Hà Đông: Doanh nghiệp thay đổi để phát triển sản xuất

Bài và ảnh: Thời Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Dịch bệnh Covid-19 đã làm nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn quận Hà Đông phải giảm quy mô, hoặc ngừng sản xuất. Trước những khó khăn đó, Hà Đông đã bàn biện pháp tháo gỡ khó khăn cùng doanh nghiệp.

Khó khăn trong dịch bệnh
Theo số liệu của Chi cục Thuế Hà Đông, trên địa bàn quận có 15.755 doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh (chưa bao gồm các đơn vị do Cục Thuế Hà Nội quản lý). Tính đến hết tháng 9, số DN phải giảm quy mô hoạt động là 4.267 đơn vị. Trong đó, giảm dưới 50% quy mô hoạt động có 1.518 DN, giảm 50% quy mô có 24 DN và giảm trên 50% có 2.725 DN. Riêng 2 cụm công nghiệp Yên Nghĩa và Biên Giang có 82 DN, tính đến hết tháng 9 chỉ còn 37 đơn vị hoạt động, số còn lại đã tạm dừng.
 HTX VỤN ART dù đã gửi hàng hóa lên các sàn thương mại điện tử, nhưng vẫn khó tiêu thụ sản phẩm.

Quận Hà Đông đã họp, bàn và đánh giá lại những khó khăn các DN đang gặp phải. Quận đã phân tích rõ những ngành nghề chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh theo thứ tự giảm dần như: Du lịch, vận tải, dệt may, da dày, bán lẻ, giáo dục-đào tạo. Tuy nhiên, một số ngành vẫn có cơ hội phát triển như công nghệ thông tin, thương mại điện tử.
Mặc dù trong 2 tháng thực hiện giãn cách xã hội, quận đã có chỉ đạo nhiều giải pháp giúp DN duy trì hoạt động như thực hiện “một cung đường, hai điểm đến”. Tuy nhiên, thực tế chỉ đáp ứng được từ 30-50% lao động. Số còn lại phải thỏa thuận hoãn, giãn thời gian lao động, hoặc chấm dứt hợp đồng lao động không hưởng lương. Cùng với đó, thông tin về thị trường, quy định về rào cản của thị trường xuất khẩu, nhà cung cấp không tiếp cận được với khách hàng đã khiến nhiều DN lâm vào khó khăn.
Thay đổi để thích ứng trong điều kiện bình thường mới
Nhà máy thực phẩm sạch và Trung tâm phân phối Yên Nghĩa, thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn Phú Thái nằm trong cụm công nghiệp Yên Nghĩa, khi giãn cách xã hội đã có những thời điểm gián đoạn việc kết nối lưu thông hành hóa từ những nhà máy sản xuất (SX) của Bình Dương, TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội. Tuy nhiên sau khi hết giãn cách xã hội, Công ty đã đẩy mạnh việc tuyên tuyền cho công nhân thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh và phương án SX, kinh doanh trong điều kiện bình thường mới.
 Việc livestream bán hàng và thay đổi quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh đã mở ra hướng đi mới cho HTX VỤN ART.
Những DN có tiềm lực như Tập đoàn Phú Thái đã vực dậy SX ngay sau giãn cách, nhưng không ít các đơn vị nhỏ và siêu nhỏ vẫn còn loay hoay tìm hướng đi mới. Theo quận Hà Đông, dịch bệnh đã ảnh hưởng lớn đến các DN nhỏ và vừa, hợp tác xã (HTX), cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ ở tất cả khâu từ doanh thu, tiêu thụ sản phẩm (SP), lao động, chi phí nguyên liệu.
Sau đánh giá này, Hà Đông đã đưa ra 9 giải pháp nhằm huy động các cấp, ngành, tổ chức chính trị vào cuộc hỗ trợ DN, cơ sở SX kinh doanh trên địa bàn. Cụ thể, quận đề xuất với ngành Thuế giãn, hoãn thời gian nộp thuế; đơn giản hóa thủ tục hành chính; thực hiện các gói cho vay hỗ trợ SX; tổ chức giao thương, xúc tiến thương mại; cơ cấu lại cây trồng; tăng cường kiểm soát dịch bệnh; tập trung thực các Nghị quyết, Chương trình, Đề án của TP và quận; thu hút, sử dụng hiệu quả nguồn lực để đầu tư phát triển đồng bộ, từng bước hiện đại hệ thống kết cấu hạ tầng; duy trì hiệu quả các buổi tiếp xúc, đối thoại giữa lãnh đạo quận với DN nhằm kịp thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc của các đơn vị để có giải pháp giải quyết.
Thực hiện chỉ đạo của quận, Hội Liên hiệp Phụ nữ (HLHPN) Hà Đông đã tiên phong làm đơn vị kết nối giữa DN công nghệ với HTX VỤN ART để đưa ra giải pháp hỗ trợ quản lý DN và bán hàng. Bà Lại Hà Phương - Chủ tịch HLHPN quận Hà Đông cho biết: “Nhằm hỗ trợ các DN bị ảnh hưởng của đại dịch, đặc biệt là giúp đỡ các cơ sở tạo việc làm cho đối tượng phụ nữ yếu thế HLHPN đã phối hợp với Công ty TNHH Công nghệ thông tin Yoopay-nền tảng kết nối cộng đồng Yoolove tổ chức phương thức bán hàng mới qua quét mã QR code và livestream bán SP tại HTX VỤN ART”.
 Bà Nguyễn Đoàn Hồng Liên (áo trắng) và bà Lại Hà Phương đang xem buổi livestream bán hàng của HTX VUN ART.
“Trước kia Yoopay chỉ cung cấp những áp cho cửa hàng nhỏ lẻ, ngày nay Yoopay đã phát triển đa dạng SP như phần mềm quản lý bán hàng, đặt hàng, menu điện tử trong các nhà hàng... Khi Yoopay cung cấp SP quản lý và bán hàng cho HTX VỤN ART thì DN biết được khách hàng thích đặt những loại hàng gì, số lượng bao nhiêu và cảnh báo hàng tại các kho gần hết; đồng thời cũng cho biết loại nào còn tồn kho và tồn bao nhiêu để đơn vị có hướng giải quyết, thậm chí những mặt hàng có hạn sử dụng cũng được cảnh báo đến DN. Như vậy, DN quản lý được cả quá trình vận hành, điều tiết SX, kinh doanh. Khách hàng thuận lợi đặt hàng online, hoặc qua tin nhắn. Dịch vụ đặt hàng chỉ sau nhấp chuột sẽ được chuyển đến chủ cửa hàng thông qua toàn bộ hệ thống dịch vụ trọn gói do Yoopay cung cấp từ đặt hàng, vận chuyển đến tận người tiêu dùng” - Bà Nguyễn Đoàn Hồng Liên – Trưởng bộ phận Quản lý phát triển nguồn nhân lực Công ty TNHH Công nghệ thông tin Yoopay chia sẻ.
Ngay trong buổi đầu tiên cài đặt phần mềm quản lý bán hàng qua quét mã QR code và tổ chức livestream bán hàng tại HTX VỤN ART, khá nhiều khách hàng từ TP Hồ Chí Minh trở ra đã đặt mua. Nói về vấn đề này, Giám đốc HTX VỤN ART Lê Việt Cường cho biết: “Dịch bệnh Covid-19 đã khiến HTX gặp rất nhiều khó khăn, giảm 95% doanh số bán hàng. Nhờ có sự hỗ trợ của các cấp, ngành, đoàn thể của quận Hà Đông, phường Vạn Phúc, chúng tôi đã giảm bớt khó khăn, từng bước chuyển sang bán hàng trực tuyến. HTX có đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, nhưng giá thành của SP thủ công do người khuyết tật làm ra cao hơn so với những SP cùng loại. HTX đang tìm phương án để tiếp cận với khách hàng tốt hơn, rất may HLHPN quận Hà Đông đã kết nối chúng tôi với Yoopay”.
 Ngay trong khi livestream đã có khá nhiều khách hàng đặt mua qua mã QR code.

"Hôm nay HTX tổ chức livestream, chúng tôi được tương tác trực tiếp với khách hàng. Chúng tôi xác định bán SP đi cùng với đó là câu chuyện của SP, khách hàng hiểu hơn về SP và câu chuyện đằng sau đó là được các người thợ khuyết tật làm 100% bằng thủ công để bớt đi so sánh về giá. Chỉ sau 1,5 giờ livestream, HTX đã nhận được khá nhiều đơn đặt hàng của khách ở nhiều địa phương trên toàn quốc và Hà Nội, đây là một tín hiệu tốt. Chúng tôi sẽ duy trì và phát huy sức mạnh của nền tảng công nghệ để phát triển kênh bán hàng trực tuyến cũng như quản lý, vận hành SX của HTX phù hợp với xu hướng của thị trường”- ông Lê Việt Cường cho biết thêm.
Ngoài HLHPN, trong tháng 12 quận Hà Đông đã tổ chức 2 tuần lễ bán và kết nối giao thương giữa các DN, cơ sở SX với nhà phân phối, siêu thị trên địa bàn nhằm quảng bá SP và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa. Với sự lãnh đạo, chỉ đạo của quận Hà Đông, chắc chắn còn nhiều đơn vị sẽ tìm được hướng đi mới để vực dậy SX sau dịch bệnh.