Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tín dụng 6 tháng đầu năm đầu 2024 tăng trưởng tích cực, đạt mức 6%.
Tuy nhiên, nợ xấu tiếp tục là một điểm trừ lớn trên thị trường tiền tệ, khi nợ xấu nội bảng tính đến cuối tháng 5/2024 đã ở mức 4,94%, cao hơn mức 4,55% tại thời điểm cuối năm 2023. Trong khi đó, tỷ lệ nợ xấu gồm cả nợ tiềm ẩn và cơ cấu lại không thay đổi nhiều so với cuối năm 2023, duy trì ở mức 6,9%.
Thống kê mới nhất của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VSDC) cho thấy, xét về số tuyệt đối, nợ xấu nội bảng tăng thêm khoảng 75,9 nghìn tỷ đồng so với cuối năm 2023, trong khi nợ nội bảng, tiềm ẩn và cơ cấu lại tăng khoảng 30,7 nghìn tỷ đồng.
Đáng chú ý, nợ cơ cấu lại thời hạn và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư số 06/2024/TT-NHNN và Thông tư số 02/2023/TT-NHNN tăng khá mạnh. Tổng giá trị nợ gốc và lãi đã tăng thêm 25,5% so với cuối năm 2023 lên 230,4 nghìn tỷ đồng. Đồng thời, số lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn nợ và giữ nguyên nhóm nợ cũng tăng mạnh, từ 188.000 lượt lên 282.000 lượt tính đến cuối tháng 6/2024
Trong 6 tháng, toàn hệ thống ngân hàng xử lý được 96,7 nghìn tỷ đồng nợ xấu, tăng 28,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xử lý nợ xấu bằng dự phòng rủi ro ở mức cao, chiếm 48,9% tổng nợ xấu được xử lý.
Nguyên nhân nợ xấu có xu hướng tăng được cho là do kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, xung đột địa chính trị tại nhiều quốc gia ngày càng căng thẳng.
Bên cạnh đó, lạm phát tại một số quốc gia chưa được kiểm soát và tiếp tục gia tăng, hoạt động kinh tế trong nước chịu nhiều ảnh hưởng từ đại dịch... dẫn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, người dân chưa phục hồi vững chắc. Quá trình xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng còn gặp nhiều vướng mắc do khách hàng gặp khó khăn, không có khả năng trả nợ hoặc thậm chí chây ỳ trả nợ, không hợp tác trong việc xử lý tài sản bảo đảm.
Các quy trình, thủ tục tố tụng và thi hành án kéo dài gây tốn kém về mặt chi phí, giá trị tài sản bảo đảm bị giảm sút. Có trường hợp khách hàng có ý tạo ra một vụ tranh chấp với người thứ ba dẫn đến vụ việc thi hành án vẫn bị trì hoãn, kéo dài…
Có thể thấy, nợ xấu tăng không chỉ là thách thức của ngành ngân hàng mà của toàn nền kinh tế. Vì thế, các bên đều cần có trách nhiệm chung trong “hạ nhiệt” nợ xấu. Bản thân ngân hàng phải tích cực thu hồi nợ xấu, xem lại các quy trình xử lý nợ, làm sao vừa chặt chẽ, vừa tạo thuận lợi nhất đễ hỗ trợ người vay vốn trả nợ. Bản thân khách hàng là các cá nhân, DN cũng phải tìm các phương án tốt nhất để cơ cấu nợ, trả lãi và gốc vay cho ngân hàng.
Ngoài ra, để giải quyết một số vướng mắc, khó khăn trong xử lý nợ xấu, các ngân hàng đề xuất Ngân hàng Nhà nước, các cơ quan có thẩm quyền xem xét, hỗ trợ các tổ chức tín dụng trong quá trình xử lý nợ xấu, thu giữ tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu. Trong đó, công tác tố tụng giải quyết vụ án tại Tòa án các cấp và thi hành án cần được giải quyết rút gọn, đẩy nhanh tiến độ.
Về vấn đề này, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định, sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025” góp phần phát triển hệ thống các tổ chức tín dụng hoạt động lành mạnh, chất lượng, hiệu quả, công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật và tiệm cận, đáp ứng các chuẩn mực, thông lệ quốc tế, đẩy mạnh xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh.