Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nam: mở rộng diện tích trồng cây vụ Đông

Bảo Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngô là một trong những cây trồng có năng suất ổn định, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân. Việc trồng ngô vụ Đông đang được nhân rộng tại nhiều vùng, đặc biệt ở các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng, trong đó có Hà Nam.

Trong cơ cấu sản xuất vụ Đông, cây ưa lạnh cũng đóng vai trò quan trọng, chiếm hơn 30% tổng diện tích cả vụ (hơn 8.000 ha) theo kế hoạch, với các loại rau, củ, quả thực phẩm phục vụ nhu cầu thị trường trong dịp cuối năm. Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ lớn vào dịp Tết Nguyên đán, hiện nay các địa phương trong tỉnh Hà Nam đang tập trung đẩy mạnh mở rộng diện tích gieo trồng trên cả đất chuyên màu và đất lúa.

Nông dân thôn Thanh Nộn, xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng tập trung sản xuất vụ Đông.
Nông dân thôn Thanh Nộn, xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng tập trung sản xuất vụ Đông.

Ngô là cây lương thực được xếp thứ hai sau cây lúa. Trong chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cây ngô được ưu tiên hàng đầu.

Cây ngô không chỉ dễ trồng và có tiềm năng năng suất cao, mà sản phẩm của nó còn là nguyên liệu chính để chế biến thức ăn chăn nuôi. Qua thực tế cho thấy, hiện nay cây ngô vụ Đông đang trong thời kỳ sinh trưởng và phát triển tốt, đạt khoảng 7-9 lá (sau khoảng 1 tháng trồng). Tuy nhiên, tại một số địa phương, một số nông dân chưa thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, đặc biệt là việc bón phân, dẫn đến tình trạng cây còi cọc và chậm phát triển.

Tại thời điểm này, các hộ dân ở thôn Tam, xã Liêm Cần, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam đang khẩn trương vừa làm đất, vừa xuống giống cây rau cần. Đây cũng là một loại cây vụ Đông muộn đặc trưng trên vùng đất trũng, được nông dân trong xã duy trì sản xuất trong hơn 10 năm qua.

Chị Nguyễn Thị T, một người dân thôn Tam, cho biết: “Cuối tháng 10 là thời điểm phù hợp nhất để trồng cây rau cần do cây rau cần ưa thời tiết lạnh. Cây rau cần dễ trồng, dễ chăm sóc; chỉ sau khoảng hơn 1 tháng xuống giống là có thể thu hoạch lứa đầu và kéo dài vụ sang đầu xuân. Giá trị thu được từ cây rau cần không thua kém bất kỳ loại cây vụ Đông nào khác, đạt bình quân 6-7 triệu đồng/sào.”

Vụ Đông năm nay, diện tích trồng cây ưa lạnh tiếp tục được người dân ở xã Liêm Cần mở rộng lên khoảng 13 ha, tăng 3 ha so với vụ Đông trước. Các loại cây trồng khá đa dạng, bao gồm khoai tây, rau cần, rau đậu, v.v.

Những loại cây chủ yếu được tập trung sản xuất trong vụ Đông là rau thực phẩm (gần 210 ha), khoai tây (khoảng 32 ha), tập trung ở các xã Thanh Hải, Thanh Nghị, Liêm Cần và Thanh Tân. Đây là những vùng sản xuất rau thực phẩm chính cung cấp cho địa bàn, đặc biệt cho người lao động tại các khu, cụm công nghiệp.

Bà Đỗ Thị Thanh Nga - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Thanh Liêm cho biết, tiến độ gieo trồng cây vụ Đông ưa lạnh trên địa bàn huyện đang được đảm bảo. Dự kiến, diện tích vụ Đông năm nay sẽ được mở rộng thêm 10-15% so với kế hoạch.

Đối với huyện Kim Bảng, những vùng trồng cây ưa lạnh trong vụ Đông đã đạt gần 250 ha. Huyện Bình Lục đã mở rộng trồng cây vụ Đông tại những xã có lợi thế ven sông Châu, với hơn 400 ha, chiếm trên 40% tổng diện tích gieo trồng cả vụ.

Huyện Lý Nhân triển khai sản xuất cây vụ Đông ở hầu hết các xã, thị trấn với sự đa dạng và nhiều chủng loại, từ súp lơ, bắp cải, cà chua, su hào đến rau ăn lá ngắn ngày. Nhiều xã đã hình thành những vùng sản xuất rau thực phẩm trong vụ Đông muộn với quy mô lớn, như xã Nguyên Lý và Hòa Hậu mỗi nơi trồng 30 ha; HTX Nông nghiệp Nhân Tiến (Tiến Thắng) có 70 ha; xã Nhân Nghĩa có hơn 60 ha; Nhân Chính có gần 50 ha.

Tính chung toàn huyện Lý Nhân, diện tích cây vụ Đông năm nay ước khoảng 600 ha, tăng hơn 80 ha so với vụ Đông trước.

Trao đổi về sản xuất cây vụ Đông ưa lạnh của tỉnh năm nay, ông Nguyễn Hải Nam - Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt, bảo vệ thực vật và kiểm lâm (Sở NN&PTNT) cho biết: “Thời vụ gieo trồng cây vụ Đông còn khoảng gần 1 tháng nữa. Vì vậy, khả năng diện tích sản xuất sẽ được nâng lên vượt từ 10-15% kế hoạch. Đây chính là điều kiện để bù vào diện tích và giá trị một số cây ưa ấm đạt thấp. Giá trị sản xuất của cây vụ Đông được chứng minh, bình quân đạt 7-10 triệu đồng/sào/vụ, có thời điểm lên đến 15 triệu đồng/sào/vụ.”

Hiện nay, thời tiết đang rất thuận lợi cho quá trình sản xuất vụ Đông nói chung. Để các loại cây vụ Đông đem lại hiệu quả cao, người dân cần quan tâm đến chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, và áp dụng biện pháp sản xuất theo hướng an toàn. Qua đó, giúp cây trồng đạt cả về năng suất và chất lượng sản phẩm cung ứng ra thị trường.