề và môi trường thuận lợi cho trí thức Việt Nam phát huy vai trò của mình trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Vậy thưa Giáo sư, hiện đất nước đang cần gì ở đội ngũ trí thức và trí thức cần gì để phát huy tối đa tiềm năng, sức sáng tạo?

- Đây là vấn đề tôi cũng luôn trăn trở. Trước hết về việc đất nước cần gì ở đội ngũ trí thức. Theo tôi, đất nước ta đã qua thời kỳ mà giống như hình ảnh máy bay lăn bánh trên đường băng, đã đến lúc phải cất cánh, vươn tới sánh vai cùng các nước phát triển.

Trong giai đoạn bứt phá vươn lên, việc thắng chính mình là thách thức lớn nhất và để thực hiện khát vọng phồn vinh của dân tộc, là yêu cầu cao với trí thức.

Đòi hỏi đầu tiên để thực hiện được điều đó là đội ngũ trí thức phải có khát vọng lớn lao, đó khát vọng đem lại giá trị cho xã hội, giá trị cho cộng đồng, giá trị cho đất nước. Sự phát triển không bao giờ thành công nếu thiếu khát vọng, bởi đây chính là động lực bên trong để phấn đấu vươn lên.

Tiếp đó cần phải có tư duy tỉnh táo hơn bao giờ hết để chắt lọc những tinh hoa của thế giới, nhưng vẫn giữ bản sắc, nội lực.

Trí thức cũng cần có sự hy sinh. Khát vọng là cái mình muốn, tỉnh táo là trí tuệ, hy sinh là phải bỏ một phần cái tôi đi. Đấy là phẩm chất của trí thức toàn thế giới, không chỉ với Việt Nam.

Để phát triển đất nước, chúng ta phải chắt chiu và khai thác có hiệu quả nhiều loại tài nguyên, trong đó có tài nguyên trí tuệ, để tạo ra những sáng kiến, giải pháp trí tuệ. Đấy là những điều cần ở đội ngũ trí thức.

Vậy khi đội ngũ trí thức chính là tài nguyên trí tuệ, là một trong những động lực quan trọng, tiên phong, quyết định tốc độ, trình độ, chất lượng phát triển của mỗi quốc gia.

Để đội ngũ này phát huy hết tài năng, khả năng sáng tạo, trước hết cần sự tôn trọng với đội ngũ trí thức. Điều này lãnh đạo các cấp cũng như xã hội dường như đang đáp ứng được, đã thể hiện trong thực tiễn.

Thứ hai là cần môi trường học thuật. Bởi chúng ta muốn tạo ra sự sáng tạo lớn, cần “lót ổ” cho trí tuệ, tạo ra môi trường học thuật lành mạnh

Thứ ba chính là có sự đáp ứng được những điều kiện tối thiếu cho những hoạt động khoa học, tránh tình trạng bình quân, kể cả trong chế độ lương, đãi ngộ...

Thứ tư là chính sách xã hội phải đáp ứng yêu cầu đặc thù. Chúng ta phải có chiến lược, cơ chế, chính sách để tận dụng được kiến thức của những nhà nghiên cứu, nhà khoa học có thâm niên, bởi đặc thù lao động trí óc cần sự tích lũy kiến thức và kinh nghiệm, không phải tính theo tuổi hưu.

Theo đó, đấy là những điều trí thức cần để từ đó huy động tối đa năng lực của mình trong xây dựng đất nước hùng cường.

   Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!