Gửi vàng bị thu phí: Người dân không mặn mà

Chia sẻ Zalo

KTĐT - 10 ngày sau thời điểm 25/11 - các ngân hàng chấm dứt huy động vàng, dù nhiều người hỏi thăm về việc gửi vàng nhưng khi nghe ngân hàng trả lời mất phí, rất ít khách hàng chọn cách "nhờ" ngân hàng giữ hộ.

Theo các chuyên gia, sẽ rất lãng phí nếu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không có một phương án khả thi để huy động được nguồn lực vàng đang rất lớn trong dân này.

Chần chừ gửi vàng mất phí

Hôm qua (4/12), ngày đầu tiên thực hiện yêu cầu của NHNN, các ngân hàng đã đồng loạt thu phí hoặc ngừng dịch vụ giữ hộ vàng. Một số ngân hàng cho gửi vàng không mất phí trước đây như Techcombank, SHB, VPBank… cho biết, hiện không huy động cũng không nhận giữ vàng cho khách nữa. Các chương trình khuyến mại khi khách hàng gửi vàng, như tại SHB cũng kết thúc hoàn toàn.  

Gửi vàng bị thu phí: Người dân không mặn mà - Ảnh 1
Giao dịch tại một chi nhánh của Techcombank trước ngày thực hiện thu phí huy động vàng.Ảnh: Trần Việt

Các ngân hàng khác như Sacombank, ACB, Eximbank… vẫn triển khai giữ hộ vàng nhưng mất phí; mức phí dao động từ 0,05 - 2% trên tổng số vàng gửi. Tại ACB là 0,05%/lần, tối thiểu là 20.000 đồng, không giới hạn thời gian gửi và lượng vàng tối thiểu nhận giữ là 1 lượng. Tại ngân hàng TMCP Sài Gòn, mức phí là 2%/năm, tối thiểu 30.000 đồng; ngân hàng TMCP Việt Á là 0,05%/tháng, tối thiểu 30.000 đồng/tháng, tối đa 1.000.000 đồng/tháng…

Tại một số Chi nhánh, Phòng giao dịch ngân hàng trên địa bàn Hà Nội, có khá nhiều khách hàng hỏi về phương thức cho khách hàng gửi vàng. Tuy nhiên, khi nghe ngân hàng trả lời là không huy động, không giữ hộ hoặc giữ hộ nhưng mất phí, đa số khách hàng đã chọn cách mang vàng về nhà cất trữ. "Gửi vàng tại ngân hàng vừa tốn kém, vừa bất tiện vì muốn rút lại phải thông báo trước, lại mất công đi lại. Không gửi ngân hàng thì cất ở nhà cũng không sao" - anh Nguyễn Hoàng (Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội), một khách hàng trước đây từng gửi tiết kiệm bằng vàng chia sẻ.

Ông Nguyễn Thanh Trúc,  Giám đốc Tổng Công ty Vàng Agribank cho biết, tích trữ vàng là thói quen ngàn đời nay của người dân. Sẽ rất đáng tiếc nếu không tổ chức huy động tiết kiệm vàng. "NHNN không cho các ngân hàng thương mại huy động để sử dụng nhưng có thể giao cho các ngân hàng thương mại huy động hộ" - ông Trúc đề xuất.

Gửi vàng bị thu phí: Người dân không mặn mà - Ảnh 2
Từ 4/12, các ngân hàng đã ngừng dịch vụ giữ hộ vàng miễn phí.Ảnh: Trần Việt
 
Để 400 tấn vàng không nằm yên trong két

Theo tính toán của TS Nguyễn Thế Hùng, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư kinh doanh vàng Việt Nam, hiện Việt Nam có khoảng 400 tấn vàng còn nằm rải rác trong dân. Quy đổi ngang giá 1.700 USD/oz thì lượng vàng này tương đương 22 tỷ USD - xấp xỉ dự trữ ngoại hối hiện nay. Nếu huy động được chỉ một nửa số vàng trong dân thì ít nhất cũng có 10 tỷ USD đưa vào nền kinh tế, giảm áp lực vay nợ từ các tổ chức tài chính quốc tế. Việc huy động vàng cũng làm tăng tỷ trọng vàng trong tổng dự trữ ngoại hối, giúp NHNN có nguồn lực để điều tiết thị trường khi xảy ra những cơn sốt giá.

Các chuyên gia cho rằng, NHNN cần nghiên cứu thực hiện chủ trương tiếp tục huy động vàng trong dân. Tất nhiên, việc huy động vàng này không phải để ngân hàng thương mại kinh doanh như trước đây mà NHNN sẽ phát hành chứng chỉ vàng dài hạn để gom vàng về NHNN. Với hình thức phát hành chứng chỉ này, người gửi vàng không được rút trước thời hạn như hình thức tiết kiệm trước đây, NHNN có thể sử dụng vốn vàng làm nguồn lực lâu dài để đầu tư phát triển. Từ đó, bằng các nghiệp vụ, NHNN có thể sử dụng số vàng huy động được đổi lấy ngoại tệ mạnh trong thời gian nhất định.

"Muốn thực hiện được chính sách huy động vàng, Nhà nước phải xây dựng quy chế chặt chẽ về nghĩa vụ, quyền lợi của NHNN và ngân hàng thương mại. Số vàng huy động được sẽ dùng làm tài sản thế chấp tại các ngân hàng hoặc tổ chức tài chính nước ngoài để vay ngoại tệ với lãi suất thấp đem về phục vụ các dự án phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia"- ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam đề xuất.
Bên cạnh đó, hệ thống chính sách cần đảm bảo được các yếu tố ổn định và thực thi nhất quán trên cơ sở cân đối được lợi ích của Nhà nước, của các tổ chức kinh doanh vàng và người dân.

Phó Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng: Sau 30/6/2013, thị trường vàng sẽ ổn định"Nhiều tổ chức tín dụng đã than vãn với lãnh đạo NHNN rằng họ quá mệt mỏi và thua lỗ nặng vì vàng, nên chỉ mong cho việc huy động vàng sẽ sớm chấm dứt, thực sự "thoát" khỏi thị trường vàng. Bởi vậy, từ 30/6/2013, khi thời hạn tất toán các hợp đồng huy động vàng cũ của các tổ chức tín dụng chấm dứt, sẽ không còn các đợt gom vàng nữa, thị trường vàng sẽ ổn định".

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần