Hà Nội: Ba nhà “bắt tay” phát triển nông sản sạch

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hơn một năm trước, Công ty CP Nông nghiệp Gigaherbs (huyện Chương Mỹ) “bắt tay” với Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Lam Điền quy tụ nông dân, tập trung phát triển vùng nguyên liệu sạch để chế biến các sản phẩm trà và bột rau sấy lạnh.

Yên tâm sản xuất trên mảnh đất của mình

Trên 6 sào đất nông nghiệp tại thôn Lương Xá (xã Lam Điền, huyện Chương Mỹ), nhiều năm về trước, anh Nguyễn Văn Toản chủ yếu gieo cấy lúa. Tuy nhiên, năng suất mang lại từ cây trồng truyền thống không cao. Một năm canh tác được hai vụ lúa, vất vả nhưng giá trị kinh tế mang lại chưa tương xứng.

Vùng canh tác rau má, rau tía tô của Công ty CP Nông nghiệp Gigaherbs liên kết với nông dân huyện Chương Mỹ. Ảnh: Lâm Nguyễn.
Vùng canh tác rau má, rau tía tô của Công ty CP Nông nghiệp Gigaherbs liên kết với nông dân huyện Chương Mỹ. Ảnh: Lâm Nguyễn.

Đầu năm 2021, HTX Nông nghiệp Lam Điền đã quy tụ những nông dân như anh Toản, tập trung phát triển vùng nguyên liệu sạch chuyên canh tác rau an toàn, chủ yếu là rau má và rau tía tô. Sau đó, cung ứng cho Công ty CP Nông nghiệp Gigaherbs để sản xuất trà và bột rau sấy lạnh.

Đến nay, vùng nguyên liệu do HTX Nông nghiệp Lam Điền và doanh nghiệp do anh Trần Văn Nguyện làm đại diện, đã phối hợp cùng nông dân phát triển, mở rộng vùng nguyên liệu trên quy mô hơn 1,3ha. Doanh nghiệp và HTX xây dựng quy trình sản xuất, tập huấn, hướng dẫn để bà con nông dân thực hiện canh tác theo tiêu chuẩn chất lượng.

Điều đáng nói, toàn bộ sản lượng rau má, rau tía tô do bà con nông dân gieo trồng đều được doanh nghiệp thu mua tại ruộng, với mức giá ưu đãi cao hơn thị trường.

“Việc có đầu ra ổn định giúp chúng tôi yên tâm sản xuất trên chính mảnh đất của mình mà không phải lo lắng bất cứ điều gì…” - bà Nguyễn Thị Túy, một nông dân ở thôn Lương Xá tham gia chuỗi liên kết cho hay.

Đa dạng hóa sản phẩm

Tiêu chuẩn chất lượng luôn được HTX và doanh nghiệp quản lý, giám sát chặt chẽ. Thành viên HTX tham gia liên kết được đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất; bảo đảm các yêu cầu nghiêm ngặt. “Sản phẩm thường xuyên được phân tích, đánh giá chất lượng; nếu không bảo đảm, thành viên có thể bị loại khỏi chuỗi liên kết…” - Giám đốc HTX Nông nghiệp Lam Điền Nguyễn Văn Luận cho biết.

Đóng gói sản phẩm trà từ các loại rau tại Công ty CP Nông nghiệp Gigaherbs.
Đóng gói sản phẩm trà từ các loại rau tại Công ty CP Nông nghiệp Gigaherbs.

Để bảo đảm chất lượng nguyên liệu, Công ty CP Nông nghiệp Gigaherbs đã đầu tư xây dựng khu sơ chế, chế biến tại chỗ. Rau má, rau tía tô sau thu hoạch được đưa vào quy trình sản xuất, tạo thành các sản phẩm trà và bột rau sấy lạnh cung ứng cho thị trường. 

 

“Đẩy mạnh chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp như mô hình liên kết giữa Công ty CP Nông nghiệp Gigaherbs, HTX Nông nghiệp Lam Điền với người nông dân huyện Chương Mỹ là chủ trương chung của Hà Nội nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị cho nông sản, thực phẩm. Đây cũng là tiền đề quan trọng để Hà Nội hoàn thành mục tiêu phát triển sản phẩm OCOP năm 2022 và những năm tiếp theo…”.

Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí.

Dù mới đi vào hoạt động, tuy nhiên mô hình liên kết sản xuất, chế biến trà và bột rau sấy lạnh của Công ty CP Nông nghiệp Gigaherbs, HTX Nông nghiệp Lam Điền và một bộ phận bà con nông dân địa phương đã bước đầu đạt được kết quả tích cực. Không chỉ mang lại lợi ích cho các chủ thể tham gia, người tiêu dùng cũng được hưởng lợi nhờ cơ hội tiếp cận các sản phẩm nông nghiệp có chất lượng.

Dự kiến trong thời gian tới, Công ty CP Nông nghiệp Gigaherbs sẽ tiếp tục phối hợp với HTX Nông nghiệp Lam Điền để mở rộng vùng nguyên liệu. Ngoài trà và bột rau sấy lạnh, anh Nguyện dự kiến bắt tay với doanh nghiệp dược phẩm để sản xuất viên uống sủi và thạch từ rau má, rau tía tô.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ Trần Thị Thu Hằng cho biết, mô hình liên kết giữa Công ty CP Nông nghiệp Gigaherbs, HTX Nông nghiệp Lam Điền và bà con nông dân là một trong những mô hình liên kết đang phát huy hiệu quả tích cực trên địa bàn. Địa phương sẽ sát cánh, hỗ trợ chuỗi liên kết tiếp cận cơ chế, chính sách, nhất là hoàn thiện sản phẩm để tham gia đánh giá, phân hạng trong Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2022.