Hà Đông: Quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm ở chợ còn nhiều khó khăn

Thời Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện Đề án "Quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022 - 2025" (Đề án), trong 6 tháng đầu năm 2022 quận Hà Đông triển khai nhiều giải pháp. Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn trong quá trình thực hiện.

Người dân mua hàng tại chợ Hà Đông. Ảnh: Bích Hời  
Người dân mua hàng tại chợ Hà Đông. Ảnh: Bích Hời  

Đã có những chuyển biến

Để triển khai Đề án, UBND quận Hà Đông đã ban hành hàng loạt các văn bản tập trung chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn có liên quan, UBND phường triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Đề án. Như chỉ đạo khảo sát thống kê các cơ sở sản xuất, kinh doanh (SXKD) thực phẩm trong chợ trên địa bàn; chấn chỉnh, khắc phục ngay các tồn tại, vướng mắc trong công tác quản lý, kinh doanh (KD) khai thác chợ theo kết quả kiểm tra năm 2021 về công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP).

Phòng Kinh tế là đơn vị được giao nhiệm vụ cơ quan thường trực tham mưu UBND quận triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn đã triển khai các nội dung có liên quan đến đảm bảo ATVSTP trong chợ theo phân công, phân cấp. Trong đó, Phòng phối hợp với UBND các phường, Ban quản lý (BQL) chợ thường xuyên thông tin, tuyên truyền đầy đủ, kịp thời các văn bản chỉ đạo của UBND TP, các sở, ngành liên quan, UBND quận về việc triển khai thực hiện Đề án tới toàn bộ 16/16 đơn vị quản lý, KD, khai thác chợ; các thương nhân SXKD thực phẩm trong chợ và Nhân dân trên địa bàn.

Việc tuyên truyền được thực hiện đa dạng các hình thức, như: Đăng tải các văn bản chỉ đạo, điều hành lên cổng thông tin điện tử của quận, phường; thông báo trên hệ thống loa truyền thanh của phường và các đơn vị quản lý, KD, khai thác chợ. Quận niêm yết công khai Đề án và kế hoạch thực hiện Đề án tại bảng tin chung của chợ; yêu cầu các BQL chợ thông tin tới từng thương nhân KD thực phẩm trong chợ.

Nội dung tuyên truyền tập trung chủ yếu vào mục đích, ý nghĩa, yêu cầu, tiến độ, biện pháp thực hiện Đề án, trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, BQL chợ và các thương nhân SXKD thực phẩm.

Ông Nguyễn Công Tuyền, đại diện cửa hàng Hợp tác xã dịch vụ Hòa Bình (HTX), kinh doanh tại chợ Hà Đông, chia sẻ: Thời gian qua, BQL chợ đã tuyên truyền cho chúng tôi các văn bản của UBND TP, Sở Công Thương về công tác đảm bảo ATTP trong KD. Cho đến thời điểm này, gian hàng của HTX chúng tôi đều thực hiện đúng các quy định. Cụ thể như, HTX bán rau xanh, củ quả đều là sản phẩm đạt chuẩn OCOP. Các loại thịt, cá, sản phẩm chế biến cửa hàng đều lấy của những đơn vị có giấy chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn về ATTP do cơ quan Nhà nước chứng nhận, rõ nguồn gốc xuất xứ.

Theo Phó Trưởng phòng Kinh tế quận Hà Đông Nguyễn Việt Long: "Sau một thời gian đẩy mạnh tuyên truyền, bước đầu một số bà con đã chuyển biến nhận thức về đảm bảo ATTP. Rõ nét nhất là các quầy bán trái cây, thịt đều đã sắm các kệ để hàng trên cao. Trái cây nhập ngoại và một số hàng trái cây Việt Nam đã có tem truy xuất nguồn gốc xuất xứ. Một số quầy kinh doanh thịt đã có giấy mua bán tại các lò mổ".

 Kinh doanh hoa quả ở chợ Hà Đông
 Kinh doanh hoa quả ở chợ Hà Đông

Còn đó những khó khăn

Tuy đã có những chuyển biến ban đầu, nhưng theo ghi nhận của phóng viên tại một số chợ truyền thống như chợ Hà Đông, Xanh Văn Quán, La Cả, Xốm vẫn còn khá nhiều tiểu thương bán thực phẩm như tôm, cá, rau, củ, quả để hàng xuống sàn, không có giá đỡ, chỉ có mảnh vải nhựa.

Một số tiểu thương được hỏi cho biết, BQL chợ đã thông báo về đảm bảo ATVSTP, tuy nhiên chưa có điều kiện để đóng giá, kệ. Cũng có người cho rằng, tôm, cá dù không có kệ nhưng đã đựng vào chậu, nên vẫn đảm bảo ATVSTP. Đối với các BQL chợ cũng chỉ nhắc nhở bà con KD đảm bảo ATVSTP, không có chức năng kiểm soát về độ an toàn của thực phẩm.

Nói về vấn đề này bà Đặng Thị Thu Hương, phụ trách về công tác ATVSTP tại chợ Hà Đông, cho biết: “Chức năng của BQL chợ kiểm soát ATVSTP đối với bà con về mặt Nhà nước thông qua giấy truy xuất nguồn gốc, cam kết ATTP của hộ, chủ cơ sở KD. BQL chợ không có chức năng test về thực phẩm đó có an toàn hay không. Những hộ nào hết thời hạn cấp giấy cam kết bán hàng đảm bảo ATTP sẽ được quận tập huấn và cấp giấy lại. Hàng năm, các hộ tiểu thương đều được quận tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về kinh doanh ATTP”.

Đến nay, quận Hà Đông đã rà soát xong thực trạng tình hình SXKD thực phẩm trong chợ. Từ đó phân loại các hộ KD để tuyên truyền, vận động đúng, trúng đối tượng.

Toàn quận có 16 chợ trong quy hoạch, thuộc đối tượng triển khai thực hiện Đề án. Trong đó, có 1 chợ Mai Lĩnh chưa đưa vào khai thác do chủ đầu tư chưa khắc phục vi phạm trật tự xây dựng. Chợ Yên họp theo phiên – chỉ có 6 phiên/tháng. Trong số này chỉ có 3 chợ có cơ sở vật chất khá tốt như Hà Đông, Vân La, Bông Đỏ, còn lại nhiều chợ đã quá sập xệ. Có những chợ như La Cả (Dương Nội) bà con không muốn vào họp ở bên trong vì nền chợ hư hỏng, ẩm thấp rất bẩn.

Không những thế, việc kiểm soát ATTP tại chợ gặp rất nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Việt Long cho biết thêm: “Bên cạnh cơ sở vật chất của các chợ xuống cấp, hạ tầng kỹ thuật cấp thoát nước không đảm bảo, thiết bị của từng cơ sở KD trong chợ cũng tạm bợ. Vẫn còn tình trạng KD mặt hàng tươi sống như rau, củ quả, gia vị trên sàn chợ, không có bàn, giá, kệ. BQL chợ đã tuyên truyền để họ dần thay đổi và mua sắm.

Việc truy xuất nguồn gốc xuất xứ các thực phẩm bán trong chợ cực kỳ khó khăn. Sở Công Thương hướng dẫn có sổ theo dõi, hay lưu đầy đủ hóa đơn đỏ, hóa đơn bán lẻ hàng ngày ghi lại hàng nhập ở đâu, tên người bán và số điện thoại. Nội dung này không dễ thực hiện, bởi nhiều người mua hàng từ chợ đầu mối về bán lẻ không có hóa đơn, chứng từ”.

Theo yêu cầu của TP, mỗi chợ lập 1 chốt để test nhanh mẫu thực phẩm bày bán trong chợ. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, các chợ phân bổ hết các diện tích dành cho kinh doanh, khu chức năng không còn diện tích trống để xây dựng nhà trạm phục vụ cho việc test nhanh.

Về con người cấp quận chỉ có 2 cán bộ phòng Kinh tế phụ trách về ATTP ở chợ, còn cấp phường không có cán bộ chuyên trách về ATTP mà chỉ kiêm nhiệm. Các phường chủ yếu đang giao cho cán bộ văn hóa kiêm nhiệm khoảng 6 - 8 đầu việc trong đó có ATTP. Trong khi đó, công tác xét nghiệm lại cần cán bộ có chuyên môn, chuyên trách về lĩnh vực ATTP. Về trang thiết bị và nguồn kinh phí mua các bộ kít xét nghiệm hàng ngày đó lấy ở đâu? Đó là hàng loạt những khó khăn đặt ra cho việc thực hiện Đề án quản lý ATTP tại chợ ở Hà Đông.

 

Hà Đông có tổng số 1.486 tổ chức, cá nhân SXKD thực phẩm trong chợ. Có 470 cơ sở đã thực hiện đăng ký KD, đạt 31,6%. Có 993 cơ sở SXKD thực phẩm đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP, thực hiện cam kết đảm bảo ATTP, đạt 66,8%. Với 1.616 người tham gia SXKD thực phẩm tại các chợ, trong đó có 920 người đã được khám sức khỏe còn hiệu lực trong thời hạn 1 năm, đạt 56,9%; có 1.506 người đã được tập huấn kiến thức ATTP, đạt 93,2%.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần